Điều gì làm cho Tuần Thánh – thánh?
Ngày đăng: Tháng 4 9, 2022Chúa Nhật Lễ Lá, Tuần thánh bắt đầu. Tại sao tuần này được gọi là Tuần thánh? Điều gì làm cho Tuần thánh – thánh? Mọi người có thực sự coi Tuần thánh là thánh? Gọi là Tuần thánh vì kỷ niệm cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu? Hay sự đau khổ của Chúa Giêsu làm nên thánh? Sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu có phải là yếu tố quyết định làm nên tuần lễ này không?
Theo “lời mời gọi nên thánh phổ quát”,[1] sự thánh thiện cốt ở đức ái trọn hảo. Sự thánh thiện phải là biểu lộ của tình yêu: yêu Chúa và yêu người. Như thế, điều làm cho Tuần thánh trở nên thánh, đó là Tình Yêu. Đau khổ không phải là thánh thiện và cũng không phải là điều làm cho Tuần thánh nên thánh. Đúng hơn, chính là tình yêu mà người đau khổ đang ôm lấy đã làm cho những đau khổ ấy trở nên thánh thiện. Vì thế, trong Tuần thánh, khi tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng ta nên tập trung nhiều hơn vào tình yêu mà Ngài biểu lộ. Những đau khổ ấy là dấu chỉ của tình yêu, là lời mời gọi yêu thương, và cũng là sự mặc khải về tình yêu của Chúa Giêsu Kitô.
Sự đau khổ của Chúa Giêsu là dấu chỉ của tình yêu
Chính Chúa Giêsu đã nói: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Điều đó cho thấy sự đau khổ và cái chết của Ngài là dấu chỉ của tình yêu mà Ngài dành cho nhân loại. Và đó cũng là dấu chỉ Tình Yêu mà Thiên Chúa Cha dành cho chúng ta ngang qua cuộc đời Chúa Giêsu, với đỉnh cao là cái chết của Ngài trên Thánh Giá. Chúa Giêsu là sự hiện diện và hành động yêu thương của Thiên Chúa ngay trong cuộc sống của chúng ta và đang ở giữa chúng ta. Chúa Giêsu chính là hiện thân của Tình Yêu và là mẫu gương của Tình Yêu. Ngài chấp nhận từ bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận con người, yêu và yêu cho đến cùng, chịu đau khổ đến mức tự hiến mình trên thập tự giá (x. Pl 2, 6-11).
Sự đau khổ của Chúa Giêsu là một lời mời gọi yêu thương
Chúa Giêsu luôn mời gọi các môn đệ: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34; 15, 12). Thật vậy, một tình yêu đích thực không thể không có hy sinh. Yêu là phải sẵn sàng hiến thân cho người mình yêu cho dù phải hy sinh, gian khổ. Thước đo của tình yêu là mức độ một người sẵn sàng hy sinh cho người kia.
Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu là Mạc khải về tình yêu
Tình yêu đòi hỏi sự từ bỏ, hy sinh quên mình. Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã từng khuyên dạy: yêu là “hy sinh mình đừng hy sinh người khác”. Sự hy sinh sẽ “vén mở” cho thấy tình yêu ở mức độ nào. Tình yêu tột cùng của Thiên Chúa là hy sinh Người Con duy nhất: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.(Ga 3, 16). Và Sự hy sinh đó biểu lộ trọn vẹn qua cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Qua đó Chúa Giêsu muốn mời gọi những môn đệ của Ngài tiếp tục đón nhận mạc khải tình yêu của Thiên Chúa, bằng việc bước theo sát con đường Ngài đã đi. “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 13:24; Mc 8, 34; Lc 9, 23). Từ bỏ chính mình rất khó khăn, đôi khi đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, nhưng điều đó thể hiện mức độ tình yêu ta dành cho Chúa và anh chị em.
Bước theo những bước chân Chúa Giêsu đi vào cuộc khổ nạn trong Tuần Thánh này, chúng ta học và suy gẫm sâu hơn về tình yêu tuyệt đối, Tình Yêu thánh hóa “đau khổ”. Qua đó chúng ta lớn lên trong tình yêu của Thiên Chúa và những người xung quanh bằng cách suy ngẫm và theo gương của Chúa Giêsu, Đấng đã hy sinh mạng sống của Ngài cho chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, sống trong thời hiện đại và tiện nghi, chúng con luôn mong đợi và tìm cách sống tự do thoải mái. Chúng con mong được thoát khỏi sự đau đớn thể xác nhờ thuốc men và y tế, thoát khỏi đau đớn về tinh thần nhờ vui chơi và giải trí. Khi không được như mong muốn chúng con dễ nản lòng than trách… Chúng con không thể từ chối hay tránh né đau khổ. Xin cho chúng con biết đón nhận và thánh hóa chúng, để qua sự hy sinh và khổ luyện, chúng con cảm nghiệm được giá trị của đau khổ chính là Tình Yêu. Xin cho chúng con biết ngước nhìn lên Thánh giá Chúa để can đảm và vững niềm tin “vác thập giá mình mỗi ngày”. Nguyện xin cho Tuần thánh thực sự thánh cho tất cả chúng con.
Maria Trần
[1] Lumen Gentium (Hiến chế Tín lý về Giáo Hội), Chương 5.