Mật Nghị Bầu Giáo Hoàng Sẽ Bắt Đầu Vào Ngày 7/5/2025

Ngày đăng: Tháng 5 1, 2025

Vào sáng thứ Hai ngày 28/4/2025, trong phiên họp chung thứ 5, 180 Hồng y hiện diện, trong đó có hơn 100 Hồng y cử tri, đã chọn ngày 7/5/2025 là ngày bắt đầu Mật nghị bầu Giáo hoàng.

Các quy định của tông hiến “Universi Dominici Gregis”

Thời điểm bắt đầu Mật nghị Hồng y được thiết lập theo các quy định của tông hiến “Universi Dominici Gregis” của Đức Gioan Phaolô II, được Đức Biển Đức XVI cập nhật bằng Tự sắc ngày 11/6/2007 và bằng Tự sắc vào ngày 22/2/2013.

Theo Tông hiến, Mật nghị Hồng y bắt đầu từ ngày thứ 15 đến ngày thứ 20 sau khi Đức Giáo hoàng qua đời, sau tuần chín ngày cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho Đức cố Giáo hoàng.

Cụ thể hơn, kể từ thời điểm “trống tòa”, các Hồng y cử tri có mặt phải đợi tròn 15 ngày để chờ những người vắng mặt, tối đa là 20 ngày, nếu có lý do nghiêm trọng. Tự sắc “Normas nonnullas” cũng trao cho Hồng y đoàn quyền quyết định bắt đầu Mật nghị sớm hơn thời gian quy định nếu chắc chắn rằng tất cả các cử tri đều có mặt.

Trong những ngày này, các Hồng y ở các nước xa vẫn đang được chờ đợi đến Roma. Trong thời gian họp Mật nghị, các Hồng y sẽ cư ngụ tại Nhà Thánh Marta, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô cư ngụ trong 12 năm làm Giáo hoàng.

Thánh lễ “pro eligendo Pontifice”

Sáng thứ Tư ngày 7/5, tất cả các Hồng y sẽ đồng tế trong Thánh lễ trọng thể “pro eligendo Pontifice” – để bầu Giáo hoàng -, do Đức Hồng y Niên trưởng Hồng y đoàn chủ tế.

Vào buổi chiều, các Hồng y cử tri tiến hành một cuộc rước long trọng đến Nhà nguyện Sistine, nơi Mật nghị bắt đầu bầu Giáo hoàng mới.

Sau khi đã vào bên trong Nhà nguyện Sistine, mỗi Hồng y cử tri tuyên thệ theo quy định tại đoạn 53 của Tông hiến “Universi Dominici Gregis”.

Thông qua lời tuyên thệ này, các Hồng y cam kết, nếu được bầu, sẽ trung thành thực hiện Sứ vụ Phêrô như là Mục tử của Giáo hội Hoàn vũ.

Các ngài cũng cam kết giữ bí mật tuyệt đối về mọi thứ liên quan đến cuộc bầu cử Giáo hoàng và không ủng hộ bất kỳ nỗ lực can thiệp bên ngoài nào vào cuộc bầu cử.

Vào thời điểm này, Trưởng ban Nghi lễ Phụng vụ Giáo hoàng tuyên bố “extra omnes”, nghĩa là tất cả những cá nhân không tham gia Mật nghị phải rời khỏi Nhà nguyện Sistine. Chỉ có vị Chưởng nghi và vị được chỉ định phụ trách bài suy niệm thứ hai ở lại.

Bài suy niệm này tập trung vào trách nhiệm quan trọng của các cử tri và sự cần thiết phải hành động với ý định trong sáng vì lợi ích của Giáo hội Hoàn vũ, chỉ hướng mắt về Chúa.

Sau khi bài suy niệm kết thúc, cả vị giáo sĩ và Trưởng ban Nghi lễ Phụng vụ Giáo hoàng đều rời khỏi nhà nguyện Sistine.

Tiến trình bầu Giáo hoàng

Sau đó, các Hồng y cử tri đọc kinh theo “Ordo Sacrorum Rituum Conclavis” – Nghi thức phụng vụ của Mật nghị – và lắng nghe Đức Hồng y Niên trưởng. Ngài sẽ hỏi các Hồng y đã sẵn sàng tiến hành bỏ phiếu hay có bất kỳ giải thích nào về các quy tắc và thủ tục hay không.

Tất cả các thủ tục bầu cử hoàn toàn diễn ra tại Nhà nguyện Sistine trong Dinh Tông tòa ở Vatican; nơi này hoàn toàn được niêm phong cho đến khi cuộc bầu cử kết thúc.

Trong suốt quá trình bầu cử, các Hồng y cử tri không gửi thư hoặc tham gia vào các cuộc trò chuyện, bao gồm cả cuộc gọi điện thoại, trừ những trường hợp cực kỳ cấp bách.

