Động Lực Sứ Mạng Thừa Sai Của Thánh Phanxicô Xavie (03.12.2024 Thứ Ba Tuần I Mùa Vọng)
Ngày đăng: Tháng mười hai 2, 2024Trình thuật về bài sai sứ mạng (mandat) ở Tin Mừng Mác-cô có một sự nhấn mạnh đáng lưu ý về “những phép lạ kèm theo”. Nào là “trừ quỉ”, nào là “cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc cũng không bị hại”, nào là “đặt tay chữa lành bệnh nhân”… Đây là một trong những lý do của việc chọn bản văn này cho ngày lễ thánh Phanxicô Xavie, vị thánh mà hành trình rao giảng Tin Mừng gắn liền với nhiều phép lạ ngoạn mục được ghi lại…
Nhưng cần phải nhắc lại rằng phép lạ ở đây có thể nâng đỡ đức tin, chứ một cách căn bản nó không nhắm làm ra đức tin. Bởi vì đơn giản là nó không có khả năng làm ra đức tin! Một đức tin có được do phép lạ, thì đức tin ấy không thật sự đúng nghĩa là đức tin. Nó đã bị áp lực, nó không còn tự do. Người Do thái rất sính phép lạ; họ từng đòi Chúa Giêsu thi thố một dấu lạ hoành tráng từ trời để họ tin, nhưng Chúa đã từ chối. Vì như vậy là người ta bị áp lực, đâu còn tự do, và do đó cũng không còn là ‘tin’ đúng nghĩa! Ngược lại, đức tin chân thực và đủ mạnh thì sẽ có thể làm ra phép lạ – như Chúa Giêsu khẳng định rất nhiều lần…
Sự tự do để tin là điều thiết yếu về phía người nghe rao giảng. Sự tự do để rao giảng Tin Mừng – về phía người tông đồ / thừa sai – hẳn nhiên cũng là điều thiết yếu như thế. Thế nhưng, những lời của thánh Phaolô trong Thư 1Côrintô nghe thật lạ! Vị Tông Đồ Dân Ngoại diễn đạt rằng ngài không còn tự do (để chọn rao giảng hay không rao giảng), mà ngài bị buộc phải rao giảng, vì ngài cảm nhận đó là nhu cầu và nghĩa vụ của mình! “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” Và vì cảm nhận việc rao giảng là nhu cầu, là nghĩa vụ, nên Phaolô không nghĩ mình có công trạng.
Ta thấy trước sau Phaolô vẫn hoàn toàn tự do, nhưng ngài dùng sự tự do ấy để chọn trở thành nô lệ. Hãy nghe thật kỹ cảm nghiệm rất thâm sâu này của ngài: “Khi rao giảng Phúc Âm, tôi đem Phúc Âm biếu không, tôi không dùng quyền mà Phúc Âm dành cho tôi. Mặc dầu tôi được tự do đối với tất cả mọi người, tôi đã đành làm nô lệ cho mọi người, hầu thu hút được nhiều người hơn. Tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau để thu hút người yếu đau. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Phúc Âm, để được thông phần vào lợi ích của Phúc Âm”.
Dùng tự do để chọn trở nên nô lệ cho Thiên Chúa, cho Đức Kitô, cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng! Một nhiệt tâm sứ mạng như thế chỉ có thể được giải thích bởi tình yêu, một tình yêu say mê trong sâu thẳm trái tim là trung tâm của bản ngã người ta (x. Thông điệp Dilexit nos, số 23-27). Nó tương tự như chàng trai kia được hỏi tại sao anh lại yêu cô gái đó, chàng trả lời: “Tại sao không chứ? Đó là điều đương nhiên, điều bắt buộc đối với tôi; đó là niềm vui, là hạnh phúc của tôi!”
Câu chuyện cuộc đời môn đệ thừa sai của thánh Phanxicô Xavie cũng chỉ được hiểu từ kinh nghiệm và nhãn quan ấy của thánh Phaolô, vị Tông đồ Dân ngoại. Câu chuyện ấy không chỉ có những hành trình rao giảng miệt mài và những phép lạ đầy ấn tượng, mà sâu xa hơn, câu chuyện ấy còn bao hàm một tình yêu say mê đối với Chúa Giêsu Kitô đến nỗi đặt trọn con người và đời sống của mình thuộc về công cuộc của Người, và chỉ thuộc về Người mà thôi!
Xin Chúa truyền loại động lực ấy vào trái tim mỗi người chúng ta!
Lm. Lê Công Đức