Nếu Anh Em Không Trở Nên Như Đứa Trẻ Này (01.10.2024 Thứ ba Tuần XXVI Thường Niên)

Ngày đăng: Tháng 10 1, 2024

1. Lời Chúa về ‘đứa trẻ’

Lễ thánh Têrêsa Chúa Giêsu Hài đồng, đằng sau các Bài đọc và Thánh vịnh Đáp ca đều có hình ảnh một đứa trẻ.

Đứa trẻ được mẹ bồng ẵm nâng niu, được cho bú mớm… trong Isaia: “Các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, các ngươi sẽ nảy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa”…

Đứa trẻ khiêm nhường bình an với niềm vui đơn sơ nép trong lòng người mẹ, như được Thánh vịnh 130 diễn tả: “Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi… Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui…”

Và đứa trẻ thực, bằng xương bằng thịt, được Chúa Giêsu đưa ra giữa các môn đệ với lời thuyết minh: “Nếu anh em không trở nên như đứa trẻ này, anh em sẽ không được vào Nước Trời. Ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời”.

Cần nói ngay, có ít nhất hai ‘đứa trẻ’: đứa trẻ phản diện và đứa trẻ chính diện. Ở đây không nói đến những đứa trẻ ngoài chợ độc tài độc đoán đòi kẻ khác phải theo ý mình, cũng không phải đứa trẻ con non nớt, ngớ ngẩn trong nói năng, trong hiểu biết và trong suy nghĩ mà thánh Phao lô cho rằng cần phải bỏ hết để trở thành người lớn (x. 1Cr 13,11). Ở đây, trái lại, là đứa trẻ của ‘con đường nhỏ’, của ‘hồn nhỏ’… đặc trưng linh đạo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô được thánh Têrêsa Lisieux tổng hợp, sống và trình bày cách xuất sắc.

2. Trở nên như đứa trẻ

Nên như đứa trẻ, đó trước hết là hoàn toàn tín thác vào Tình yêu Thương xót của Thiên Chúa là Cha và Mẹ của mình. Tâm điểm của Tin Mừng Kitô giáo là lòng Chúa thương xót, thì thái độ căn bản của Kitô hữu là tín thác vào lòng thương xót ấy. Đây là đức cậy, là niềm hy vọng Kitô giáo, rút ra từ đức tin và đức ái, nhưng làm nên một nội lực lôi kéo chính đức tin và đức ái lao về phía trước.

Nên như đứa trẻ là đi vào kết hợp và đồng hoá với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm hạ giáng, trút sạch (kenosis) của Người, như được thấy từ Nhập thể tới Thập giá, qua đó Người hoàn thành con đường ‘thương xót như Chúa Cha’, cũng chính là con đường cứu độ con người. Bởi Chúa Giêsu là ‘khuôn mặt của Lòng Thương Xót’!

Nên như đứa trẻ, vì thế, là thực thi sứ mạng thương xót, ‘yêu người như Chúa Giêsu yêu’ (bằng cách để cho Chúa Giêsu hoàn toàn chiếm lấy mình). Đó là qui chiếu tất cả vào tiêu chuẩn tối hậu: Những gì ta làm hay không làm cho người anh em bé nhỏ của Chúa là ta làm hay không làm cho chính Chúa!

Có thể thấy, trở nên như đứa trẻ theo ý nghĩa trên là ‘con đường tổng hợp’ của thánh Têrêsa Chúa Giêsu Hài đồng. Hình ảnh ‘đứa trẻ’ ở đây là kết tinh của Tin Mừng, của sự khôn ngoan Kitô giáo. Tất cả các thánh đều đi con đường này, hiểu sự khôn ngoan này. Thánh Tê rê sa ví như một hành giả tiêu biểu, một ‘chưởng môn nhơn’, chứ không phải một người sáng chế và giữ bản quyền linh đạo con đường nhỏ.

3. Tiếp đón những ‘đứa trẻ’

Con đường nhỏ không chỉ là ‘trở nên như đứa trẻ’ mà còn là ‘tiếp đón những đứa trẻ’. Chúa Giêsu nói: “Ai tiếp đón một đứa trẻ như thế này nhân danh Thầy là tiếp đón chính Thầy”.

