Giảng Gì Và Nghe Giảng Thế Nào… (02.9.2024 Thứ Hai Tuần XXII Thường Niên)
Ngày đăng: Tháng Chín 2, 2024Về Nadaret, Chúa Giêsu được trao sách Thánh để đọc tại hội đường, và được mời giảng. Bài giảng của Người cực ngắn, chỉ có một câu: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai quí vị vừa nghe”. Hay chí ít, thì đó là cách Luca đúc kết những gì Người chia sẻ vắn tắt xung quanh đoạn sách Isaia mà Người vừa đọc.
Chúng ta nhận ra, bài giảng của Chúa Giêsu có một tiêu điểm rõ ràng, và hoàn toàn ‘qui Kitô‘. Hai đặc tính này – một tiêu điểm rõ ràng và qui Kitô – rất nên được lưu ý trong các bài giảng của chúng ta!
Thính giả đồng hương trầm trồ thán phục Giêsu trong tư cách một vị giảng thuyết. Nhưng rất tiếc, họ bị định kiến vì ‘quá quen’ Người, nên niềm thán phục ấy bị nỗi nghi ngờ lấn át. Lại thêm bị Chúa Giêsu vạch rõ ‘tim đen’, họ đã nhanh chóng hoá thành căm phẫn, đã mưu sát Người, nhưng không thành. Thành kiến và sự phán xét chủ quan thật mù quáng và nguy hiểm biết bao!
Phao lô từng bách hại các Kitô hữu cũng từ thành kiến và phán xét chủ quan, để rồi khi trở thành nhà thừa sai rao giảng Chúa Giêsu Kitô, đến lượt Phao lô kinh nghiệm thế nào là sự khó khăn của việc thuyết phục người ta tin vào Đấng là Sự Thật. Những ngày trước đây, chúng ta đã nghe Phao lô thốt lên: Người Do thái đòi dấu lạ, người Hy lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn phần mình, chúng tôi rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh! Vậy đó, cô đơn lắm. Nhưng có thể làm gì khác hơn?
Hôm nay, Phao lô tiếp tục chia sẻ cái kinh nghiệm cô đơn của Chúa Giêsu ở hội đường Nadaret, khi nhắc lại điều người ta ‘cầu’ không phải là điều mình ‘cung’ – nhưng cũng phải ‘cung’ thôi, vì mình không nói gì ngoài việc “công bố bằng chứng của Thiên Chúa”. Phao lô nói: “Đến với anh em, tôi không đến với uy thế của tài hùng biện hoặc của sự khôn ngoan, tôi đến công bố bằng chứng của Thiên Chúa”! Hẳn khỏi cần nhắc lại rằng ‘sự khôn ngoan’ nói ở đây là sự khôn ngoan ‘đời’, của nhân loại, sự khôn ngoan mà người Hy lạp kiếm tìm – khác với sự khôn ngoan của Thiên Chúa (là Thập giá và Đấng chịu đóng đinh!).
Tóm lại ở đây, việc rao giảng Chúa Giêsu Kitô nói cho cùng không cần tài hùng biện cũng chẳng cần sự khôn ngoan đời, mà chỉ cần trao “bằng chứng của Thiên Chúa” thôi. Tức là làm chứng về sự khôn ngoan của Thiên Chúa!
Tất cả chúng ta, cách riêng những ai có sứ vụ giảng thuyết trong chúng ta, cần sự khôn ngoan đích thực này.
Lm. Lê Công Đức