Các ngài không được phép gửi hoặc nhận bất kỳ loại tin nhắn nào, nhận báo hoặc tạp chí dưới bất kỳ hình thức nào hoặc theo dõi các chương trình phát thanh hoặc truyền hình.

Để bầu được một Giáo hoàng hợp luật, cần phải đạt được từ hai phần ba số phiếu của các cử tri có mặt. Nếu tổng số cử tri không chia hết cho ba, thì cần phải có thêm một phiếu bầu.

Nếu cuộc bỏ phiếu bắt đầu vào buổi chiều của ngày đầu tiên, thì sẽ chỉ có một lần bỏ phiếu. Vào những ngày tiếp theo, sẽ có hai lần vào buổi sáng và hai lần vào buổi chiều.

Sau khi kiểm phiếu, tất cả các lá phiếu sẽ được đốt. Nếu lần bỏ phiếu không có kết quả, một ống khói đặt trên Nhà nguyện Sistine sẽ phát ra khói đen. Nếu một Giáo hoàng được bầu, khói trắng sẽ bốc ra từ ống khói.

Nếu các cử tri không đạt được thỏa thuận về một ứng cử viên sau ba ngày bỏ phiếu không có kết quả, thì được phép nghỉ tối đa một ngày để cầu nguyện, thảo luận tự do giữa các cử tri và lời khuyên tinh thần ngắn gọn của Hồng y trưởng đẳng Phó tế (hiện là Hồng y Dominique Mamberti).

Sau khi bầu được Giáo hoàng

Sau khi các Hồng y bầu được Giáo hoàng mới, Hồng y cuối cùng của các Hồng y Phó tế sẽ gọi Thư ký của Hồng y đoàn và Trưởng ban Nghi lễ Phụng vụ Giáo hoàng vào Nhà nguyện Sistine.

Đức Hồng y Giovanni Battista Re, Niên trưởng của Hồng y đoàn, thay mặt cho tất cả các cử tri, yêu cầu sự đồng ý của ứng cử viên được bầu bằng những lời sau: “Ngài có chấp nhận việc bầu chọn ngài theo giáo luật làm Giáo hoàng không?”

Sau khi nhận được sự đồng ý, Đức Hồng y Niên trưởng hỏi thêm: “Ngài muốn được gọi bằng tên gì?”

Các chức năng của một công chứng viên, với hai quan chức của ban Nghi lễ làm chứng, được thực hiện bởi Trưởng ban Nghi lễ Phụng vụ Giáo hoàng; ngài soạn thảo văn bản chấp thuận và ghi lại tên đã chọn.

Từ thời điểm này, Giáo hoàng mới được bầu có toàn quyền và quyền tối cao đối với Giáo hội hoàn vũ. Mật nghị kết thúc ngay tại thời điểm này.

Tiếp đến, các Hồng y cử tri bày tỏ lòng tôn kính và tuyên thệ vâng phục Giáo hoàng mới, và tạ ơn Chúa.

Sau đó, Hồng y trưởng đẳng Phó tế thông báo cho các tín hữu về cuộc bầu cử và danh tính của Giáo hoàng mới bằng câu nói nổi tiếng: “Annuntio vobis gaudium magnum; Habemus Papam” – Tôi thông báo với anh chị em một tin mừng trọng đại; chúng ta có Giáo hoàng.

Ngay sau đó, Giáo hoàng mới ban Phép lành Tòa thánh Urbi et Orbi từ ban công chính của Đền thờ Thánh Phêrô.

Bước cuối cùng cần thực hiện là sau nghi lễ khai mạc sứ vụ của Giáo hoàng và trong thời gian thích hợp, Giáo hoàng mới chính thức tiếp quản Đền thờ Thánh Gioan Latêranô.

Nguồn. Vatican News



Bài viết khác

ĐHY Parolin: Đại Diện Ngoại Giao Của Đức Thánh Cha Là Người Mang Nền Ngoại Giao Của Phúc Âm

Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican Media, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, định nghĩa các Sứ thần Tòa thánh là những cây cầu nối Đức Giáo hoàng với các Giáo hội địa phương, Giáo hội với các Quốc gia và những vết thương của thế giới bằng hy vọng […]


Đức Thánh Cha Lêô XIV Kêu Gọi Canh Tân Hoạt Động Truyền Giáo Tại Pháp

Trong sứ điệp gửi đến các Giám mục Pháp nhân kỷ niệm 100 năm tuyên thánh ba vị thánh người Pháp – Têrêsa Hài Đồng, Gioan Êuđê và Gioan Maria Vianney -, Đức Thánh Cha Lêô XIV hy vọng dịp kỷ niệm này không chỉ nhắc lại một sự kiện quá khứ, nhưng “sẽ đánh […]


