Cõi Đời Và Cõi Trời – Xác Thịt Và Thần Khí (08.11.2024 Thứ Sáu Tuần XXXI Thường Niên)
Ngày đăng: Tháng mười một 7, 2024“Giờ đây tôi đau lòng sa nước mắt để nhắc lại rằng có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Ðức Kitô. Chung cuộc, đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những thứ trên cõi đời này. Phần chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta…”
Vẫn là sự đối lập giữa Thần Khí và xác thịt mà thánh Phaolô thường xuyên nói đến! Nhấn mạnh mấy cũng không vừa về tầm quan trọng của việc qui phục Thần Khí! Và để được vậy, ta phải thoát ra, thoát lên khỏi những khuôn suy nghĩ và hành động thuần tuý phàm trần! Ta thấy thánh Phaolô như van xin, như năn nỉ… qua chính nước mắt đau đớn và qua những lời cảnh cáo nghiêm khắc của ngài. Phaolô nói về sự hư vong của những kẻ dán chặt mình vào cõi đời: tôn thờ cái bụng, thù nghịch với thập giá Chúa Kitô! Và Phaolô kêu gọi hướng vọng cõi trời, nơi ta hạnh ngộ mãi mãi Đấng Cứu Chuộc mình.
Ngay từ thuở ban đầu của Kitô giáo, cái căng thẳng giữa ‘cõi đời’ và ‘cõi trời’ được kinh nghiệm rất rõ nơi các cá nhân và cộng đoàn tín hữu. Vì thế mà thánh Phaolô và các Tông đồ phải thường xuyên nhắc đi nhắc lại, đặc biệt tác giả Thư gửi Diognetus (thế kỷ 2) đã mô tả rất hay về sự căng thẳng này xét như hiện sinh Kitô giáo: Người Kitô hữu bước đi trên mặt đất này với thái độ tích cực và đầy trách nhiệm, nhưng họ luôn hướng vọng trời cao và được dẫn dắt bởi trời cao!… Vả chăng, Chúa Giêsu từng nói về các môn đệ là “ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian”.
Tại sao? Tại vì ánh sáng Tin Mừng không phải là ‘cái bụng’; tại vì sự khôn ngoan nằm ở Thập giá; tại vì Kitô hữu thuộc về Thần Khí của Chúa Kitô, chứ không còn thuộc về ‘xác thịt’ – theo ý nghĩa mà thánh Phaolô gán cho từ này. Ta hiểu vì sao giáo huấn xã hội của Hội Thánh rất thường gây tranh cãi, bởi đây là lãnh vực trong đó Giáo hội dùng ánh sáng Tin Mừng soi chiếu vào các thực tại đời sống xã hội, rút ra những nguyên tắc hướng dẫn cách ứng xử của người ta, cả dân chúng lẫn những quyền bính quản lý xã hội. Ví dụ, về phá thai, về chiến tranh, về di dân, về án tử hình, về quyền tư hữu được định hướng công ích, về kinh tế thị trường ‘tự do vô giới hạn’ cần được giới hạn bởi bác ái, thậm chí bác ái đó chính là công bằng, vân vân…
Anh chị em giáo dân cần nắm vững các giáo huấn xã hội để sống đạo giữa đời, để mình luôn còn là Kitô hữu. Các mục tử càng cần nắm vững và xác tín để hướng dẫn đoàn chiên của Chúa, nếu không sẽ có nguy cơ như Chúa Giêsu từng nói: “Các ngươi đã không vào (Nước Trời), mà những kẻ muốn vào thì các ngươi cũng không cho vào… Kẻ mù dắt người mù, lăn cù xuống hố… Thật khốn cho các ngươi!”…
Tóm lại, dù là linh mục, tu sĩ hay giáo dân, chúng ta luôn cần tự hỏi mình đang thuộc về Thần Khí hay xác thịt.
Lm. Lê Công Đức