ALLELUIA! Chúa Đã Sống Lại!
Ngày đăng: Tháng 4 8, 2023“Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy thì lời rao giảng của chúng tôi thành trống rỗng và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr15,14) Lời khẳng định của Thánh Phaolô cho thấy tầm quan trọng của biến cố Phục Sinh trong đời sống đức tin của người Kitô hữu. Đó vừa là một biến cố siêu việt nhưng cũng là một biến cố mang đậm chất lịch sử. Là biến cố lịch sử vì được khởi đi từ ngôi mộ trống và những lần hiện ra của Chúa Giêsu sau khi Ngài phục sinh. Trong ngày đại lễ hôm nay, chúng ta được nghe thánh sử Gioan kể lại câu chuyện ngôi mộ trống. Điều tưởng chừng như trống rỗng, hư không lại trở thành dấu chỉ mở ra một thực tại tràn đầy niềm vui và hy vọng. Niềm vui và hy vọng của những con người đầu tiên ấy đã trải qua những bước thăng trầm từ hoảng sợ đến tin tưởng và từ tin tưởng đến hăng say ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh.
- Sự sợ hãi của người môn đệ
Gioan mở đầu câu chuyện ngôi mộ trống bằng việc mô tả hình ảnh một người môn đệ theo chân Chúa Giêsu từ ngày được chữa lành tới nay, đó là Maria Madalena, người đã đi ra mộ khi trời còn tối. Chị là người yêu mến nhiều nên được tha thứ nhiều. Chính tình yêu dành cho Chúa thôi thúc chị đi ra mộ từ rất sớm, khi trời còn đang tối. Trời tối ở đây là bóng tối do thiếu ánh sáng mặt trời hay là đêm tối của lòng người vì còn đang chìm ngập trong u sầu buồn chán, mê muội vì chưa hiểu được điều đang xảy ra trước mắt mình. Tảng đá đã lăn ra khỏi mộ khiến chị sợ hãi (Mt 28, 5.8) vì chị phán đoán: “có lẽ người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ” (Ga 20, 2). Điều này đồng nghĩa với xác Thầy đã bị mất cắp. Sợ hãi trước cảnh tượng ấy, chị vội vã chạy về báo tin cho các môn đệ của Thầy. Chị báo tin và kéo các ông ra mộ để chứng kiến cảnh tượng ấy với niềm hy vọng mong manh sẽ tìm lại được xác Thầy. Trong cuộc sống, chúng ta cũng phải trải qua nhiều cảnh huống khiến ta sợ hãi, lầm lũi trong đêm tối của đức tin. Học theo chị Madalena, chúng ta được mời gọi mở ra để chia sẻ nỗi sợ hãi, sự xao động, những khúc mắc về đức tin đó để được anh chị em nâng đỡ.
- Từ sợ hãi đến tin tưởng
Dù đã nhiều lần được Thầy báo trước nhưng đứng trước tâm trạng sợ hãi và những lời kể kinh hoàng của Madalena, các môn đệ không khỏi ngạc nhiên, bàng hoàng và lo lắng. Mang trong mình tâm trạng đó, họ cùng nhau chạy ra mộ. Nếu những phút trước, qua cặp mắt của Madalena, thánh Gioan vẽ ra cho chúng ta một bức tranh đơn sơ về ngôi mộ trống thì giờ đây, qua con mắt của hai môn đệ thân tín, bức tranh ngôi mộ trống trở nên chi tiết và cụ thể hơn nhiều. “Những băng vải, khăn che đầu: không để lẫn nhưng cuộn lại và xếp riêng ra (Ga 20, 5-7). Trong cuộc chạy đua tới mộ, Gioan tới trước nhưng không vào. Phêrô tới sau và ông vào thẳng trong mộ. Ông vào và thấy cảnh tượng đó. “Bấy giờ, người môn đệ kia, kẻ tới mộ trước cũng đi vào, ông đã thấy và đã tin” (Ga 20, 8). Lời này của thánh Gioan cho thấy ngôi mộ trống trở thành dấu chỉ của niềm tin. Trống không còn xác Thầy, những băng vải đã được xếp lại ngay ngắn không để lẫn lộn là dấu chỉ tràn đầy của một sự phục sinh. Một sự phục sinh khác hẳn với sự sống lại của Lazaro, một sự phục sinh không còn bị sự chết trói buộc và thân xác không bao giờ bị thối rữa! Nhìn những khăn niệm, người môn đệ thấy rằng không có kẻ trộm nào lại có đủ thời gian để làm gọn gàng sau khi trộm nhưng là chính Thầy đã đã sống lại, đã xếp lại gọn gàng trước khi ra khỏi mộ. Nhờ trực giác của tình yêu mà người môn đệ đã nhận ra: Thầy đã phục sinh.
