Sứ Mạng, Nhà Thừa Sai, Hành Trang, Mục Tiêu, Thông Điệp (03.10.2024 Thứ Năm Tuần XXVI Thường Niên)

Ngày đăng: Tháng mười 2, 2024

– Trong sứ vụ của Chúa Giêsu, trước các biến cố Vượt Qua cuối cùng, có ít nhất hai lần Người sai các môn đệ đi làm sứ mạng một cách tương đối có tổ chức. Các ông được gọi là ‘tông đồ’ hay ‘thừa sai’ đúng nghĩa, với sự việc được Thầy sai đi này. Trong lịch sử Giáo hội, suốt nhiều thế kỷ cho tới gần đây, có xu hướng chỉ dành chữ ‘thừa sai’ cho các thừa sai nước ngoài, điều này không hẳn đúng và nay đang dần thay đổi: thực ra, ‘thừa sai’ là bất cứ ai được sai vào sứ mạng, thế thôi – nhất là ngày nay Đức thánh cha Phanxicô đang nhấn mạnh việc ra đi đến ‘các vùng ngoại biên hiện sinh’.

– Khi sai các môn đệ đi, cả nhóm 12 và nhóm 72, Chúa Giêsu kiên định lập trường rằng các nhà thừa sai của Người mang hành trang tối thiểu, hầu như không mang gì. Cả hai lần Người đều căn dặn điều này một cách rất chi tiết, cho thấy Người thực sự nhấn mạnh. Người ta có thể chú giải nhiều cách về lý do của ‘hành trang tối thiểu’ này, nhưng không thể nghi ngờ rằng đây chỉ là chủ trương có tính tình thế, nhất thời, để có thể biện minh cho những ‘hành trang cồng kềnh’ về sau!

– Hành trang nhẹ tênh, các thừa sai của Chúa không đặt sự an toàn của mình nơi các phương tiện trần thế, thế nhưng vẫn có đầy sự bình an! Chắc chắn đây là ‘sự bình an của Chúa’, được chuyển thông cho bất cứ ai có khả năng đón nhận, mà Chúa Giêsu gọi là “con cái sự bình an”. Như vậy, sự bình an của Chúa được trao không giới hạn, nhưng nhận thì có điều kiện ở nơi chính người nhận. Khá dễ hiểu, Chúa muốn mọi người được bình an, nhưng không phải ai sống kiểu gì cũng bình an được!

– Các môn đệ thừa sai của Chúa Giêsu ngày ấy ra đi mang theo thông điệp rất rõ ràng: “Nước Thiên Chúa đã đến gần!” Sau này, khi đón nhận Thánh Thần của Chúa Phục sinh, các Tông Đồ sẽ ra đi rao giảng một thông điệp chuyên biệt hơn, xoay quanh sự kiện Chúa Giêsu chết và sống lại, và được đặt làm Đấng Cứu Độ cho ai tin vào Người (x. kerygma). Nhưng tựu trung, đó vẫn là thông điệp về “Nước Thiên Chúa đã đến gần”, bởi Nước Thiên Chúa chung cục vẫn còn ở phía trước, trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng sẽ đến lại. Cần luôn ý thức: tất cả mục tiêu sứ mạng Kitô giáo là Nước Thiên Chúa, hay Triều đại Thiên Chúa, chứ không là gì khác. Chính bản thân Giáo hội cũng là phương tiện để phục vụ cho mục tiêu này.

– Nhìn toàn cục, sứ mạng Kitô giáo trước hết là sứ mạng của Thiên Chúa (missio Dei). Chúa Giêsu là nhà thừa sai của Chúa Cha. Rồi Giáo hội cùng với Chúa Thánh Thần được sai để thi hành sứ mạng cho đến tận cùng thời gian. Vì thế, thật ý nghĩa khi Chúa Giêsu dùng hình ảnh đồng lúa chín để nói về công cuộc sứ mạng. Đồng lúa, vụ mùa là của Chúa Cha. Bao nhiêu công đoạn đã được làm rồi, chúng ta chỉ góp phần gặt lúa thôi, và gặt cho “chủ vụ mùa”, không phải cho chúng ta!

Nên nói thêm, ngày mùa tuy vất vả nhưng rộn rã niềm vui, chứ không rầu rĩ…

Lm. Lê Công Đức



Bài viết khác

Đâu Là Đền Thờ Đích Thực Của Thiên Chúa? (09.11.2024 Thứ Bảy Tuần XXXI Thường Niên)

Ngày lễ kỷ niệm Cung hiến Đền thờ Laterano, ‘Nhà thờ Mẹ’ của Giáo hội, gợi cho chúng ta ý thức lại Đền thờ thực sự là gì. Trước hết, khi Chúa Giêsu xua đuổi những kẻ buôn bán ở sân Đền thờ Giêrusalem, Người đã có một hành động biểu tượng – không khác […]


Chúa Giêsu Tự Xếp Mình Vào Hàng Các Tội Nhân (07.11.2024 Thứ Năm Tuần XXXI Thường Niên)

Vừa qua chúng ta thấy người ta bận đi coi đất, bận thử bò, bận ở nhà với vợ… nên xin kiếu không đến dự ‘bữa tiệc trong Nước Thiên Chúa’. Theo ngôn ngữ của thánh Phaolô, đó là xác thịt bóp nghẹt Thần Khí… Và đó là tội lỗi – như thánh Tôma Aquino […]


