Sứ Vụ Loan Báo Tin Mừng
Ngày đăng: Tháng mười 23, 2022Đứng trước thách đố của thời đại kỹ thuật số, con người đang dần đánh mất sự sống tâm linh và coi yếu tố vật chất làm nền tảng để xây dựng hạnh phúc. Thiên Chúa đã chết trong lối tư duy của con người. Triết gia hiện sinh vô thần Nietzsche đã tuyên bố: “Thiên Chúa đã chết, Thiên Chúa sẽ mãi mãi chết và chính chúng ta đã giết Người”. Theo ông, phải giết chết Chúa để chừa chỗ cho siêu nhân và cho ý chí quyền lực của con người. Do đó sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội đang đứng trước những đòi hỏi quá lớn của nhân loại, làm sao hòa nhập nhưng lại không đi sai đường lối của Tin Mừng.
Tự bản chất, Giáo Hội là người được sai đi. Nếu Giáo Hội không ra đi rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Giêsu là Giáo Hội chết. Mệnh lệnh của Chúa Giêsu dành các Tông Đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loại thụ tạo” (Mc 16,15a) luôn được Giáo Hội không ngừng thực thi.
Mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu cũng được thánh sử Matthêu ghi lại giây phút Chúa Phục sinh sai các môn đệ: “Vậy các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”. Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng số 20, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích cụm từ “hãy đi” này của Chúa Giêsu trong bối cảnh và thách đố mới của sứ vụ truyền giáo. Vì vậy, tất cả chúng ta cũng được mời gọi tham gia vào công cuộc truyền giáo mới này. Mọi Kitô hữu và mọi cộng đồng sẽ phân biệt đâu là con đường mà Chúa đòi hỏi nhưng chúng ta đều được mời gọi bước ra ngoài vùng an toàn của mình và can đảm đi hết những vùng ngoại vi đến với những người cần ánh sáng Tin Mừng.
Trong sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội AD Gentes số 7 của Công Đồng Vaticanô II có viết: “ý định của Thiên Chúa, Đấng muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý”. Quả thật, để thi hành ý muốn của Thiên Chúa mỗi người Kitô hữu được mời gọi sống sứ mạng truyền giáo bằng chính đời sống của họ theo lối đi của Tin Mừng là “mến Chúa yêu người” (x. Mt 22, 34-40). Đồng thời, nhìn thấy Thiên Chúa qua những người nhỏ bé mà họ sẽ gặp trong đời sống thường nhật. Hình ảnh Mẹ Têrêsa Calcutta, đã sống sứ mạng truyền giáo bằng việc phục vụ những người nghèo, những người ốm đau bệnh tật, Mẹ đã nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô nơi những người này: “Khi chúng ta đụng chạm đến một bệnh nhân hay một người cùng khổ, chúng ta đụng chạm đến chính thân thể đau thương của Đức Kitô”.
Quả thật, để sống sứ vụ truyền giáo là loan báo Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa đến cho mọi người, đòi hỏi người Kitô hữu sống niềm vui của Tin Mừng -một sự ra đi không biết mệt mỏi. Thánh sử Luca trình bày cho chúng ta hình ảnh 72 môn đệ sau khi được Chúa sai đi, họ trở về với tất cả niềm vui từ sứ vụ truyền giáo và kể cho Chúa nghe (x Lc 10,17). Hơn nữa, mỗi người Kitô hữu thể hiện chứng tá trong đời sống thường ngày, như lời của Đức Thánh giáo Hoàng Phaolô VI có viết: ““Người thời nay sẵn sàng nghe các chứng nhân hơn các thầy dạy, và nếu họ nghe các thầy dạy, thì cũng vì đó là những chứng nhân” (Evangelii Nuntiandi, 41). Trong sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho ngày thế giới truyền giáo năm 2022 có viết: “các môn đệ được thúc đẩy sống đời sống cá nhân của họ theo hướng truyền giáo, họ được Đức Giêsu sai vào thế giới không chỉ để thi hành sứ vụ, nhưng trước hết cũng là để sống sứ vụ được uỷ thác cho họ; không chỉ để làm chứng, nhưng trước hết cũng để là những chứng nhân của Đức Kitô. Theo những lời lẽ rất cảm động của Tông Đồ Phaolô, “chúng tôi luôn mang nơi thân mình sự chết của Ðức Giêsu, để sự sống của Ðức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2 Cr4, 10).
“Phải chi trên toàn dân của Thiên Chúa đều là ngôn sứ” (Ds 11,29). Thật vậy, mỗi người chúng hãy để cho tình yêu của Đức Kitô thúc bách (x. 2Cr 5,14), hiệp hành cùng Giáo Hội trong sứ vụ truyền giáo, mang niềm vui ơn cứu độ của Thiên Chúa đã thành toàn trong mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu đến cho những người còn chưa nhận biết Thiên Chúa, trong một thế giới phủ đầy chủ nghĩa duy vật chất. Nhờ đó, nhân loại được sống viên mãn trong tình yêu, ngập tràn hạnh phúc trong ân sủng của Thiên Chúa.
Maria Phạm Trang
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nhóm Phiên Dịch Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Ấn Bản 2011, nxb tôn giáo, 2017
- Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Công Đồng Vaticanô II, nxb tôn giáo, 2012
- Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng, Evangelii Nuntiandi, của Đức Thánh giáo Hoàng Phaolô VI, 1975
- Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Evanglii, Gaudium, của Đức Thánh Cha Phanxicô, 2013
- Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô Cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2022