Hãy Nhận Lấy Thánh Thần! (19.05.2024 Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống)
Ngày đăng: Tháng 5 18, 2024Hai trình thuật khác nhau về việc trao ban Thánh Thần: trình thuật của Tin Mừng Gioan (20,19-23) và của Tông đồ Công vụ (2,1-11). Trước hết, cả hai cho thấy quà tặng Thánh Thần chính là kết quả/hoa trái của mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô. Gioan kể rằng Chúa Phục sinh thổi hơi và bảo các môn đệ “hãy nhận lấy Thánh Thần” – thậm chí ngay khi Chúa Giêsu chết trên Thập giá Gioan cũng mô tả rằng “Người gục đầu xuống và trao Thần Khí”! Còn sách Công vụ thì đặt biến cố Thánh Thần Hiện Xuống vào đúng dịp Lễ Ngũ Tuần, một lễ mừng ngày mùa thu hoạch theo truyền thống. Tất cả mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô hướng đến vụ thu hoạch này! Như vậy: Thánh Thần là Thánh Thần của Chúa Phục sinh.
Cả hai trình thuật đều nối kết ơn ban Thánh Thần với sứ mạng thừa sai. Chính sứ mạng thừa sai cũng được Chúa Phục sinh trao cho các Tông đồ: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em…”. Ơn nói tiếng lạ trong trình thuật sách Công vụ vừa là dấu chỉ hiệp thông, vừa là năng lực được trao ban để rao giảng Chúa Giêsu Kitô cho hết mọi dân nước, mọi chủng tộc, mọi ngôn ngữ – không còn bức tường ngăn cách nào nữa.
Ngày nay chúng ta khẳng định rằng sứ mạng là lý do hiện hữu của Hội Thánh. Hội Thánh được thiết lập cho sứ mạng, và chỉ cho sứ mạng mà thôi. Chỉ có một Hội Thánh, một thân thể Chúa Kitô, và chỉ có một sứ mạng – dù chúng ta đã đau lòng kinh nghiệm những cuộc tách ly thành bốn, năm ‘Hội Thánh’ như đang thấy ngày nay… Bài đọc 1Cr (12,3b-7.12-13) nhấn mạnh rằng chỉ một Thánh Thần, chỉ một Thiên Chúa, chỉ một Chúa, chỉ một thân thể Chúa Kitô với nhiều chi thể – đó là nhấn mạnh tính hiệp thông, hiệp nhất của Hội Thánh. Sự hiệp thông, hiệp nhất này là điều kiện để thi hành sứ mạng, đồng thời là chứng tá ngôn sứ đầy sức thuyết phục của sứ mạng – như Chúa Giêsu cầu nguyện: “Xin cho họ nên một, … để thế gian nhận biết rằng Cha đã sai Con”…
Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất (x. Đáp ca, Tv 103). Một điều rõ ràng, sự ‘canh tân bộ mặt trái đất’ giả thiết sự canh tân chính trong Giáo hội – điều mà chúng ta đang rất khao khát ngày nay.
Lm. Lê Công Đức