Nước Thiên Chúa Bàng Bạc Ở Giữa Chúng Ta (14.11.2024 Thứ Năm Tuần XXXII Thường Niên)
Ngày đăng: Tháng mười một 14, 2024Ônêsimô, người nô lệ đã bỏ trốn khỏi nhà ông Philemon, nay trở thành Kitô hữu và được Phaolô gửi trả về. Chúng ta để ý cách Phaolô dàn xếp việc này. Vị Tông Đồ biết rằng trong vị thế của mình, ngài có quyền yêu cầu Philemon phải đón nhận lại Ônêsimô. Nhưng ngài đã không muốn dùng quyền để áp đặt như thế. Thay vào đó, Phaolô gợi ý để Philemon đón nhận người nô lệ cũ của mình, đón nhận một cách tự do và dựa trên nền tảng bác ái, bình đẳng, huynh đệ, hiệp thông của những người môn đệ Chúa Kitô. Phaolô còn tự nguyện hứa sẽ đền bù những thiệt hại vật chất mà Ônêsimô có thể đã gây ra cho ông chủ, nếu Philemon yêu cầu điều này…
‘Hiệp hành’, tức đồng hành đồng nghị, là như thế đó! Không dùng quyền bính để áp đặt những cách dàn xếp theo kiểu ‘cường quyền’, mà dùng cách đối thoại, gợi ý, lắng nghe và cùng phân định để tìm ra giải pháp cho những vấn đề cụ thể trong đời sống cộng đoàn, đặt nền trên cảm thức đức tin và trên các giá trị Tin Mừng. Nhãn giới là Nước Thiên Chúa, là sự tự do của con cái Thiên Chúa!…
Nước Thiên Chúa, hay Triều đại Thiên Chúa, là tất cả định hướng sứ mạng của Chúa Giêsu. Người ta hỏi: “Nước ấy ở đâu, khi nào Nước ấy đến?” Hãy để ý cách Chúa Giêsu trả lời. Nước Thiên Chúa không ở đây hay ở kia (như quan niệm của chúng ta về các quốc gia trần gian có vùng lãnh thổ và đường biên giới xác định), mà “Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ngươi”! Khẳng định này vừa ám chỉ chính Chúa Giêsu là hiện thân của Nước Thiên Chúa, vừa muốn nhấn mạnh rằng Nước Thiên Chúa là hồn cốt, là tâm thế, là tinh thần bàng bạc trong mọi sự. Ở đâu có yêu thương chân thực, ở đó có Nước Thiên Chúa!…
Lại cũng có thể nói về ‘hiệp hành’, hay đồng hành đồng nghị, y như vậy. Đây là một phong cách, một tâm thế căn bản nằm trong mọi khía cạnh đời sống và hoạt động của Giáo hội. Nó không nằm ở việc này việc kia. Nó bàng bạc và thấm đẫm tất cả. Ba năm của tiến trình Thượng Hội đồng vừa qua và nhất là Tài liệu Chung kết mới đây lưu ý chúng ta rằng tính đồng hành-đồng nghị thể hiện nơi sự tham gia của mọi người, dựa trên nền tảng hiệp thông và luôn nhắm phục vụ cho sứ mạng. Một cách thực tiễn, nó được diễn tả qua việc cùng lắng nghe và cùng phân định, bằng công cụ ‘đối thoại trong Thánh Thần’.
Nước Thiên Chúa thú vị biết bao. Tính ‘hiệp hành’, hay đồng nghị, sẽ giúp chúng ta vượt qua các bế tắc để thẳng tiến về Nước ấy, cho Giáo hội và – qua Giáo hội – cho mọi con người trong thế giới hôm nay.
Lm. Lê Công Đức