Chúa Thương Bạn! (08.07.2024 Thứ Hai Sau Chúa Nhật XIV Thường Niên)
Ngày đăng: Tháng bảy 8, 2024Trong ngôn ngữ chúng ta, người Việt Nam, dường như chữ ‘THƯƠNG’ gieo một âm hưởng sâu đậm, gần gũi, tự nhiên, và phù hợp một cách rộng rãi hơn nhiều so với chữ ‘YÊU’. Chúng ta thường dùng chữ ‘yêu’, dĩ nhiên, nhưng đó chủ yếu là trong những diễn đạt có tính trịnh trọng hơn. Còn trong thông thoại của đời sống đại chúng thường ngày, xem ra chữ ‘thương’ được ưa dùng hơn – ngay cả khi nói về tình yêu nam nữ, chẳng hạn: “Mi thương con nhỏ đó rồi phải hông?” Hoặc thay vì nói với giọng hơi sách vở rằng ‘yêu tổ quốc yêu đồng bào’ thì ta vẫn nói cách đơn giản mộc mạc là ‘thương nước thương dân’!
Vì thế, chúng ta nói nhiều về LÒNG THƯƠNG XÓT, theo hai chiều: lòng Chúa thương xót chúng ta, và lòng thương xót mà chúng ta được kêu gọi dành cho nhau. Tổng giám mục Joseph Doré, một nhà thần học, từng là Chủ tịch Uỷ ban Thần học Quốc tế, khẳng định rằng “lòng thương xót là đặc trưng của tình yêu Kitô giáo”!
Sách ngôn sứ Hô sê diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa đối với dân Ngài như tình yêu nam nữ: “Này đây Ta sẽ quyến rũ nó, đem nó vào sa mạc, và lòng kề lòng, Ta tâm sự với nó. Ở đó nó sẽ vọng lại như ngày còn thơ, và như ngày nó lên từ đất Ai-cập… Nó sẽ gọi Ta: ‘Chồng tôi’, chứ sẽ không gọi Ta là ‘Ông chủ tôi’ nữa”. “Ta sẽ đính hôn với ngươi đến muôn đời. Ta sẽ đính hôn với ngươi trong công bình và chính trực, trong tình yêu và thương xót. Ta sẽ đính hôn với ngươi trong sự trung tín và ngươi sẽ biết Ta là Chúa”…
Đứng trước một Thiên Chúa như thế, dân Ngài nhận ra: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu” (Tv 144,8a). ‘Từ bi’, ‘nhân hậu’ thực ra là những từ đồng nghĩa của ‘thương xót’ hay ‘THƯƠNG’!
Chúa Giêsu là ‘khuôn mặt của lòng thương xót’ (misericordiae vultus), hay cũng có thể nói Người là tay là chân của lòng thương xót (của Chúa Cha). Vì sứ mạng của Người không là gì khác ngoài việc diễn tả, thi thố Lòng Thương Xót của Cha trên trời. Phúc Âm mô tả Người như ‘trưởng ban’ Chạnh lòng thương!
Câu chuyện ‘hai trong một’ trong đó Chúa chữa lành người phụ nữ loạn huyết 12 năm và cứu sống đứa con gái của vị kỳ mục là một ví dụ ấn tượng về sứ mạng thương xót của Chúa. Dường như Chúa gặp sự thống khổ của nhân sinh trên mỗi bước đi của Người. Và càng gặp thống khổ, Người càng xót thương và càng làm những việc của lòng xót thương!
Bạn hãy đem hết những nỗi khổ của mình, của những người thân quen mà bạn quan tâm… đến với Chúa! Không bao giờ là quá tải với Chúa đâu!
Và bạn hãy tin rằng không có sự thật nào chắc chắn hơn sự thật này: Chúa thương xót bạn!
Lm. Lê Công Đức