Người Môn Đệ Được Chúa Sai Đi (Mc 6,6b-13)
Ngày đăng: Tháng tám 8, 2022Bản văn Mc 6,6b-13 được đặt trong khung cảnh Chúa Giêsu trở về quê nhà rao giảng Tin Mừng, Chúa bắt gặp thái độ của những người dân làng Nazareth không tin vào Người (x. Mc 6,1-6). Chúa Giêsu vẫn tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng ở các làng chung quanh và Người bắt đầu sai các môn đệ thi hành sứ vụ (x. Mc 6,6b-13). Và sau trình thuật Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, là diễn tiến câu chuyện Gioan Tẩy Giả bị chém đầu (x. Mc 6,17-29). Điều này chứng tỏ người môn đệ được Chúa sai đi thi hành sứ vụ, thì họ cũng gặp phải sự khước từ của người nghe, có thể họ sẽ phải chết khi làm chứng cho sự thật.
1. Điều kiện người môn đệ được Chúa sai đi
Băn văn Tin Mừng Mc 6, 6b-13 cho thấy người môn đệ được Chúa huấn luyện sai đi thi hành sứ vụ với những điều kiện bằng một mệnh lệnh “người chỉ thị” chứ không phải là một lời khuyên cho người ra đi. Bản văn Máccô đưa ra “5 không” cho người môn đệ (không được mang gì đi đường, không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng giắt lưng, không mặc hai áo) và “2 được” [được mang gậy, được đi dép điều này không có trong Mátthêu (10,10) và Luca 9,3][1].
“Cây gậy” gợi lên hình ảnh ông Môsê cầm cây gậy của Đức Chúa và nhờ cây gậy ông đã thực hiện phép lạ trước mặt Pharaô để cứu dân Israel ra khỏi Ai Cập. Nhờ cây gậy mà Thiên Chúa đã bày tỏ vinh quang và uy lực của Ngài trước mắt những nguời dân ngoại (x. Xh 4,20; 7,9-20; 8,16-17). Phải chăng Chúa Giêsu trong Tin Mừng Máccô cho phép người môn đệ cầm cây gậy với hàm ý trong tay họ cầm cây gậy của Thiên Chúa, chính cây gậy đó sẽ bảo vệ các ông và thực thi các phép lạ qua đó biểu thị uy quyền của Thiên Chúa.
“Được đi dép”, người môn đệ được Chúa Giêsu cho phép đi dép để họ thực thi sứ mạng của mình. Đôi dép quan trọng đối với người Do thái khi đi trong sa mạc sỏi đá, vì chính khi dân Israel được Thiên Chúa giải thoát ra khỏi Ai Cập, Thiên Chúa ra lệnh cho họ lưng thắt gọn, chân đi dép tay cầm gậy. Điều này hàm ý dân Israel diễn tả thái độ luôn sẵn sàng cho tiếng gọi của Đức Chúa (x. Xh 12,11). Có lẽ, Chúa Giêsu muốn người môn đệ luôn ở trong tư thế sẵn sàng trong sứ vụ được Chúa sai đi.
Lần đầu tiên người môn đệ được Chúa sai đi, Chúa lại đưa ra những điều kiện có vẻ như hơi khắc nghiệt cho hành trang của họ, mà theo tâm lý bình thường lần đầu tiên ai đi xa cũng đều phải chuẩn bị chu đáo mọi thứ. Có lẽ Chúa Giêsu muốn người môn đệ, ngoài việc thực tập thi hành sứ vụ sai đi, họ cũng thực tập luôn thái độ thanh thoát và hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Những thứ vật chất là cần thiết nhưng chúng có thể là vật cản làm cho người môn đệ dính bén, quên đi sứ vụ chính yếu của họ là mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho mọi người.
2. Thái độ được sai đi của người môn đệ
Ngoài sự kiện Chúa Giêsu sai các môn đệ đi thi hành sứ vụ, bản văn Tin Mừng Máccô còn diễn tả thái độ được sai đi của người môn đệ: “các ông đi rao giảng và kêu gọi người ta ăn năn sám hối” (Mc 6,12). Nói cách khác, người môn đệ ra đi thi hành sứ vụ với hành trang mang theo chính là lời của Chúa Giêsu đã và đang rao giảng: “Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Bản văn không cho thấy người môn đệ có phản đối nào trước lời đề nghị của Chúa. Tuy nhiên, điều này diễn tả thái độ của người môn đệ sẵn sàng chấp nhận điều kiện Chúa đòi hỏi, họ ra đi trong niềm vui, sự phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa.
Có lẽ các môn đệ sau một khoảng thời gian ở với Chúa, họ đã thấm nhuần phần nào đó tinh thần của Chúa, nên họ nhận ra vị Thầy mình đang theo “chim trời có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58), nghĩa là Thầy của họ cũng thanh thoát trong hành trình đi rao giảng Tin Mừng. Ngoài ra, người môn đệ đã thực hiện những dấu lạ “các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người ốm đau và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6,13). Điều này cho thấy người môn đệ đã làm được những gì Chúa làm.
Như vậy, Tin Mừng Máccô cho người đọc thấy được vai trò của người môn đệ được Chúa Giêsu sai đi thi hành sứ vụ. Người môn đệ ý thức rằng, họ không thể ở với Chúa mãi được, họ phải được sai đi. Khởi điểm sai đi không đến từ phía người môn đệ nhưng đến từ Chúa Giêsu, vì chính Chúa biết giờ nào hay lúc nào thích hợp Người sẽ sai họ đi, nghĩa là thẩm quyền sai đi cho người môn đệ đến từ Chúa Giêsu. Do đó, những kinh nghiệm khởi đầu người môn đệ được Chúa sai đi sẽ là hành trang cho các môn đệ sau biến cố Phục Sinh, để Người tiếp tục sai họ đi trong sứ vụ mới: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).
Người môn đệ hôm nay cũng được mời gọi tiếp bước hành trình của người môn đệ trong Tin Mừng Máccô, họ được mời gọi trở lại con đường của người môn đệ được Chúa sai đi, nhờ đó họ tìm được sức sống mới trong hành trình đức tin, để thi hành sứ mạng của Chúa Giêsu trong tinh thần phục vụ vì Chúa, làm sáng danh Chúa. Hay nói cách khác, chỉ khi nào người môn đệ bước vào lộ trình được Chúa sai đi, họ mới khám phá được hạnh phúc trên con đường họ đang bước đi theo Chúa bằng tình yêu nhưng không của Thiên Chúa: “không có tình yêu thương nào cao cả hơn tình yêu thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
[1]Mt 10,10 và Lc 9,3 cấm các môn đệ đi giày; có lẽ đây là cấm đi một đôi dư ra (Matthêu dùng từ “hypodêma”, vật bó dưới chân; còn Marco dùng từ “sandalion”), bởi vì đi chân không trên các nẻo đường đầy sỏi đá xứ Paléttina thì rất vất vả.
Phạm Trang