Mắt Họ Mở Ra, Và Thấy Mình Trần Truồng! (14.02.2025 Thứ Sáu Tuần V Thường Niên)
Ngày đăng: Tháng 2 13, 2025Vừa khi hai người ăn trái cây ‘biết lành biết dữ’, thì quả thật mắt họ mở ra, biết mình đã làm điều dữ, không phải điều lành – tức đã làm điều xấu, không phải điều tốt như họ tưởng. Mắt mở ra, nhưng không phải mở ra để trở thành toàn năng, tự do tuyệt đối, tự ấn định tốt xấu như Thiên Chúa – mà mắt mở ra để nhận ra mình trần truồng! Thật xấu hổ! Xấu hổ với Thiên Chúa, nên nấp vào lùm cây. Xấu hổ với nhau và mỗi người xấu hổ với chính mình, nên kết lá che lại.
Thật khốn khổ với nỗi xấu hổ này. Nó là mặc cảm tội lỗi, là sự cắn rứt lương tâm, là nỗi ê chề của kẻ đã để mình bị lừa gạt. Tâm hồn không còn bình an thanh thản nữa, mà bị đè nặng. Nỗi xấu hổ vì ‘trần truồng’ này là dấu hiệu rõ ràng của tình trạng mất tự do. Phải che chắn, phải lấp liếm! Ông đổ tội cho bà, bà đổ tội cho con rắn – nhưng thật tội nghiệp, nỗi xấu hổ vẫn còn nguyên đó, tô hô, như chính hàm nghĩa của hai tiếng ‘trần truồng’…
Đó là cái giá của sự lạm dụng tự do. Chúa ban cho con người tự do, đó là để con người tự do chọn theo ý Chúa. Và khi con người đặt mình hoàn toàn thuộc về thánh ý Chúa, thì đó chính là lúc con người được tự do hoàn toàn. Thật điên rồ khi nghĩ rằng tự do hoàn toàn là ‘muốn gì làm nấy’. Bởi kinh nghiệm của hai con người đầu tiên cho thấy rõ: Muốn gì làm nấy, bất chấp ý Chúa, thì đó không chỉ là chống lại Thiên Chúa mà còn là chống lại chính mình. Điều mà người ta nhận được không phải là tự do, hạnh phúc, bình an, nhưng là nỗi xấu hổ vì thấy mình ‘trần truồng’!
Đùa dại với tự do thì nguy hiểm thế đó. Rất may, Chúa thấy chúng ta xấu hổ, khổ sở vì lỡ dại nướng hết vốn liếng tự do của mình vào canh bạc bịp của Satan, Ngài không đành nhìn chúng ta trong thảm cảnh, Ngài quyết định giải thoát chúng ta, để chúng ta lại được tự do lần nữa!
Sự giải thoát ấy, ơn cứu độ ấy, được thực hiện bởi cái chết Thập giá và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Người hoàn toàn vô tội, nhưng chịu đóng đinh trần truồng xấu hổ trên Thập giá, vì Người muốn mang lấy hết tội lỗi và cả sự ‘xấu hổ vì trần truồng’ của chúng ta. Tình yêu cứu độ của Chúa kỳ diệu biết bao, đến nỗi Giáo hội thốt lên một cách nghịch lý mà hợp lý: “Ôi, tội Ađam thật là cần! Ôi tội hồng phúc! (felix culpa)”…
Nhìn lên cây Thập giá với Đấng Chịu Đóng Đinh treo trần truồng trên đó, chúng ta sẽ mở mắt ra và nhận hiểu thế nào là dữ và thế nào là lành, thế nào là tự do điên rồ và thế nào là tự do chân thực.
Lm. Lê Công Đức