Đâu Là Đền Thờ Đích Thực Của Thiên Chúa? (09.11.2024 Thứ Bảy Tuần XXXI Thường Niên)
Ngày đăng: Tháng mười một 9, 2024Ngày lễ kỷ niệm Cung hiến Đền thờ Laterano, ‘Nhà thờ Mẹ’ của Giáo hội, gợi cho chúng ta ý thức lại Đền thờ thực sự là gì.
Trước hết, khi Chúa Giêsu xua đuổi những kẻ buôn bán ở sân Đền thờ Giêrusalem, Người đã có một hành động biểu tượng – không khác việc chúng ta cố gắng bảo vệ khi các nhà thờ hay ảnh tượng thánh của mình bị xúc phạm (chẳng hạn, thánh giá và tượng Chúa chịu nạn bị đập phá ở vườn sau Đan viện Thiên An cách đây ít năm)… Bởi ngay trong sự kiện ấy, Chúa Giêsu đã mạc khải Đền thờ đích thật là chính Thân Thể của Người, sẽ bị phá huỷ (tức bị giết chết) và sẽ được xây lại (tức Người sống lại) sau ba ngày!
Thông điệp Dilexit nos mới đây của Đức thánh cha Phanxicô gợi ý cho chúng ta về sự nối kết GIỮA mạch suối sự sống chảy ra từ Đền thờ trong thị kiến của Êdekien VÀ nước cùng máu chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu mở toang của Chúa Giêsu chết trên thập giá. Chúa Giêsu là Đền thờ chân thực, ở đó Chúa Cha được tôn thờ và phụng sự cách chân thực! Và ở đó nguồn suối sự sống và ân sủng chảy ra tràn trào cho con người.
Rõ ràng, Chúa Giêsu đã bảo vệ sự thánh thiêng của Đền thờ Giêrusalem (một yếu tố của giao ước cũ) nhằm để gợi mở và hướng chỉ ĐỀN THỜ đích thực là chính bản thân Người (nơi tôn thờ Thiên Chúa của Giao Ước Mới). Có thể nói, tương quan giữa hai đền thờ cũ và mới ấy là tương quan giữa phương tiện và mục đích. Cũng vậy, tương quan giữa các nhà thờ gỗ/ đá / bê tông của chúng ta với ‘Nhà Thờ Thiêng Liêng’ là tương quan phương tiện-mục đích! Nhà thờ này để phục vụ cho việc xây dựng NHÀ THỜ kia!
Nhà Thờ Thiêng Liêng – là Thân Thể Chúa Kitô – chính là Hội Thánh, là CHÚNG TA! Bởi Hội Thánh (còn gọi là Giáo hội) là Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, Đấng là Đầu! Thánh Phaolô nói trong 1Cr: “Anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa”.
Tất cả điều nói trên dẫn ta tới một kết luận đầy thích thú tự hào và cũng đầy thách đố: Thiên Chúa được tôn thờ cách đích thực nơi con người và đời sống toàn thời gian (fulltime) và mọi nơi chốn của chúng ta, trong tư cách cộng đoàn và cá nhân, và như những chi thể gắn bó với Đầu là Chúa Giêsu Kitô. Và chúng ta tôn thờ Thiên Chúa như vậy thông qua khả năng YÊU THƯƠNG của mình (mến Chúa yêu người)! Đây là điểm tới của Thông điệp Dilexit nos, nói về sứ mạng yêu thương của những người cảm nhận sâu xa mình được Thiên Chúa yêu thương hết mực qua cạnh sườn mở toang của Chúa chịu đóng đinh.
Làm lan toả tình yêu thương xót của Thiên Chúa trên thế giới này, đó là cách tôn thờ Thiên Chúa đúng trọng tâm và, do đó, phù hợp nhất. Chúng ta cần các nhà thờ gỗ / đá / bê tông là để trang bị cho mình khả năng YÊU THƯƠNG này. Tất cả chúng ta không được quên điều đó. Các mục tử, các vị lãnh đạo cộng đoàn càng không thể quên.
Ai đã từng đến Đền thờ Laterano, cũng như các Đại thánh đường khác ở Rôma, có thể nhận ra thực tế này: Xem ra số người từ khắp nơi trên thế giới đến các Đền thờ này để tham quan du lịch, để chiêm ngưỡng kiến trúc trong mỗi năm có thể vượt xa con số các tín hữu đến để cầu nguyện và cử hành phụng tự!
Nên chăng chúng ta cần thường xuyên ‘thăm viếng’ và khảo sát tình trạng ngôi Nhà Thờ Thiêng Liêng đích thực của Thiên Chúa – là Giáo hội, là chính CHÚNG TA – để xem có chuyện ‘buôn bán’, ‘đổi tiền’ và các kiểu tục hoá diễn ra ở đó hay không?
Lm. Lê Công Đức