Đừng Bám Chấp Những Cái Phù Vân (30.09.2024 Thứ Hai Tuần XXVI Thường Niên)
Ngày đăng: Tháng chín 29, 2024Những đoạn sách Giảng viên về ‘phù vân’ của tuần trước như thể chuẩn bị dẫn ta vào sách Gióp hôm nay. Chuyện ông Gióp như chuyện làng Nủ ở Lào Cai cách đây hai mươi ngày, với trận mưa lũ và lở núi kinh hoàng sau cơn bão số 3. Chỉ trong khoảng mười lăm phút buổi sáng sớm hôm đó, cả ngôi làng yên bình xinh đẹp bị chôn vùi hoàn toàn. Nhà cửa, tài sản, và bao con người bỗng chốc biến mất vĩnh viễn. Không còn gì cả. Chỉ còn một bãi bùn trộn với đất đá trải rộng thênh thang và lạnh tanh… Sự việc xảy ra cho ông Gióp ở ngay đầu câu chuyện cũng vậy. Dường như ông có tất cả, nhưng rồi các tai ương bỗng dồn dập xảy đến, để rồi ông không còn gì cả!… Thật khó đón nhận biết bao!
Điều tuyệt vời của câu chuyện là thái độ đón nhận nghịch cảnh của ông Gióp. Ông vui lòng đón nhận tất cả trong lòng tin tưởng đặt nơi Thiên Chúa: “Từ lòng mẹ, tôi sinh ra trần truồng, thì tôi cũng sẽ trở về đó trần truồng. Chúa ban cho, rồi Chúa lấy lại: như đẹp lòng Chúa thế nào, thì xin xảy đến như vậy: nguyện danh Chúa được chúc tụng!”… Câu chuyện ông Gióp không đơn giản chỉ có vậy, vì còn những diễn biến phức tạp hơn – nhưng thái độ đón nhận sơ khởi nói trên của ông là mẫu mực cho mọi người trong những hoàn cảnh tương tự…
Thái độ đón nhận ấy đầy tinh thần vô tư, siêu thoát, không bám / chấp vào cái phù vân. Nếu có một cái gì tương tự trong câu chuyện làng Nủ, thì đó là thái độ đón nhận của cậu bé Gia Bảo, 6 tuổi, sống sót qua tai ương nhưng thân thể giập nát thê thảm và phải được chuyển viện mấy lần để cấp cứu. Bố mẹ em chết trong thảm hoạ ấy; người ta chỉ mới tìm được xác của bố, còn mẹ thì chưa… Mỗi khi được hỏi bố mẹ em đâu, đứa trẻ tội nghiệp này – đang quấn băng và nằm trên giường cấp cứu – vẫn khúc khích cười vô tư và nói “Bố mẹ con đang ở trên trời!”… Câu trả lời thật siêu thoát, vì đứa trẻ này là một… đứa trẻ!
Tinh thần vô tư, siêu thoát của ông Gióp và của cậu bé Gia Bảo nói trên không được gặp thấy nơi các môn đệ Chúa Giêsu trong câu chuyện Phúc Âm. Các ông bám/chấp vào tham vọng ‘mình là người lớn nhất’. Các ông không chấp nhận mình bé nhỏ, cũng không trân trọng người bé nhỏ. Các ông không chấp nhận người khác chỉ vì họ khác mình và không thuộc nhóm mình, cho dù họ tốt đến đâu đi nữa… Thế đấy, vấn đề nằm ở chỗ bám và chấp một cách nông cạn và mù quáng!
Chúa Giêsu không muốn chúng ta, các môn đệ của Người, bị giam hãm trong cái vòng bám/chấp hẹp hòi và nhỏ nhen ấy!
Lm. Lê Công Đức