Giữ Nguyên Nén Bạc? (20.11.2024 Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên)
Ngày đăng: Tháng mười một 19, 2024Người chủ giao vốn cho gia nhân làm lợi, rồi đi vắng. Một thời gian sau, ông trở về, gọi các gia nhân và yêu cầu quyết toán. Có người sinh lợi nhiều hơn, có người ít hơn. Nhưng vấn đề thực sự là ở chỗ có người không sinh lợi, do suy nghĩ tiêu cực về chủ của mình. Như câu chuyện cho thấy, anh ta phải trả lẽ.
Ý niệm về sinh lợi rất quen thuộc với con người, nhất là ngày nay, khi khả năng kiếm tiền được nhiều người đặt lên làm giá trị thứ nhất. Chính Thiên Chúa của chúng ta cũng là một Thiên Chúa muốn hiệu năng/hiệu quả, chỉ khác là Ngài không đặt hiệu quả kinh tế, vật chất lên hàng đầu. Ngay từ buổi ban đầu, Ngài dựng nên con người để sinh sôi nảy nở – và Ngài giao cho con người quản trị công trình tạo dựng để canh tác và phát triển, chứ không chỉ để tồn tại trong hiện trạng của nó.
Anh đầy tớ giữ nguyên một nén bạc của chủ và trả lại cho chủ ấy là một đầy tớ bất hợp tác, lười biếng, và thậm chí nuôi mầm phản loạn. Vấn đề lớn nhất của anh, đó là anh cưỡng lại ý của chủ. Ông chủ đặt anh làm người quản lý để sinh lợi từ vốn được giao, thì anh lại miễn cưỡng đặt mình làm thủ kho/thủ quĩ theo nghĩa là giữ nguyên cái mình nhận từ chủ. Khi chủ nói “sao không gửi bạc của ta vào ngân hàng?”, thì anh ta cứng họng, không thể biện bạch gì được!
Câu chuyện này, vì thế, có thể có một loạt hàm ý:
-Thiên Chúa là chủ tối thượng và duy nhất; mỗi chúng ta là một người quản lý tài sản Chúa giao, để sinh lợi.
-Tất cả những gì ta có, từ vật chất tới tinh thần, cả tri thức, các khả năng, sức khoẻ, thời giờ, và chính sự sống của ta… đều thuộc về Chúa và đều để sinh lợi cho công cuộc của Chúa.
-Tiêu pha tài sản Chúa giao theo cách tội lỗi, đó hiển nhiên là điên rồ chống lại Thiên Chúa rồi.
-Nhưng lười biếng không cố gắng sinh lợi từ vốn liếng được giao, đó cũng là chống lại ý muốn của Chúa, và chắc chắn phải chịu trách nhiệm về điều này.
-Trong thực tế đời sống luôn vận động, ta không thể thực sự ‘giữ nguyên’ một món vốn nào. Nó sẽ hao mòn, hay sẽ mất giá vì ‘lạm phát’. Cũng như con thuyền đi ngược dòng, không tiến ắt sẽ lùi, không đứng yên được.
Điều cuối cùng nói trên, tức ảo tưởng ‘giữ nguyên’, có thể mang hình thức ‘tư duy nhiệm kỳ’ khi ứng vào những người ở vị trí hữu trách cộng đoàn. Tôi chỉ ở chức vụ này chừng ấy năm nữa thôi, hay tôi còn có vài năm là sẽ nghỉ hưu rồi, nên tôi chỉ cần ‘giữ nguyên’ mọi sự, chẳng cần làm gì có tính ‘xông pha trận mạc’… Như vậy là chỉ cai trị chứ không phải là lãnh đạo! Như vậy là hài lòng với hiện trạng (status quo), tức vô tình chống lại chính Thánh Thần, Đấng không ngừng đổi mới mặt địa cầu.
Đức thánh cha Phanxicô có thể là một tấm gương rất tốt cho thái độ không giữ nguyên nén bạc chờ bàn giao cho người kế tiếp. Ngài làm Giáo hoàng ở tuổi 76, một năm sau khi nộp đơn xin nghỉ hưu. Nhưng ‘ông già’ ấy làm việc hết sức cần mẫn và nhiệt tình cho tới nay đã 87 tuổi, luôn thao thức đưa Giáo hội vào một cuộc canh tân cần thiết như lòng Chúa mong muốn, và vì thế cũng đầy thách đố. Sức mạnh ở đâu, cảm hứng ở đâu mà ngài có thể cho thấy ‘phong độ’ như thế ở độ tuổi cao như thế? Chúng ta có thể tự trả lời được.
Điều quan trọng cho mỗi chúng ta, dù ở vị trí nào trong Giáo hội, đó là chúng ta có muốn và mau mắn hưởng ứng cuộc canh tân Giáo hội mà Thượng Hội đồng Giám mục vừa qua đã phác hoạ trong Tài liệu Chung kết hay không?
Lm. Lê Công Đức