Em Ngươi Đâu? (17.02.2025 Thứ Hai Tuần VI Thường Niên)
Ngày đăng: Tháng 2 16, 2025Sự dữ đã đi vào gia đình nhân loại ngay từ hai ông bà nguyên tổ, qua câu chuyện biểu tượng là việc ăn trái cây biết lành biết dữ. Con người, vẫn với tự do của mình, tiếp tục lún sâu hơn trong tội lỗi với việc Cain sát hại Abel. Câu chuyện hai anh em, mỗi người dâng lễ phẩm của mình cho Đức Chúa, cũng đầy tính biểu tượng. Câu chuyện ấy không có ý nói rằng Chúa thích mỡ súc vật hơn là trái cây, nên Ngài nhận của Abel mà từ chối của Cain. Đúng hơn, câu chuyện muốn cho biết rằng nơi tâm hồn Cain đã có gì đó không đẹp ý Chúa.
Của lễ không được nhận, Cain “căm tức và sụ mặt xuống”. Chúa cảnh cáo và nhắc nhở. Nhưng điều xảy ra là do ghen tức, Cain đã “xông vào giết Abel”. Chúa truy hỏi em ngươi đâu, Cain chối quanh rằng tôi không biết, tôi không phải là người trông giữ em tôi!… “Tiếng máu em ngươi từ đất kêu thấu đến Ta”, Chúa nói… Nhưng trước một Cain dằn vặt và đầy sợ hãi, Chúa đã trấn an rằng Ngài sẽ bảo vệ mạng sống của Cain…
Xâu chuỗi các sự kiện có nhiều tính biểu tượng này, ta thấy gì?
Ta thấy tội đầu tiên mở van đáy cho mọi thứ tội tràn vào nhận chìm con người là tội BẤT TUÂN PHỤC THIÊN Ý – do đó, mọi thứ tội đều tự bản chất là tội bất tuân phục thánh ý Chúa…
Ta thấy con người mất khả năng đề kháng, tự do vẫn còn nguyên, nhưng khả năng sử dụng tự do bị suy yếu trầm trọng, và chuỗi tội lỗi bắt đầu, trong đó tội này gây ra thêm tội kia – như một phản ứng phân hạch dây chuyền trong vụ nổ bom hạt nhân.
Ta thấy khi bất tuân phục thánh ý Chúa, con người chống lại Thiên Chúa, thì cũng chống lại con người (tha nhân và chính bản thân mình) là hình ảnh của Thiên Chúa – sự dữ leo thang nhanh chóng đến mức Cain giết Abel, đó là con người giết chính mình và đồng thời cho thấy muốn giết Thiên Chúa (vì mọi con người đều là hình ảnh của Thiên Chúa).
Ta thấy như vậy là xáo trộn hoàn toàn rồi, và điên rồ tận cùng rồi! Bạo lực, xung đột, chiến tranh, loại trừ… đã nhảy vào sân khấu ngay từ đầu tiên, với hình ảnh Cain xông vào giết Abel, và kéo dài, gia tăng cấp độ cho đến ngày nay như chúng ta đã và đang thấy: không còn chỉ là chuyện giữa các cá nhân, mà là chiến tranh và tàn sát giữa các cộng đồng, các quốc gia, các liên minh…
Câu hỏi “Em ngươi đâu?” mà Thiên Chúa hỏi Cain không chỉ là câu hỏi dành cho các tương quan cá nhân, mà cả cho các cộng đồng, các quốc gia nữa. Khi mới làm giám mục Rôma, Đức thánh cha Phanxicô đã đến Lampedusa uỷ lạo tinh thần các di dân sống sót sau khi hàng ngàn người bị xua đuổi và chết thảm trên biển trong thời gian trước đó. Ngài đã có một bài giảng lễ xoáy sâu vào câu hỏi “Em ngươi đâu?” này, muốn nhắn gửi các giới hữu trách đã để xảy ra thảm kịch…
Bao lâu chúng ta còn chối quanh, như Cain, trước câu hỏi “Em ngươi đâu?”, thì bấy lâu chiến tranh và loại trừ vẫn còn, phẩm giá con người vẫn bị chà đạp, thí bỏ. Và không tránh được cảm thức xấu hổ, trần truồng, chúng ta sẽ run sợ khi Chúa đến gặp và hỏi: “Ngươi ở đâu rồi?” – “Con đang trốn trong bụi rậm đây, Chúa ơi, con không dám ra trước mặt Chúa”!
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người đã bị người ta loại trừ cách bất nhẫn và đầy bạo lực nhân danh sự an toàn và ổn định của những cá nhân và cộng đồng, xin Chúa giúp đưa chúng ta ra khỏi bụi rậm và nhận ra chính Chúa nơi khuôn mặt của anh chị em mình.
Lm. Lê Công Đức