Con đường thập giá người môn đệ (Mc 10, 25-45)

Ngày đăng: Tháng ba 31, 2022

Quỹ đạo tình yêu của Thiên Chúa được trải dài trong suốt dòng lịch sử nhân loại. Đỉnh cao tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại là Mầu Nhiệm Thập Giá của Đức Giêsu – Con Thiên Chúa. Chính trên cây Thập Giá, Thiên Chúa đã dốc cạn tình yêu sâu thẳm nhất Ngài dành cho nhân loại, qua chính con của Ngài: “Thiên Chúa yêu thế gian đễn nỗi đã ban con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Chính nhờ Mầu Nhiệm Thập Giá, ơn cứu độ của Thiên Chúa vẫn không ngừng chảy vào nhân loại. Người muốn dòng chảy Cứu Độ được thực hiện nơi người môn đệ qua con đường thập giá mà Con Thiên Chúa đã nêu gương. Khi Con Thiên Chúa xuống thế làm người, bắt đầu sứ vụ công khai rao giảng Tin Mừng, Người đã tuyển chọn một số người để làm môn đệ, để họ trở thành trung gian chuyển giao ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người.

Để khám phá được con đường thập giá Chúa Giêsu đã đi, cũng chính là con đường thập giá mà người môn đệ sẽ đi, người môn đệ cần phải được Đức Giêsu huấn luyện. Thánh sử Mc 10, 35-45, cho chúng ta thấy được lộ trình Thập Giá mà người môn đệ cần phải bước vào là đạt tới sự hiểu biết và yêu mến Chúa hơn qua con đường Thập Giá. Dĩ nhiên, không nhất thiết người môn đệ phải làm chứng cho Chúa Giêsu bằng cái chết của mình, nhưng người môn đệ đích thực phải nhận ra rằng Thập Giá là một điều có thể xảy ra trên con đường ơn gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu. Người môn đệ sẽ tháp nhập vào con đường Thập Giá của Đức Giêsu, nhờ đó họ sẽ luôn hiện tại hóa hy lễ Thập Giá của Đức Giêsu trong đời sống thường nhật, như lời Thánh Phaolô nói: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).

  1. Người môn đệ được mời gọi bước vào con đường Thập giá (Mc 10, 35-40)

Bản văn Mc 10, 35-40 được đặt trong khung cảnh Chúa dẫn đầu các môn đệ cùng lên Giêrusalem, nơi Người sẽ chịu chết. Người tiếp tục loan báo lần thứ 3 về cuộc Thương Khó của Người: “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người” (Mc 10, 32-34). Liền sau lời loan báo này, hai người con ông Dêbêdê đến xin Chúa cho mình “ngồi bên hữu, bên tả Thầy khi Thầy được vinh quang” (Mc 10, 36). Điều này cho thấy, ít nhất hai người môn đệ này đã không nhận ra được con đường Thập Giá của Thầy, họ chưa đạt tới sự hiểu biết về con đường của Chúa Giêsu.

Thánh vịnh 110 cho thấy vị trí ngồi bên hữu Thiên Chúa là chỗ danh dự thứ nhất, còn bên tả là chỗ danh dự thứ hai (x. Tv 110, 1), đồng thời Thiên Chúa ngồi bên hữu ai thì điều đó hàm ý Ngài che chở cứu giúp vị ấy (x. Tv 110, 5; 16, 8; 109, 31). Đứng trước lời yêu cầu đó, Chúa Giêsu đã không trả lời trực tiếp cho họ, nhưng Người đưa ra những câu hỏi liên quan đến con đường chính Người sẽ đi: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống không hay chịu phép rửa Thầy sắp chịu không” và Người mời gọi họ: “Chén Thầy sắp uống anh em sẽ uống, phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu” (Mc 10, 39).

