Lửa Và Thập Giá (14.12.2024 Thứ Bảy Tuần II Mùa Vọng)
Ngày đăng: Tháng mười hai 14, 2024Ngôn sứ Êlia xuất hiện vào thời của ông như một ngọn lửa. Lời của ông như đuốc cháy bừng bừng. Ba lần ông gọi lửa trời đổ xuống. Và ông được cất lên trời trên xe ngựa đỏ rực lửa, giữa đám lốc lửa!… Hình ảnh lửa này là biểu tượng cho tâm hồn và tính cách của Gioan Tẩy giả.
Thật vậy, Gioan Tẩy giả là ngọn lửa hừng hực, trong lối sống khổ hạnh triệt để, trong lời rao giảng quyết liệt, mạnh mẽ, chứ không xuề xòa vo tròn. Gioan gọi giới Pharisêu là nòi rắn độc, ông nói về cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, ông cảnh cáo họ rằng cái rìu đã đặt sát gốc cây… Và nhất là ông cho thấy ngọn lửa bừng bừng khi chọn lựa đương đầu với Hêrôđê… Ngọn lửa Gioan Tẩy giả đã bị chính Hêrôđê vùi dập, trong ngục tù, và trong câu chuyện ‘cái đầu nằm trên cái đĩa’! Ngọn lửa ấy bị dập nhưng không tắt, vì Gioan bị giết chết rồi, mà hình ảnh của Gioan vẫn mè nheo ám ảnh Hêrôđê mãi không thôi…
Chính Đức Giêsu đã hình dung sứ mạng của Người như ngọn lửa: “Thầy đến, đem lửa vào mặt đất, và Thầy khắc khoải ước mong ngọn lửa ấy bùng cháy lên!” Ngọn lửa Giêsu vút lên cao tột đỉnh trên thập giá, như Người trực giác về số phận của mình: ‘Con Người cũng sẽ đau khổ vì họ như thế!’
Cha De Mello kể câu chuyện về thập giá như dụng cụ làm ra lửa, ám chỉ rằng thật mỉa mai, người ta đặt dụng cụ làm ra lửa trên bàn thờ, đặt lên đó cả bức chân dung nhà phát minh ra lửa, và sì sụp lạy, lạy sái cổ, lạy từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà… chẳng thấy lửa đâu! Chỉ thấy tôn giáo, chỉ thấy phụng tự, mà chẳng thấy lửa, chẳng thấy tình yêu ở đâu!
Đối ngược với nóng là lạnh, đối ngược với lửa là băng giá. Trong Sứ điệp Mùa Chay cách đây ít năm, Đức thánh cha đã dẫn Dante để nói về hỏa ngục không hẳn là ‘ngục đầy lửa’, mà là ‘ngục’ của giá băng lạnh lùng. Hỏa ngục, như vậy, dường như đang có mặt ở khắp nơi, ở bất cứ nơi đâu thiếu lửa, bất cứ nơi đâu lòng người nguội lạnh.
Chúng ta không muốn hỏa ngục, chúng ta cần lửa – ngọn lửa của Chúa Giêsu – trong lòng mình, trong đời sống, trong những việc mình làm, những lời mình nói… Chẳng phải chính vì chúng ta thiếu lửa mà đạo của mình chẳng hấp dẫn được mấy ai đó sao? Trời chuyển lạnh, như mấy ngày nay, thì ta mặc áo ấm vào để chống lạnh, nhưng cái nguội lạnh trong lòng thì chỉ có thể được xua tan và đốt nóng bằng ngọn lửa trên thập giá Đức Kitô mà thôi.
Ngọn lửa thập giá ấy là dấu vết riêng của người môn đệ… Thánh Gioan Thánh Giá trong khi kinh nghiệm Thánh Giá thì cũng kinh nghiệm “Ngọn Lửa Tình Nồng” nữa (tên tác phẩm thứ tư, trong đó ngài chia sẻ kinh nghiệm tâm linh thâm sâu nhất của ngài). Nói cho cùng, lửa và thập giá là một-mà-hai, hai-mà-một. Thập giá làm ra lửa, và lửa là động lực để ôm lấy thập giá! ‘Passion’ là ‘say mê’, và ‘passion’ cũng là ‘khổ nạn’ – cả hai đều là lửa thiêu đốt!
Nói về lửa của nhiệt tâm và của khổ nạn nơi Êlia, Gioan Tẩy giả, Gioan Thánh Giá, và nhất là nơi chính Chúa Giêsu, tưởng cũng nên nhắc lại lời Đức thánh cha giảng lễ cho các hồng y trong ngày đầu tiên ngài làm giáo hoàng: “Khi chúng ta bước đi mà không có thập giá, khi chúng ta xây dựng mà không có thập giá, và khi chúng ta tuyên xưng Đức Kitô mà không có thập giá, thì chúng ta… không phải là môn đệ của Chúa. Chúng ta chỉ phàm tục thôi, chúng ta có thể là giám mục, linh mục, hồng y, giáo hoàng… mà không phải là những môn đệ của Chúa!”
Chân trời của Mùa Vọng, vì thế, không chỉ là Máng cỏ ở đồng Bêlem, mà vươn tới tận Thập giá trên đồi Canvê nữa. Bởi vì Thập giá ấy kết tinh ngọn lửa Chúa đem đến mặt đất này, và Chúa vẫn còn đang nhìn mỗi chúng ta mà khắc khoải ước mong giá chi ngọn lửa bùng cháy lên.
Lm. Lê Công Đức