Chúa Giêsu Khiêm Nhường Như Thế Nào? (05.11.2024 Thứ Ba Tuần XXXI Thường Niên)

Bản văn nổi tiếng bậc nhất về con đường khiêm nhường tự hạ của Con Thiên Chúa có lẽ là đoạn Thư Philip 2,5-11, thường gọi là mầu nhiệm kenosis (tự huỷ, trút rỗng). Chúa Giêsu Kitô như một trái banh tròn từ trời lăn xuống đất, và nó tìm chỗ thấp nhất để lăn […]


Trong Tình Trạng Chiến Đấu! (31.10.2024 Thứ Năm Tuần XXX Thường Niên)

Hôm nay, trong thư Êphêsô, thánh Phaolô nhắc chúng ta về tình trạng chiến tranh/chiến đấu của mình, với lưu ý rằng phải trang bị đầy đủ: áo giáp, khiên thuẫn, giày chiến, mũ chiến…! Dĩ nhiên, các món đó là của Chúa, chứ không phải mua từ Nga hay Mỹ hay Trung Quốc… Đó […]


Hạt Cải, Nắm Men…(29.10.2024 Thứ Ba Tuần XXX Thường Niên)

Chúa Giêsu nói Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, Người không nói “giống như cây cải”. Cũng vậy, Người nói Nước Thiên Chúa giống như nắm men, chứ không nói giống như “khối bột đã dậy men”! Điều này có nghĩa gì? Có nghĩa rằng Nước Thiên Chúa không duy chỉ ở mức hoàn […]


Nếu Các Ngươi Không Hoán Cải…(26.10.2024 Thứ Bảy Tuần XXIX Thường Niên)

Người làm vườn xin ông chủ cho cây vả ‘ba năm không trái’ ấy thêm một năm nữa để sinh trái. Ông chủ đồng ý đợi chờ. Câu chuyện đơn sơ này minh hoạ rất hùng hồn về sự kiên trì nhẫn nại của Thiên Chúa. Tạ ơn Chúa vì sự kiên nhẫn này… Bởi […]


Tôn Giáo Và Phụng Tự Đây, Còn Lửa Ở Đâu? (24.10.2024 Thứ Năm Tuần XXIX Thường Niên)

Những lời của thánh Phaolô trong đoạn Thư Êphêsô hôm nay đặc biệt sâu sắc và rất thiết thực cho cuộc canh tân/cải tổ của chúng ta trong tư cách cá nhân và Giáo hội của bối cảnh hiện tại. “Tôi nguyện xin Chúa Cha, trong sự phong phú của Ngài là Đấng vinh hiển, […]


Rất Cần Phân Định Để Hành Động Đúng (17.10.2024 Thứ Năm Tuần XXVIII Thường Niên)

Tại sao người Do thái đương thời xây mồ mả cho các tiên tri thời trước mà việc này lại bị Chúa Giêsu khiển trách? Có vẻ như sự khiển trách này phi lý, vì chẳng lẽ việc xây mồ mả cho các tiên tri là sai!… Hay đây là một ‘thủ pháp’ của Chúa […]


Thánh Têrêsa Avila, Bậc Thầy Của Cầu Nguyện Và Của Kinh Nghiệm Kết Hợp Thần Nhiệm (15.10.2024 Thứ Ba tuần XXVIII Thường Niên)

Thánh Têrêsa Avila, nhà Cải cách Cát minh hồi thế kỷ 16, đã sớm vượt ra ngoài khung cảnh Cát minh và trở thành một tượng đài ‘kinh nghiệm tâm linh’ của toàn Giáo hội. Ngài được nhìn nhận là một bậc thầy kiệt xuất về cầu nguyện, cách riêng tâm nguyện (mà chúng ta […]


Yêu Mến Và Tìm Kiếm Sự Khôn Ngoan Đích Thực (13.10.2024 Chúa Nhật XXVIIIThường Niên)

Tìm kiếm sự KHÔN NGOAN hơn tất cả gì khác! Đó là thông điệp của Lời Chúa ngày Chúa Nhật 28B Thường niên. Sách Khôn ngoan so sánh giữa giàu sang và khôn ngoan, và tuyên bố rõ ràng: giàu sang chỉ là con số không! “Tôi coi khôn ngoan hơn vương quốc và ngai […]


Nghe Và Giữ Lời Thiên Chúa Thì Có Phúc Hơn (12.10.2024 Thứ Bảy Tuần XXVII Thường Niên)

Hôm qua ta đã thấy lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô thật có tầm quan trọng quyết định biết bao. Nhưng lòng tin ấy không chỉ là chuyện tương quan giữa tôi với Chúa mà thôi. Nó biến đổi căn tính của mỗi người tin và thiết lập tương quan mới mẻ giữa họ, như […]


Hãy Xin, Sẽ Được…(10.10.2024 Thứ Năm Tuần XXVII Thường Niên)

Ai xin cũng muốn được. Người vay ba chiếc bánh lúc nửa đêm sẽ được đáp ứng, nếu không vì gia chủ sốt sắng quan tâm trên nền tảng tình bạn (tương ứng với tính đặc sủng), thì ít ra cũng vì gia chủ muốn tránh sự quấy rầy (tức đáp ứng thuần tuý bên ngoài, chứ không có tấm lòng bên trong, điều này tương ứng với bình diện cơ chế). Con người “gian ác” còn ứng xử như thế, HUỐNG CHI Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn tốt lành! Kết luận ở đây: Chúng ta có tất cả lý do để cầu xin, để kiên nhẫn cầu xin.