Sách ngôn sứ Giêrêmia cho thấy “Chén” của Chúa là cơn lôi đình của Thiên Chúa dành cho mọi dân tộc trên mặt đất (x. Gr 25, 15), là hình phạt của Thiên Chúa (x. Gr 49, 12). Bước sang Tân ước, người môn đệ được Chúa Giêsu cho họ thấy “Chén của Thầy” được trao vào tay người môn đệ không phải là cơn thịnh nộ của Thiên Chúa nhưng là chén của ơn cứu độ Chúa dành cho con người. Chén của ơn cứu độ chính là con đường Thập Giá, tượng trưng cho nỗi đau khổ, là Giao ước mới được lập bởi máu của Đức Kitô (x. 1Cr 11, 25). Tin Mừng Gioan cho thấy, khi quân lính đến bắt Chúa Giêsu, Phêrô đã bảo vệ Chúa bằng cách rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ nhưng Chúa ngăn Phêrô lại và nói: “Chén Cha Thầy trao lẽ nào Thầy chẳng uống” (Ga 18, 11). Vì thế, người môn đệ được Chúa Giêsu mời gọi uống chén Thập Giá của Người nghĩa là được tham dự vào mầu nhiệm sự chết và sống lại của Người.

2. Người môn đệ hy sinh mạng sống mình (Mc 10, 42-45)

Bản văn Tin Mừng Mc 10, 42-45 cho thấy việc người môn đệ mong được ngồi bên tả hay bên hữu Thầy trong vinh quang của Thầy, không chỉ là chuyện riêng của hai người con ông Dêbêdê nhưng của mười môn đệ kia. Thật vậy, những vị này đã tỏ thái độ tức tối với Gioan và Giacôbê (x. Mc10, 41). Thái độ này của các môn đệ không khác gì cách hành xử của những người Pharisêu, khi họ phẫn nộ với Chúa Gieessu lúc Người chữa bệnh vào ngày Sabát (x. Lc 13, 14), và khi Chúa tiến vào Giêsusalem cùng với tiếng reo hò vang dậy của lũ trẻ trong Đền Thờ (x. Mt 21, 12). Ở đây, các kinh sư và người Pharisêu rất tức tối không muốn chấp nhận Chúa Giêsu là Con Vua Đavít. Đứng trước thái độ này của các môn đệ, Chúa lại tiếp tục bình tĩnh đưa họ vào trong hành trình huấn luyện, Người không tỏ ra tức tối với hai anh em Gioan và Giacôbê, và mười môn đệ kia nhưng Người lặp lại lời giáo huấn “Ai muốn làm lớn giữa anh em phải làm người phục vụ anh em” (Mc 10, 43).

Người môn đệ được Chúa Giêsu huấn luyện về tinh thần phục vụ, phải hy sinh mạng sống mình theo khuôn mẫu “Con Người”, chứ không phải tìm vinh quang trần thế: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45). Cựu ước cho thấy “giá chuộc” là khoản tiền để chuộc lại mạng sống hoặc những người đang gặp đau khổ: người thân dùng tiền để chuộc con khỏi tay chủ (x. Xh 21, 8) hay chuộc lại bà con sa vòng nô lệ (x. Lv 25, 47). Bước sang Tân ước, từ ngữ “giá chuộc” theo nguyên nghĩa Hy lạp “λύτρον- lytron” chỉ xuất hiện ở đây và trong Mt 20, 28. “Lytron” (lyô: tháo, cởi, giải thoát) là số tiền bỏ ra để mua sự giải thoát cho một tù binh, hoặc để chuộc lại một nô lệ. Từ việc giải thích này, cho thấy Chúa Giêsu không phải bỏ tiền ra cho bất cứ ai, nên thành ngữ này chỉ có nghĩa là phương thế để cứu chuộc. Vì thế, Chúa Giêsu tự nguyện hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người bằng cái chết và sự Phục Sinh của Người. Do đó, người môn đệ được Chúa Giêsu huấn luyện thay vì được ngồi bên tả hay bên hữu Thầy, họ được Chúa Giêsu mời gọi đi vào con đường Thập Giá bằng chính mạng sống mình.

Như vậy, từ bản văn Tin Mừng Mc 10, 35-45, cho thấy người môn đệ được Chúa Giêsu huấn luyện bước vào con đường Thập Giá, đòi hỏi họ phải hy sinh cả mạng sống mình. Đây quả là thách đố cho người môn đệ hôm nay, đang sống trong bối cảnh xã hội đáp ứng mọi nhu cầu vật chất của con người, họ cũng cuốn vào vòng xoáy của thời đại. Do đó, người môn đệ, cần phải được đào luyện mỗi ngày để tháp nhập đời mình vào trong mầu nhiệm Thập giá của Chúa Giêsu, ý thức rằng, họ được mời gọi theo sát Chúa Kitô: “Sequela Christi” trong hành trình dâng hiến, và họ cảm nhận được hạnh phúc vì đời sống của họ đang trở nên giống Chúa hơn. Điều này, đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong tông huấn Vita Consecrata số 72: “Càng để cho mình đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, người tận hiến càng làm cho Người hiện diện và hành động trong thế giới, để cứu độ nhân loại”.

