Ta Nên Cầu Xin Gì Và Cầu Xin Thế Nào ( Chúa Nhật XVII Thường Niên C)
Ngày đăng: Tháng 7 27, 2025Dân thành Sôđôma đầy tội lỗi. Thiên Chúa có ý định giáng phạt. Abraham cố thuyết phục Chúa khoan hồng cho họ. Mẩu đối thoại giữa Abraham với Thiên Chúa thật gay cấn và căng thẳng. Từ điều kiện ban đầu Abraham tự nêu ra là 50 người công chính, cuối cùng đã giảm xuống chỉ còn 10 người thôi – Thiên Chúa vẫn đồng ý. Cú ‘mặc cả’ cuối cùng ấy xem chừng gay go lắm, đến nỗi Abraham phải rào đón thật kỹ: “Lạy Chúa, xin đừng nổi giận, con chỉ xin thưa lần này nữa thôi”… (x. St 18,20-32).
Nhưng mặt khác, đó cũng là một cuộc trò chuyện thật thân tình gần gũi. Abraham phải cảm nghiệm tương quan gần gũi với Chúa thì mới đi vào được một cuộc trò chuyện như thế. Quả thật, Abraham được gọi là người ‘bạn’ của Thiên Chúa! Cần nhắc lại, trong cuộc điều đình này, Abraham đưa ra lời khẩn nài nào cũng được Chúa đồng ý cả. Chúa thật bao dung, thật dễ chạnh lòng – như cảm nghiệm của Thánh vịnh 137 (Đáp ca): “Lạy Chúa, khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con… Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời”!
Cảm nghiệm về “lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời” cùng với câu chuyện Abraham khẩn nài Thiên Chúa trên kia là cửa ngõ tốt để chúng ta đi vào giáo huấn của Chúa Giêsu về cầu nguyện trong bài Tin Mừng theo thánh Luca (x. Lc 11,1-13). Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện chính Chúa Giêsu dạy, bao quát tất cả những ơn xin tốt đẹp nhất, hài lòng Thiên Chúa nhất (vì trọng tâm là xin cho Triều đại Thiên Chúa được hiện thực). Vì thế, không bao giờ phải sợ lời cầu nguyện ấy làm cho Thiên Chúa nổi giận (như nỗi e ngại không tránh được nơi Abraham).
Hơn nữa, từ câu chuyện người bạn xin bánh lúc nửa đêm, Chúa Giêsu đã đúc kết rằng “hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ, thì cửa sẽ mở cho”. Không có một bảo kê nào chắc chắn hơn thế cho các lời cầu xin của chúng ta, bao lâu chúng ta xin những điều tốt thực sự cho mình (tốt theo cái nhìn thượng trí của Thiên Chúa, dĩ nhiên).
Cuối cùng, đâu là sự bảo kê của Chúa Giêsu cho lời cầu xin của chúng ta: “hãy xin, sẽ được”! Không đâu khác mà sự bảo kê ấy được thực hiện đầy đủ và dứt khoát cho bằng Thập giá, tức cái chết và sự chiến thắng cái chết của Chúa Giêsu. “Anh em đã được mai táng làm một với Ðức Kitô, anh em cũng được sống lại với Người, bởi đã tin vào quyền năng Thiên Chúa, Ðấng đã cho Người từ cõi chết sống lại” (x. Cl 2,12-14). Nói cách khác, chính Chúa Giêsu bảo kê cho hiệu quả lời cầu nguyện của chúng ta, bằng Mầu nhiệm Vượt qua của Người. Không gì chắc chắn hơn!
Vì thế, bạn hãy mạnh dạn cầu xin Cha trên trời về bất cứ nhu cầu nào mà bạn tin là tốt lành cho bạn và/hoặc cho người khác. Bất cứ điều tốt lành nào cũng được hàm chứa trong lời Kinh Lạy Cha, ta hiểu vì sao Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện tổng hợp và chính thức của Giáo hội.
Lm. Lê Công Đức