Đứng trước mối ám ảnh ‘làm lớn’ của các môn đệ, Chúa Giêsu dội nước lạnh vào mặt các ông để làm cho các ông tỉnh ngộ. Một đàng, không trở nên nhỏ thì không được vào Nước Trời; bởi Nước Trời chỉ gồm toàn những ‘hồn nhỏ’ – hãy lưu ý điều này chứ đừng tưởng bở. Đàng khác, mối ám ảnh ‘làm lớn’ cũng gắn với thái độ khinh mạn, xem thường những người bé nhỏ, vì thế Chúa Giêsu sửa sai thái độ này nơi các môn đệ bằng một cách thức không thể thuyết phục hơn: Người tự đồng hoá chính Người với những anh chị em bé mọn nhất của Người!

4. Con đường nhỏ ấy và cuộc canh tân Giáo hội hiện nay

Đức thánh cha Phanxicô muốn trình bày thánh Têrêsa Chúa Giêsu Hài đồng như nguồn cảm hứng cho con đường đổi mới của toàn thể Giáo hội thời chúng ta. Con đường đổi mới này khởi đi từ tâm điểm của Tin Mừng là lòng thương xót, mà lòng tín thác của tâm hồn nhỏ là thái độ đáp trả căn bản. Đây chính là ‘con đường tổng hợp’ của vị thánh nữ Cát minh ở Lisieux.

Năm ngoái, Đức giáo hoàng công bố Tông huấn C’est la confiance về lòng tín thác vào tình yêu thương xót của Thiên Chúa, với sự chọn lựa thời điểm đầy hàm ý: ngày 15/10/2023, ngay giữa khoá Hội nghị đợt I của Thượng Hội đồng Giám mục về ‘Hiệp hành’. Thánh Têrêsa rõ ràng được coi như một phần kho tàng thiêng liêng của Giáo hội!

Mọi người hẳn chưa quên những nhấn mạnh về phong cách ‘hiệp hành’ (đồng hành đồng nghị) trong thực tiễn, đó là cùng lắng nghe và cùng phân định. Lắng nghe hết mọi người, nhất là những người bé nhỏ nhất, những người có thể chưa bao giờ được có tiếng nói! Không ai bị lãng quên, không một ai bị bỏ lại đằng sau! Ồ, đó không phải là tâm thế khiêm tốn của những người trở nên như đứa trẻ đó sao? Và đặc biệt, đó không phải là thái độ tiếp đón những kẻ bé mọn nhất nhân danh Chúa Giêsu đó sao?

Thượng Hội đồng về ‘hiệp hành’ được nối tiếp bằng Năm Thánh 2025, với chủ đề “Những người hành hương của Hy vọng”. Một lần nữa, hy vọng không phải là chính lòng tín thác (c’est la confiance) đó sao?

Xin thánh Têrêsa Chúa Giêsu Hài đồng khơi động nơi chúng ta niềm cảm hứng ‘trở nên bé nhỏ’ và trân trọng ‘tiếp đón những người bé nhỏ’. Toàn thể Giáo hội chắc chắn sẽ được canh tân đúng hướng và vững vàng bằng con đường nhỏ (mà có võ, sic) này!

Lm. Lê Công Đức



Bài viết khác

Ơn Biến Đổi Bởi Chúa Phục Sinh (23.4.2025 Thứ Tư Tuần Bát Nhật Phục Sinh)

Hai môn đệ Emmau gặp Chúa mà không nhận ra, nhưng vẫn được biến đổi sâu xa trong lòng trí… “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên trong ta khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” Nghĩa là sự biến đổi đến từ […]


Tôi Đã Trông Thấy Chúa! (22.4.2025 Thứ Ba Tuần Bát Nhật Phục Sinh)

“Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người”… Tất cả điều Maria Mađalêna mong mỏi lúc này chỉ có thế. Chúa chết rồi, mai táng ở đây, mà bây giờ không thấy đâu nữa! Chút dấu vết […]


Tất Cả Chúng Tôi Xin Làm Chứng! (21.4.2025 Thứ Hai Tuần Bát Nhật Phục Sinh)

Chứng từ về Phục Sinh chủ yếu đặt nền trên kinh nghiệm. Và kinh nghiệm được vun đắp từ ký ức. Có ký ức cá nhân và có ký ức tập thể nữa. Vì thế, Phêrô và anh em Tông Đồ khi trao lời chứng cho người Do thái đã gợi lại ký ức về […]


