Gặp Chúa Nhờ Lòng Hiếu Khách (Chúa Nhật XVI Thường Niên C)
Ngày đăng: Tháng 7 20, 2025Câu chuyện ba người khách lạ đi qua, ghé thăm vợ chồng Abraham, thường được chú giải là một hé mở mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi… Nhưng một yếu tố nổi bật ở đây là lòng hiếu khách của tổ phụ Abraham, được đặc tả với những chi tiết như sự vồn vã mời mọc và những hành động diễn tả nhiệt tâm tiếp đón… Bởi Abraham có trực giác đây là những người của Chúa/ là chính Chúa! Trong bối cảnh lòng hiếu khách và cuộc gặp gỡ như vậy, Abraham đã được chúc lành bằng lời hứa chắc chắn: Ngày này năm sau, Sara vợ ông đã sinh một con trai! (x. St 18,1-10a).
Như một bình luận về Abraham trong câu chuyện trên, Thánh vịnh 14 (Đáp ca) nói về ơn lành của Thiên Chúa dành cho những ai tôn sợ Chúa, những ai sống thanh liêm và thực thi công chính…
Trình thuật khá ngắn nhưng đầy hàm súc của Tin Mừng Luca hôm nay cũng vọng lại câu chuyện hiếu khách, ở đây là lòng hiếu khách của chị em trong gia đình Bêtania. Một lần nữa, khách ở đây là ‘người của Chúa’/ là chính Chúa! Và lòng hiếu khách được diễn tả qua những hành động nhiệt tình tiếp đãi của Mácta và qua thái độ ân cần hầu chuyện của Maria. Có một ‘xung đột’ xảy ra, ít nhất nơi Mácta, và Chúa Giêsu đã giải quyết xung đột ấy cách thẳng thắn: Maria đã chọn phần tốt nhất! (x. Lc 10,38-42).
Ta ghi nhận, cả hai chị em đều hiếu khách, rất nồng nhiệt đón tiếp Chúa Giêsu, nhưng mỗi người một cách (câu chuyện trong sách Sáng thế thì cho thấy nơi Abraham có cả hai thể cách này). Và để trả lời cho thái độ phân bua của Mácta, Chúa Giêsu nêu rõ rằng Người quí cái cách của Maria hơn! Ta nhận ra hàm ý: chính thái độ phân bua của Mácta là vấn đề – và Chúa khuyên đừng như thế!
Chúng ta tự hỏi, hai chị em này hiếu khách, song người khách mà họ đón tiếp ấy thực sự là ai? Là Giêsu, điều này họ hiểu rõ. Nhưng Giêsu ấy là ‘người của Thiên Chúa’, là Thiên Chúa, thì điều này hẳn còn là bất ngờ lớn đối với hai chị em… Thánh Phaolô trao cho chúng ta chìa khoá để hiểu hai chị em này đang đón tiếp ai. Vị Tông đồ gọi Chúa Giêsu là “mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở qua muôn thế hệ, nhưng nay đã được tỏ bày cho các thánh của Người”. Cũng theo thánh Phaolô, Chúa Giêsu là “niềm hy vọng vinh quang”, được loan báo để “mọi người nên hoàn hảo trong Người” (x. Cl 1,24-28).
Ta có thể rút ra hai điều:
-thứ nhất, nhiều người chúng ta có thể thích được đón tiếp kiểu của Mácta; nhưng Chúa Giêsu thì thích kiểu đón tiếp của Maria hơn.
-thứ hai, nhiều khi ta đón tiếp ‘mầu nhiệm giấu ẩn’, đón tiếp chính Chúa mà mình không biết; như lời Người khẳng định: Mỗi lần ngươi đón tiếp một anh em bé mọn của Ta đây, đó là đón tiếp chính Ta!
Xin Chúa vun xới nơi chúng ta lòng hiếu khách đậm chất Tin Mừng.
Lm. Lê Công Đức