- Từ tin đến ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh
Sau khi chứng kiến cảnh tượng mồ trống và đọc được ý nghĩa của dấu chỉ này, các môn đệ trở về nhà. Không phải trở về trong tâm trạng sợ hãi, lo âu nhưng lòng các ông tràn đầy niềm vui và hy vọng. Niềm vui phục sinh đổ đầy lòng môn đệ thôi thúc các ông mở toang cửa để chia sẻ niềm vui trào tràn trong tâm hồn mình. Phêrô đại diện cho nhóm Mười Một lên tiếng rao giảng về biến cố quan trọng này. Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, chúng ta được nghe lời chứng của Phêrô về cuộc đời của Thầy mình. Thầy được Thiên Chúa dùng Thánh Thần và quyền năng xức dầu. Thầy đã đi khắp nơi ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám. Thầy đã bị giết treo trên thập giá nhưng ngày thứ ba Thiên Chúa đã cho Người sống lại. Những ai tin vào Người thì nhờ danh Người mà được tha tội.
- Sống niềm vui Phục sinh
Chúa đã phục sinh và ra khỏi mồ; Chúa cũng mời chúng ta bước ra khỏi ngôi mồ của mình để gặp Chúa. Bởi vì, nhờ sự chết và phục sinh Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và mở lối cho chúng ta bước vào một cuộc sống mới. Một cuộc sống trở lại trong ân nghĩa với Thiên Chúa. Một cuộc sống chiến thắng tội lỗi, dục vọng, đam mê để được làm nghĩa tử. Để được như vậy, mỗi người chúng ta phải can đảm trút bỏ những băng vải đang trói buộc ta. Đó là điều thánh Phaolo gợi ý cho chúng ta trong bài đọc thứ hai: một cuộc sống tìm kiếm những sự trên trời. Một cuộc sống hướng thượng sẽ lôi con người ta ra khỏi những tham sân si của trần thế. Một cuộc sống hướng thượng hướng con người chúng ta sống hiền hòa, yêu thương, quảng đại, hy sinh bản thân để lo lắng cho hạnh phúc của người khác. Một cuộc sống hướng thượng giúp cho người ta không quá nặng lòng với vật chất nhưng biết mở rộng vòng tay chia sẻ và trao ban cho người khác. Có như thế chúng ta mới có thể đón nhận được ơn Phục Sinh Chúa ban cho chúng ta.
Lạy Chúa, các tông đồ tin nhờ đọc được ý nghĩa dấu chỉ trước mắt. Cuộc sống chúng con cũng có vô vàn các dấu chỉ cho thấy sự hiện diện của Chúa, vô vàn các dấu chỉ Chúa ban để củng cố và nâng dậy đời sống đức tin của chúng con. Xin cho chúng con yêu mến Chúa hơn để đủ nhạy trước các dấu chỉ Chúa gửi đến. Xin cho niềm vui phục sinh nâng dậy cuộc sống chúng con để chúng con biết sống yêu thương như Chúa mời gọi ngõ hầu chúng con được hưởng ơn Phục Sinh Chúa ban cho chúng con. Amen.
Maria Nguyễn Hường