Chính Chúa Đó! (25.4.2025 Thứ Sáu Tuần Bát Nhật Phục Sinh)

Ngày đăng: Tháng 4 24, 2025

Chuyện ở Biển Hồ cũng phản ánh một kiểu thức phân định trong cộng đoàn, liên quan tới điều mà những năm gần đây chúng ta nhắc đến qua hai tiếng ‘hiệp hành’, tức đồng hành đồng nghị. Bảy anh em đồng môn có mặt với nhau ở đó. Phêrô khởi xướng việc đi đánh cá, mọi người hưởng ứng, nhưng cố gắng cả đêm mà không được gì. Một thất bại ê chề của công việc chung mà mọi người cùng cảm nhận…

Rồi Chúa Phục sinh đến vào lúc sáng sớm. Không ai nhận ra Người. Chúa can thiệp bằng một ý kiến mách nước cụ thể cho công việc của họ. Một cách mau mắn, họ lắng nghe và hưởng ứng, làm theo. Và kìa, kết quả mỹ mãn, thật là thích quá! Gioan nhận ra trước hết và nói với Phêrô: “Chính Chúa đó!” Rồi tất cả đều nhận ra chính là Chúa đó. Phêrô và tất cả anh em đổi hướng, hướng lên bờ, đến với Chúa, kéo theo thành quả là mẻ lưới lạ lùng vừa đạt được. Thầy trò quây quần, ăn sáng, hàn huyên trong niềm vui sâu xa mà không ồn ào…

Đây là một tiến trình phân định kiểu mẫu. Cả cộng đoàn cùng tìm kiếm, cùng kinh nghiệm thử thách, cùng lắng nghe ngay cả một người khách lạ bày tỏ thiện chí góp ý… Hoá ra đó là tiếng Chúa nói với mình. Hoá ra chính là Chúa đó. Có người nhận ra trước, những người khác nhận ra sau, nhưng tất cả cuối cùng đều nhận ra. Cả cộng đoàn được biến đổi, đổi mục tiêu, đổi hướng. Vì chỉ có Chúa và điều Chúa muốn mới là mục tiêu tìm kiếm chân thực mà thôi.

Chính Chúa đó, là con đường, là cùng đích, là sự cứu độ. Đây là thông điệp Phêrô trao cho các thượng tế và giới lãnh đạo Do thái. “Chính Người là viên đá đã bị chư vị là thợ xây loại ra, đã trở thành viên Ðá Góc tường; và ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác. Bởi chưng không một Danh nào khác ở dưới gầm trời đã được ban tặng cho loài người, để nhờ vào Danh đó mà chúng ta được cứu độ”.

Phêrô mạnh mẽ khẳng định Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất, để cho người Do thái nhận ra rằng họ đã bắt hụt, đã vứt bỏ Người, và để họ nghĩ lại và tin vào Người, muộn còn hơn không, và họ không phải đợi chờ một đấng thiên sai nào khác… Chúng ta có thể ghi nhận, khẳng định nói trên được nói với những người Do thái trong bối cảnh Do thái giáo, nên Phêrô nói một cách dứt khoát, rõ ràng, tự nhiên – vì thính giả ở trong tâm cảnh hoàn toàn thuận tiện để tiếp nhận thông tin mới mẻ này. Nhưng khi các thừa sai đến với những bối cảnh các tôn giáo lớn khác của thế giới, thì cách thức hiểu và truyền đạt thông điệp ấy sẽ cần sự phân định kỹ lưỡng hơn. Đây chính là lãnh vực của thần học tôn giáo và đối thoại tôn giáo mà Giáo hội đang dành nhiều quan tâm.

Chúng ta cần nhận ra Chúa Phục sinh và tiếng nói mách bảo của Người, nhiều khi đến từ những phía bất ngờ. Và chúng ta cần phân định để biết cách trình bày thông điệp về ‘Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất’ cho con người hôm nay.

