Tâm Tình Ngày Lễ Lá
Ngày đăng: Tháng 4 12, 2025Thánh lễ hôm nay, cách riêng nghi thức kiệu lá và toàn bộ phụng vụ Lời Chúa, trao cho chúng ta toàn cảnh biến cố Khổ Nạn của Chúa Giêsu, kể từ khi Người vào thành Giêrusalem lần cuối cùng ấy cho đến khi Người chịu đóng đinh và chết trên Thập giá, được gỡ xuống và an táng trong mồ. Bài Thương Khó là tường thuật chi tiết cuộc Khổ Nạn (x. Mc 14,1-15.47). Nhiều nhân vật và đầy ắp sự kiện trong đó có thể là dữ liệu hàm súc giúp suy niệm/ chiêm niệm và gợi tâm tình cho chúng ta.
Chẳng hạn, có thể tuỳ chọn tập trung vào hình ảnh của Phêrô, của Giuđa Iscariot, các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly và trong Vườn Cây Dầu, Philatô, đám đông cuồng nhiệt, vân vân…! Hay những sự kiện, như: Chúa lập bí tích Thánh Thể, Chúa thổn thức cầu nguyện với Cha trong Vườn Cây Dầu, Chúa bị bắt, bị xét xử, Chúa vác Thập giá, bị đóng đinh và treo lên, những lời cuối cùng trên Thập giá, và Chúa trút hơi thở…!
Nhưng hôm nay có lẽ việc tiếp cận Cuộc Thương Khó của Chúa cách toàn bộ, tổng quan, thì được khuyến khích hơn – như người ta đứng trước sân nhà nhìn toàn cảnh công trình trước khi bước vào chiêm ngắm các hạng mục bên trong. Bài đọc Isaia – là Bài ca thứ ba về Người Tôi Tớ đau khổ của Chúa – giúp cho thấy cái cốt yếu trong kinh nghiệm ‘thương khó’ của Chúa Giêsu, đó là kinh nghiệm bị sỉ nhục, bị chà đạp tận cùng, nhưng tinh thần của Người vẫn trụ vững: “Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, không tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn” (x. Is 50,4-7).
Nhưng có sự căng thẳng và giằng co nào đó bên trong cảm xúc: Chính cảm nghiệm được Thiên Chúa nâng đỡ cũng bị thử thách, trong thân phận con người. Và tính bi tráng của Cuộc Thương Khó không chỉ ở chỗ Giêsu bị con người vứt bỏ cách thậm tệ, mà hơn thế nữa, Người cảm thấy như Người bị chính Thiên Chúa loại trừ: “Ôi Thiên Chúa! Ôi Thiên Chúa! Sao Chúa đã bỏ con?” (Đáp ca, Tv 21).
Việc chiêm ngắm toàn bộ Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu hy vọng sẽ dẫn chúng ta vào sâu hơn nữa trong xác tín này: Chính VÌ CHÚNG TA mà Chúa Giêsu đã từ chối địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, đã huỷ mình ra không, đã trở nên một người phàm, đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá! (x. Pl 2,6-11).
Nhưng “Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu”! (ibid.) Và chúng ta, khi chiêm ngắm toàn bộ mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu, sẽ tuyên xưng cách tâm phục khẩu phục rằng: Người là CHÚA!
Lm. Lê Công Đức