Những Chứng Nhân Tin Mừng Phục Sinh (Chúa Nhật Phục Sinh)

Phêrô cùng với anh em Tông Đồ làm chứng hai điều: Một là làm chứng về con người và sứ vụ của Chúa Giêsu khởi từ Galile; hai là làm chứng về sự sống lại của Người sau khi bị đóng đinh và chết trên thập giá (x. Cv 10,34a.37-43). Điều thứ nhất thật ra […]


Những Người Phụ Nữ…(19.4.2025 Canh Thức Vọng Phục Sinh)

Trong khi trình thuật Phục sinh đầu tiên của Tin Mừng Gioan xoay quanh một người phụ nữ, thì Luca nói về ‘những người phụ nữ’. Không chỉ có Maria Mađalêna, mà còn có bà Gioanna, bà Maria mẹ Giacôbê, và các bà khác nữa trong nhóm. Trong bối cảnh hậu THĐGM 16 về tính […]


Thứ Sáu Thánh 2025 (18.4.2025 Thứ Sáu Tuần Thánh)

Không có Thánh lễ cho ngày Thứ Sáu Thánh! Điều này cũng phản ánh nỗi bàng hoàng về một hụt hẫng, một trống trải, một dở dang… như sự ngẩn ngơ của các môn đệ trước tất cả những gì xảy ra cho Chúa Giêsu, nhất là trước cái chết của Người trên Thập giá. […]


Thứ Năm Thánh 2025 (17.4.2025 Thứ Năm Tuần Thánh)

Lễ Vượt Qua là lễ trọng nhất của Do thái giáo, kỷ niệm biến cố vĩ đại bậc nhất trong lịch sử dân tộc Do thái: Họ được Thiên Chúa giải phóng khỏi ách nô lệ Ai cập, để lên đường đi về miền đất hứa mà Chúa đã ban cho tổ tiên họ. Lễ […]


‘Thương Khó’ Là ‘Say Mê’ (16.4.2025 Thứ Tư Tuần Thánh)

‘Thương khó’ hay ‘khổ nạn’ hàm nghĩa gì đối với Chúa Giêsu? Ta thường nghĩ đến đòn roi, sức nặng cây gỗ trên đường đi, nhất là sự đóng đinh và treo lên – nghĩa là những đớn đau do bạo lực thể lý… Vâng, những điều này thật khủng khiếp (như bộ phim Passion […]


“Từ Khi Tôi Còn Trong Lòng Mẹ” (15.4.2025 Thứ Ba Tuần Thánh)

Bài đọc Isaia (là Bài ca thứ hai của Người Tôi Trung) cùng với Thánh vịnh 70 (Đáp ca) lặp đi lặp lại ít nhất năm lần những diễn ngôn như “từ khi tôi còn trong lòng mẹ”/ “từ trong bụng mẹ” – đó là chưa kể những kiểu nói “từ thuở sơ sinh/ từ […]


Chúa Giêsu, Maria Ở Bêtania, Và Giađa Iscariot…(14.4.2025 Thứ Hai Tuần Thánh)

Cái chết của Chúa Giêsu đang đến gần. Hôm nay cái chết ấy được báo trước bởi việc Maria ở Bêtania xức dầu thơm lên chân Chúa, một hành động chỉ về ngày táng xác Chúa Giêsu. Đó là cái chết của người Tôi Tớ được Thiên Chúa tuyển chọn và hài lòng, người tôi […]


Tâm Tình Ngày Lễ Lá

Thánh lễ hôm nay, cách riêng nghi thức kiệu lá và toàn bộ phụng vụ Lời Chúa, trao cho chúng ta toàn cảnh biến cố Khổ Nạn của Chúa Giêsu, kể từ khi Người vào thành Giêrusalem lần cuối cùng ấy cho đến khi Người chịu đóng đinh và chết trên Thập giá, được gỡ […]


Chúa Chết Cho Ta Được Sống! (12.4.2025 Thứ Bảy Tuần V Mùa Chay)

Một ngày trước khi bước vào Tuần Thánh (với trình thuật Thương Khó long trọng trong Lễ Lá ngày mai, và với những diễn biến căng thẳng tăng dần trong những ngày tiếp theo), Lời Chúa hôm nay hé mở cho thấy trước chân trời ý nghĩa của tất cả những gì mà Chúa Giêsu […]