Mình Thầy Bị Nộp, Máu Thầy Đổ Ra Cho Giao Ước Mới (02.06.2024 Chúa Nhật Mình Máu Chúa Kitô)
Ngày đăng: Tháng sáu 1, 2024Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu – như tên gọi, liên quan đến hai yếu tố: ‘mình’ và ‘máu’! Đa số chúng ta khi ‘rước lễ’ là ‘rước’ Mình Thánh Chúa. Khi chầu hay viếng Thánh Thể, ta cũng chầu hay viếng Mình Thánh Chúa. Nhưng nếu phân tích, thì chính Máu Thánh Chúa là yếu tố trực tiếp thâu tóm ý nghĩa của Thánh Thể xét như là Bí tích của Giao ước mới. Có thể nói, ‘mình Thầy bị nộp’ là để ‘máu Thầy đổ ra’. Cũng có thể nói, để Thầy trở thành hy lễ, thì máu Thầy phải đổ ra – và khi máu Thầy đổ ra, thì mình Thầy ‘bị nộp’ một cách trọn vẹn.
Vì thế, ‘máu’ có mặt xuyên suốt các yếu tố của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay:
Trước hết là máu của hy lễ bò tơ, được chia làm hai, một nửa rảy trên bàn thờ, nửa kia rảy trên dân chúng. Đó là hình ảnh ký kết giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài (x. Xh 24,3-8). Nội dung của giao ước có thể tóm tắt là: Thiên Chúa là Thiên Chúa của dân, còn dân cam kết bước đi trong đường lối Chúa.
Thánh vịnh 115 (Đáp ca) gợi lại nội dung giao ước bằng hình ảnh “Tôi sẽ lãnh chén cứu độ và tôi sẽ kêu cầu Danh Chúa”. Thánh vịnh này nhắc đến những điều tốt lành Chúa ban tặng cho dân, nhất là việc Chúa “bẻ gãy xiềng xích” cho họ. Đồng thời, ở đây cũng nhắc lại lời cam kết “sẽ giữ trọn lời khấn hứa cùng Chúa”…
Nhưng dân đã không giữ trọn lời cam kết, giao ước cũ thất bại về phía dân, và cần thay thế bằng Giao ước mới! Không còn là máu chiên bò nữa, mà là máu của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa: “Này là máu Ta, máu của Giao ước mới, đổ ra cho nhiều người…” Ngay trước đó, Chúa tuyên bố “Này là mình Ta, hãy cầm lấy…” (x. Mc 14,12-16.22-26).
Đoạn Thư Do thái diễn giải rõ ý nghĩa của ‘máu giao ước mới’ này trong tham chiếu đến truyền thống máu chiên bò của giao ước cũ: “Máu dê và tro bò mà người ta rảy trên kẻ ô uế còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Ðức Kitô, Ðấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống. Vì vậy Chúa Kitô là trung gian của Giao ước mới, vì nhờ sự chết của Người để cứu chuộc tội phạm dưới thời giao ước cũ, mà những kẻ được kêu gọi, đến lãnh lấy gia nghiệp đời đời đã hứa cho họ.” (x. Dt 9,11-15).
Mình và Máu Chúa tách biệt trong cái chết hy tế, đóng ấn Giao ước mới. Nhưng Chúa Giêsu đã sống lại, sự tách biệt ấy được tái hợp – ta rước hay chầu Mình Thánh Chúa cũng chính là rước hay chầu trọn vẹn Thánh Thể Chúa, trong tình trạng ‘Phục sinh’ hiện tại của Người. Điều quan trọng, khi kết hợp với Thánh Thể Chúa, đó là chúng ta ‘làm mới lại’ Giao ước mới cho mình, trong Giáo hội là Dân mới của Thiên Chúa: ta cam kết bước đi trên con đường Đức Giêsu Kitô đã đi!
Chân phước Carlo Acutis, một con người của Thánh Thể trong thời hiện đại, sắp được tuyên thánh. Xin vị thánh trẻ này chuyển cầu và truyền cảm hứng cho chúng ta, nhất là các bạn trẻ vốn gắn bó nhiều với thế giới kỹ thuật số, được ngày càng hiểu biết và yêu mến Thánh Thể hơn.
Lm. Lê Công Đức