M. Trang Phạm



Bài viết khác

Người Tu Sĩ Thánh Hiến

Tu sĩ là người được Thiên Chúa mời gọi thánh hiến cho Ngài. Chính Chúa đã chọn họ bằng tình yêu tuyệt vời và trao ban cho họ sứ mệnh đặc biệt. Khi nhận ra và tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa dành cho mình, người tu sĩ đáp trả lời mời gọi của Chúa bằng cách tự nguyện cam kết sống thuộc trọn về Ngài.


Tiếng “Fiat” Của Mẹ Maria Và Lời Khấn Vâng Phục Của người Nữ Tu Mến Thánh Giá

Chính tiếng “Fiat” năm xưa của Mẹ mà chương trình kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa được thực hiện. Tất cả chúng ta cách riêng những người nữ tu MTG cùng chiêm ngắm và sống đức vâng phục với Mẹ Maria.


Những Ngày Hồng Ân

Sau những tháng ngày bận rộn trong công việc và học tập, đây là thời gian để chúng tôi trở về bên Chúa, nhìn lại những hồng ân Chúa ban tặng và hành trình ơn gọi của mỗi người.


Tạ Ơn Chúa Đã Dựng Nên Con Cách Lạ Lùng

Gioan người con được sinh ra trong ân sủng và niềm vui, đã dành trọn cuộc đời cho Chúa và dùng mạng sống để hoàn tất sứ mạng được trao phó. Mừng lễ thánh Gioan Tẩy Giả, tôi có dịp chiêm ngắm dung nhan của thánh nhân để học theo các nhân đức của Ngài trên hành trình dâng hiến.


Tìm về bên Chúa

Chúng ta hãy trở về để tiếp tục được sống những ngày tháng hạnh phúc giản đơn dưới mái nhà gia đình và để được là trung tâm điểm trong Trái Tim Tình Yêu của Giêsu.


Tôi đang vì ai?

Thiên chúa không chọn người có khả năng, nhưng Người sẽ ban khả năng cho những ai Người chọn. Thiên Chúa không bao giờ thua lòng quảng đại của con người.


    Hành trình Đức Tin của một Kitô hữu

Cái gì là cái quí giá nhất trong cuộc sống làm người ở trần gian này? Đức Tin vào Chúa Kitô là món quà quí giá nhất, mà loài người chúng ta có thể có được. “Hãy xin, thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ cửa, thì Chúa sẽ mở cho” (Mt 7, 7).


Toán Học Và Đời Tu

Con lên đường theo tiếng gọi Tình Yêu, Bài toán khó con đi tìm đáp số, Ngài là ẩn của phương trình vô định, Căn bậc hai nối kết con đường tình


Cái nhìn của Chúa

Chúa luôn nhìn tôi. Ngài đã nhìn tôi khi vui, khi buồn, khi tôi gặp thử thách... bằng cái nhìn âu yếm và đầy yêu thương.


Lòng Thương Xót

Tuần hai mừng Chúa Phục Sinh, Mừng Lòng Thương Xót uy linh nhân lành: Nhu cầu thương xót thường tình, Con người ai cũng cần mình được thương. Thế nên ta phải biết đường, Cũng là thương xót tỏ tường tha nhân. Tập tành nếp sống ân cần, Tỏ ra thông cảm thấy gần nhau […]


Cảm nghiệm tình yêu người Mục tử sau một lần tĩnh tâm tháng

Người Mục tử kiên nhẫn chờ đợi và giúp ta nhận ra giá trị nơi những “tật nguyền”của mỗi người. “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8, 28).


Đóng đinh Chúa vào thập giá

Tôi nghĩ về “cái tôi” của mình, “cái tôi” ấy chính là những lời hô hoán, gào thét đóng đinh Chúa mình vào thập giá.