Lm. Lê Công Đức



Bài viết khác

Đấng Kitô Phải Chịu Khổ Hình! (24.4.2025 Thứ Năm Tuần Bát Nhật Phục Sinh)

Chúa Phục Sinh lại hiện ra với nhóm môn đệ đang khi họ kể cho nhau về việc Người vừa hiện ra trước đó. Họ vẫn còn lo sợ, sợ ma, vì chưa quen với loại kinh nghiệm này. Chúa trấn an và củng cố họ, xác nhận rằng mọi việc phải xảy ra với […]


Ơn Biến Đổi Bởi Chúa Phục Sinh (23.4.2025 Thứ Tư Tuần Bát Nhật Phục Sinh)

Hai môn đệ Emmau gặp Chúa mà không nhận ra, nhưng vẫn được biến đổi sâu xa trong lòng trí… “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên trong ta khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” Nghĩa là sự biến đổi đến từ […]


Tôi Đã Trông Thấy Chúa! (22.4.2025 Thứ Ba Tuần Bát Nhật Phục Sinh)

“Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người”… Tất cả điều Maria Mađalêna mong mỏi lúc này chỉ có thế. Chúa chết rồi, mai táng ở đây, mà bây giờ không thấy đâu nữa! Chút dấu vết […]


Tất Cả Chúng Tôi Xin Làm Chứng! (21.4.2025 Thứ Hai Tuần Bát Nhật Phục Sinh)

Chứng từ về Phục Sinh chủ yếu đặt nền trên kinh nghiệm. Và kinh nghiệm được vun đắp từ ký ức. Có ký ức cá nhân và có ký ức tập thể nữa. Vì thế, Phêrô và anh em Tông Đồ khi trao lời chứng cho người Do thái đã gợi lại ký ức về […]


Những Chứng Nhân Tin Mừng Phục Sinh (Chúa Nhật Phục Sinh)

Phêrô cùng với anh em Tông Đồ làm chứng hai điều: Một là làm chứng về con người và sứ vụ của Chúa Giêsu khởi từ Galile; hai là làm chứng về sự sống lại của Người sau khi bị đóng đinh và chết trên thập giá (x. Cv 10,34a.37-43). Điều thứ nhất thật ra […]


Những Người Phụ Nữ…(19.4.2025 Canh Thức Vọng Phục Sinh)

Trong khi trình thuật Phục sinh đầu tiên của Tin Mừng Gioan xoay quanh một người phụ nữ, thì Luca nói về ‘những người phụ nữ’. Không chỉ có Maria Mađalêna, mà còn có bà Gioanna, bà Maria mẹ Giacôbê, và các bà khác nữa trong nhóm. Trong bối cảnh hậu THĐGM 16 về tính […]


Thứ Sáu Thánh 2025 (18.4.2025 Thứ Sáu Tuần Thánh)

Không có Thánh lễ cho ngày Thứ Sáu Thánh! Điều này cũng phản ánh nỗi bàng hoàng về một hụt hẫng, một trống trải, một dở dang… như sự ngẩn ngơ của các môn đệ trước tất cả những gì xảy ra cho Chúa Giêsu, nhất là trước cái chết của Người trên Thập giá. […]


Thứ Năm Thánh 2025 (17.4.2025 Thứ Năm Tuần Thánh)

Lễ Vượt Qua là lễ trọng nhất của Do thái giáo, kỷ niệm biến cố vĩ đại bậc nhất trong lịch sử dân tộc Do thái: Họ được Thiên Chúa giải phóng khỏi ách nô lệ Ai cập, để lên đường đi về miền đất hứa mà Chúa đã ban cho tổ tiên họ. Lễ […]


‘Thương Khó’ Là ‘Say Mê’ (16.4.2025 Thứ Tư Tuần Thánh)

‘Thương khó’ hay ‘khổ nạn’ hàm nghĩa gì đối với Chúa Giêsu? Ta thường nghĩ đến đòn roi, sức nặng cây gỗ trên đường đi, nhất là sự đóng đinh và treo lên – nghĩa là những đớn đau do bạo lực thể lý… Vâng, những điều này thật khủng khiếp (như bộ phim Passion […]


“Từ Khi Tôi Còn Trong Lòng Mẹ” (15.4.2025 Thứ Ba Tuần Thánh)

Bài đọc Isaia (là Bài ca thứ hai của Người Tôi Trung) cùng với Thánh vịnh 70 (Đáp ca) lặp đi lặp lại ít nhất năm lần những diễn ngôn như “từ khi tôi còn trong lòng mẹ”/ “từ trong bụng mẹ” – đó là chưa kể những kiểu nói “từ thuở sơ sinh/ từ […]


Chúa Giêsu, Maria Ở Bêtania, Và Giađa Iscariot…(14.4.2025 Thứ Hai Tuần Thánh)

Cái chết của Chúa Giêsu đang đến gần. Hôm nay cái chết ấy được báo trước bởi việc Maria ở Bêtania xức dầu thơm lên chân Chúa, một hành động chỉ về ngày táng xác Chúa Giêsu. Đó là cái chết của người Tôi Tớ được Thiên Chúa tuyển chọn và hài lòng, người tôi […]