Sứ mạng của lòng thương xót
Ngày đăng: Tháng 4 23, 2022“Lòng thương xót là lời mặc khải mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh. Lòng thương xót là hành động chung cuộc và tối thượng, qua đó Thiên Chúa đến với chúng ta. Lòng thương xót là luật căn bản được đặt vào trái tim của những ai biết dùng đôi mắt chân thành để nhìn vào người anh em gặp thấy trên đường đời. Lòng thương xót là con đường nối kết Thiên Chúa với con người, hướng lòng chúng ta về niềm hy vọng sẽ được yêu thương luôn mãi, bất chấp tội lỗi của chúng ta.” (MV, 2), Đức Thánh Cha đã viết như thế trong tông sắc “Misericordiae Vultus – Dung mạo Lòng Thương Xót”. Lòng thương xót của Thiên Chúa được Mạc khải trong Kinh Thánh,[1] được biểu lộ nơi cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu, đặc biệt nơi sứ vụ, và mầu nhiệm vượt qua của Ngài. Thiên Chúa là Đấng nhân từ (x. Lc 6,36), Chúa Giêsu – Con Một Người là hiện thân của Lòng thương xót. Chúng ta, những người bước theo Ngài, cũng phải phản ánh lòng thương xót ấy trong thế giới này. Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố: đó là một sứ mạng của Giáo hội[2] trong việc phúc âm hóa.
Trong thế giới hôm nay, người ta cần đến chứng nhân hơn những lời dạy, những hành động cụ thể là cách thiết thực nhất động chạm đến trái tim người xung quanh. Tình thương và lòng trắc ẩn là ngôn ngữ và diễn tả chân thực nhất sự hiện diện của Thiên Chúa giữa lòng thế giới – một thế giới đã và đang đối diện với những thực tại xót xa trên bình diện cá nhân cũng như “cộng đoàn nhân loại”. Chúng ta, là những “sứ giả tin mừng” được chính Thiên Chúa sai đi, là cánh tay nối dài của Chúa Giêsu Kitô, “hãy biết thương xót như Thiên Chúa”. Một lòng thương xót vô giới hạn. Lòng thương xót vượt qua tội lỗi và sự lạc hướng của con người. Người giận đó, trách phạt đó, nhưng vượt lên trên sự trừng phạt, là lòng xót thương. “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, chậm giận, giàu nhân nghĩa (x. Tv 86, 15; 103,8; 145,8; Gn 4,2; Nkm 1,5; Ge 2,13). Thiên Chúa luôn nhìn chúng ta với trái tim nhân hậu, Ngài cũng muốn chúng ta dùng thái độ đó để đối xử với nhau.
Tin mừng Ga 20, 19 – 31, Chúa Giêsu phục sinh xuất hiện hai lần với các Tông đồ, cả hai lần đều diễn tả tình thương, lòng nhân từ và tha thứ, không một lời xét đoán hay nhắc lại lỗi lầm của các ông. Câu đầu tiên Chúa Giêsu nói trong cả hai lần hiện ra là “bình an cho anh em” (Ga 20, 19.21. 26). Trong lần hiện ra lần thứ nhất, Ngài trao cho các môn đệ lời chúc bình an hai lần (Ga 20,19. 21). Trong khi các ông trước đó đều đã bỏ rơi Ngài lúc khốn khó nhất, khi Ngài đi vào cuộc khổ nạn và tử nạn. Phêrô thì chối Ngài ba lần (Mt 26, 31-35; Ga 18, 15-17), và Giuda It-ca-ri-ốt thì phản bội Ngài (x. Mt 26, 14-16; Lc 22, 1-6). Sau khi Ngài trao cho các môn đệ lời chúc bình an lần thứ hai, Chúa Giêsu đưa cho họ xem tay và cạnh sườn Ngài (x.Ga 20, 20.27). Đó không chỉ là dấu hiệu chứng tỏ rằng Ngài đã sống lại, nhưng còn là một dấu chỉ của lòng thương xót của Thiên Chúa cho chúng ta. Những vết thương mà Chúa Giêsu mang trên mình và cái chết của Ngài vì chúng ta là tất cả dấu chỉ của sự thánh thiện, lòng từ bi và tình yêu cứu độ của Thiên Chúa Cha đối với nhân loại.
Thay vì bỏ rơi và phản bội của các môn đệ, Chúa Giêsu, trong sự tha thứ và tình yêu nhân từ, Ngài vẫn nhìn họ xứng đáng được trao ban nhiệm vụ và tiếp tục sứ mạng của Ngài: loan truyền Nước Thiên Chúa, được đón nhận sức mạnh và sự thánh hóa từ Chúa Thánh Thần, tham dự vào sứ mạng của Thiên Chúa, và được trao ban quyền để tha thứ tội lỗi cho người khác (x. 20, 22-23). Chúng ta chỉ có thể hiểu những gì Chúa Giêsu sẵn sàng làm cho các môn đệ của Ngài bất chấp tất cả những gì họ đã làm với cái nhìn của lòng thương xót của thiên Chúa trong và qua Ngài.
Lòng thương xót của Thiên Chúa được tỏ lộ cho tất cả mọi người cách chung và cho từng cá nhân cách riêng. Lòng nhân từ ấy được mở ra cho tất cả mọi người. Cách đặc biệt, trao ban cho những người lầm lạc, thấp kém, và nhỏ bé. Khi thánh Tôma vắng mặt trong lần thứ nhất hiện ra của Ngài với các môn đệ (x. Ga 20, 24), Chúa Giêsu cần trở lại lần nữa để kiếm tìm Tôma (x. Ga 20, 24). Lần thứ hai hiện ra với các mộn đệ. Tôma cũng đang hiện diện (Ga 20, 26-29). Sau khi trao các môn đệ cùng một lời chúc bình an (x. Ga 20, 26), Chúa Giêsu đưa các vết thương của Ngài cho Tôma xem. Tôma sau khi gặp gỡ Chúa Phục sinh cách cá vị, ông diễn tả đức tin mãnh liệt vào Thiên Chúa: “Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20, 28).
Chúa Giêsu đến thế gian để mang lòng thương xót và Ngài là lòng thương xót của Cha. Sự phục sinh của Ngài là niềm vui và bình an. Ngài đến và trao ban cho các môn đệ quyền tha thứ và cầm giữ. Ngài cũng ban quyền ấy cho mỗi người chúng ta. Tha thứ hay cầm giữ, đó lại là tự do lựa chọn của con người. Chúa đã sống lại, chúng ta cũng được sống lại với Người với một quả tim mới và một thần khí mới. Quả tim biết yêu thương, chạnh lòng và tha thứ. Một tình thần hợp nhất và chia sẻ, tinh thần của sự cảm thông, cho đi và chữa lành. Chúa Phục sinh đang mời gọi mỗi người chúng ta mang tâm tư và tiếp nối sứ mạng của Ngài nơi môi trường chúng ta đang hiện diện. Khởi đi từ cái nhìn của lòng thương cảm và thấu hiểu, để đi tới hành động, cùng đồng hành – chia sẻ, và cúi xuống, vươn ra để chạm vào. Cái chạm của sự chữa lành và xoa dịu những vết thương tâm linh cũng như thể lý.
Maria Trần
[2] Pope Francis,Tông sắc “Dung Mạo Lòng Thương Xót”, Misericordiae Vultus, no.12.