Niềm Vui Tin Mừng, Niềm Vui Có Chúa (15.12.2024 Chúa Nhật III Mùa Vọng)
Ngày đăng: Tháng mười hai 15, 2024Chúa nhật thứ 3 Mùa Vọng có một âm hưởng vui mừng hân hoan rất rõ, như chúng ta nghe từ hai Bài đọc I và II, cũng như Đáp ca. Đây không phải niềm vui ‘nhất thời’, kiểu như giờ ‘nghỉ giải lao’ hay khoảnh khắc ‘bồi dưỡng’ xen giữa một quá trình làm việc vất vả. Đúng hơn, âm hưởng niềm vui này muốn nhắc chúng ta về niềm vui nền tảng của đời sống đức tin, niềm vui ‘tứ thời’, bất luận hoàn cảnh nào trong đời sống, bởi đây là NIỀM VUI CÓ CHÚA và NIỀM VUI CỦA CHÚA!
Như trong sách Xô-phô-nia: “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn! … Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa”… “Hỡi Sion, đừng sợ, tay ngươi sẽ hết rã rời! Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Ðấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi. Người hân hoan vui mừng vì ngươi. Người cảm động yêu thương ngươi, và vì ngươi, Người sung sướng reo mừng” (x. Xp 3,14-18a).
Đáp ca, trích từ sách Isaia, càng cô đọng ý nghĩa về ‘niềm vui có Chúa’: “Hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì Ở GIỮA NGƯƠI CÓ Ðấng Thánh của Israel thật cao cả” (x. Is 12,2-3.4bcd.5-6).
Thánh Phaolô nhắc đi, rồi nhắc lại với các tín hữu Philip rằng hãy VUI LUÔN trong Chúa. Và dường như Phaolô đồng hoá niềm vui căn bản này với ‘đức hiền hoà’ và cảm nghiệm ‘bình an’: “Đức hiền hoà của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giêsu Kitô” (x. Pl 4,4-7).
Niềm vui tràn ngập như thế – từ các trang Thánh Kinh Cựu Ước sang đỉnh điểm của nó ở Tân Ước, với sự có mặt bằng xương bằng thịt của Con Thiên Chúa, là Chúa Giêsu – được Đức thánh cha Phanxicô xác nhận cách nhấn mạnh là NIỀM VUI TIN MỪNG (x. Evangelii Gaudium, các số 1-8). Chính vị giáo hoàng cũng nêu ‘niềm vui’ như một dấu hiệu của sự thánh thiện trong thời đại của chúng ta (x. Gaudete et exsultate, chương 4).
Nói cách khác, Kitô giáo là đạo của niềm vui. Đi đạo là vui. Ngay cả dù ở giữa buồn phiền và đẫm nước mắt, người Kitô hữu vẫn vui và bình an tận thâm sâu. Bởi niềm vui ở đây là tâm thế nền tảng, chứ không phải chỉ là ‘cảm giác trên bề mặt’ vốn dễ thay đổi rất nhanh theo tâm trạng và thậm chí tuỳ theo thời tiết và những gì xảy ra xung quanh bên ngoài…
Niềm vui có Chúa, vì thế, giả thiết và thách đố mỗi chúng ta cảm nghiệm sâu xa rằng ‘CÓ CHÚA’ là niềm vui. Biết Chúa, gặp Chúa, theo Chúa… là niềm vui! Nó khác với loại tâm thế trong đó người ta đi đạo, giữ đạo một cách nhăn nhó, ‘cực chẳng đã’, như một cái giá phải gắng trả để ‘mua’ thiên đàng đời sau! “Ồ, cái ông ấy sướng thật, được ăn chơi hưởng thụ cả đời, đến lúc gần chết mới theo đạo, và đi thẳng lên thiên đàng – ông ta được sướng cả đời này lẫn đời sau!” Đó là tâm thế của người có đạo, có Chúa mà… không vui!
Vậy thì chúng ta đâu có tin MỪNG mà loan báo? Làm sao đạo của mình có thể hấp dẫn những người chưa tin?… Đó là lý do tại sao ngay từ khi bắt đầu sứ vụ Phêrô, Đức Phanxicô đã chuyển tải cương lĩnh cho một cuộc canh tân Giáo hội trong Tông huấn đầu tay của ngài mang tựa đề ‘Niềm Vui Tin Mừng’. Trao Tin Mừng cho người khác, mà mình không vui cách thâm sâu, thì làm sao người ta tin?
Bài Tin Mừng hôm nay (x. Lc 3,10-18) không trực tiếp đề cập niềm vui, mà nêu câu trả lời của Gioan Tẩy giả cho câu hỏi của đám đông: “Chúng tôi phải làm gì?” Gioan không đề nghị bất cứ việc gì lớn lao, to tát. Gioan chỉ kêu gọi mỗi người làm các bổn phận hằng ngày của mình một cách tử tế. Soi chiếu ‘niềm vui Tin Mừng’ nói trên kia vào đây, chúng ta sẽ nhận được sứ điệp mà tuần thứ ba Mùa Vọng mời gọi mình: Không cần làm gì to tát cả, mỗi người chỉ cần VUI TƯƠI kiên nhẫn chu toàn các bổn phận đời thường của mình!
Đó là cách thuyết phục nhất để nói với mọi người rằng chúng ta có Chúa.
Lm. Lê Công Đức