Đức Thánh Cha Lêô XIV Tiếp Câu Lạc Bộ Bóng Đá Napoli

Sáng ngày 27/5/2025, tiếp các thành viên của đội bóng đá Napoli vừa mới vô địch giải bóng đá Seria A của Ý, Đức Thánh Cha nhắc nhở đến chiều kích tập thể của chiến thắng, đồng thời cũng lưu ý đến khía cạnh giáo dục của thể thao, đặc biệt ảnh hưởng của nó […]


ĐTC. Lêô XIV Nhậm Chức Tân Giám Mục Roma

Chiều ngày 25/05/2025, vị Giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội hoàn vũ chính thức khởi sự sứ vụ giám mục của ngài tại Rôma, tiếp nối truyền thống Tông đồ xưa kia. Mượn lời Đức Gioan Phaolô I, Đức Lê-ô XIV nói với các tín hữu thuộc giáo phận Rôma: “Tôi có thể cam […]


ĐTC Lêô XIV: “Tôi Đã Phải Từ Bỏ Nhiều Thứ, Nhưng Sẽ Không Từ Bỏ Việc Là Một Tu Sĩ Augustinô”

Trong một cuộc trò chuyện với Cha Alejandro Moral Antón, Bề trên Tổng quyền Dòng Augustinô, Đức Thánh Cha Lêô XIV chia sẻ rằng ngài đã phải từ bỏ nhiều thứ, nhưng sẽ không từ bỏ việc là một tu sĩ Augustinô. Những lời của Đức Thánh Cha Lêô XIV được Cha Moral Antón thuật […]


Đức Thánh Cha Lêô XIV Viếng Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành

Vào lúc 5 giờ chiều thứ Ba ngày 20/5/2025, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã đến viếng Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành và cầu nguyện trước mộ thánh nhân. Trong bài chia sẻ ngắn, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng nguồn gốc của mọi sứ vụ chính là Thiên Chúa, Đấng yêu thương và […]


ĐTC Lêô Kêu Gọi Các Đại Diện Tôn Giáo: Nói Không Với Chiến Tranh, Vũ Khí; Nói Có Với Hòa Bình

Tiếp các Đại diện các Giáo hội và các cộng đoàn Giáo hội Kitô và các tôn giáo khác vào sáng thứ Hai ngày 19/5/2025, Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự hiệp nhất trong đức tin của các Kitô hữu và xem việc tái lập sự hiệp thông trọn vẹn và hữu hình giữa tất […]


Các Tu Sĩ Dòng Augustinô: Đức Lêô XIV Là Một Món Quà Cho Toàn Thế Giới

Mặc dù hết sức ngạc nhiên khi đón nhận tin Đức Hồng y Robert Francis Prevost, một người anh em cùng dòng được bầu chọn làm Giáo hoàng, các tu sĩ Dòng Augustinô cũng nhận định rằng Đức tân Giáo hoàng là một món quà cho toàn thể Giáo hội. Cha Alejandro Moral Antón, Bề […]


Đức Thánh Cha Lêô XIV Viếng Mộ Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô

Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết vào chiều thứ Bảy ngày 10/5/2025, trên đường trở về Vatican sau khi viếng Đền thánh Đức Mẹ Chỉ bảo Đàng lành ở Genazzano, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã đến Đền thờ Đức Bà Cả và cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ Salus Populi Romani và tại […]


Lời Chào Đầu Tiên Của Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV

Trước khi ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi, cho Roma và toàn thế giới, Đức Giáo Hoàng Leo XIV đã ngỏ lời với tất cả mọi người với lời chào bình an, mời gọi xây nhịp cầu và đối thoại. Bình an ở cùng tất cả anh chị em! Anh chị em thân […]


Quỹ Giáo Hoàng Trao Tặng 14 Triệu Đô La Cho Những Người Có Nhu Cầu Tại Hơn 60 Quốc Gia

Tổ chức “Papal Foundation”, một tổ chức bác ái của Tòa Thánh có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã công bố khoản tài trợ và viện trợ nhân đạo trị giá 14 triệu đô la. Các khoản tiền này sẽ hỗ trợ 116 dự án tại hơn 60 quốc gia. Kể từ khi thành lập, […]


Các Hồng Y Xin Các Tín Hữu Cầu Nguyện Cho Các Ngài Trong Việc Chọn Giáo Hoàng

Trong một thông cáo được Tòa Thánh công bố vào ngày 30/4/2025, các Hồng y nhấn mạnh trách nhiệm của các Hồng y cử tri tham dự mật nghị bầu Giáo hoàng và cảm thấy cần được hỗ trợ bằng lời cầu nguyện của tất cả các tín hữu. Các Hồng y đã xin tất […]