Bầu Khí Căng Thẳng Tăng Dần Với Chúa Giêsu (10.4.2025 Thứ Năm Tuần V Mùa Chay)
Ngày đăng: Tháng 4 9, 2025Đoạn sách Sáng thế về lời hứa của Thiên Chúa với Abraham chứa đầy những cụm từ “Ta sẽ…”: – “Này Ta đây, Ta giao ước với ngươi… Ta sẽ đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ta sẽ ban cho ngươi con cháu đông đúc. Ta sẽ đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc, và nhiều vua chúa xuất thân từ ngươi. Ta sẽ thiết lập giao ước vĩnh viễn giữa Ta với ngươi cùng con cháu ngươi từ thế hệ này qua thế hệ khác… Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi đất mà ngươi cư ngụ, sẽ cho ngươi làm chủ vĩnh viễn toàn cõi đất Canaan và Ta sẽ là Chúa của chúng”…
Đó là những việc Chúa hứa sẽ làm. Còn về phía Abraham và con cháu, Chúa chỉ yêu cầu một điều thôi: “Phần ngươi và dòng dõi ngươi, từ đời nọ sang đời kia, hãy giữ lời giao ước của Ta”. Chúng ta thấy bản ‘hợp đồng’ bất tương xứng về nghĩa vụ của hai bên – bởi vì Chúa quá thương nên Ngài quá hào phóng. Abraham trung tín, dù không phải không có trầy trật. Nhưng con cháu của vị Tổ phụ thì thường xuyên trôi giạt xa đường lối Chúa và làm Chúa phiền nhiều…
Và thật mầu nhiệm, lịch sử cứu độ cho thấy đó là cách Thiên Chúa đưa con người vào Giao Ước mới trong Chúa Giêsu Kitô. Chính ơn cứu độ phổ quát qua cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu sẽ cho thấy cách mà Abraham được đặt “làm tổ phụ nhiều dân tộc”! Chính Chúa Giêsu Kitô là chìa khoá giúp đọc lại và nhận hiểu những lời nói và hành động của Thiên Chúa trong lịch sử, trong tầng ý nghĩa sâu xa nhất của những lời nói và những hành động đó.
Khổ nỗi, đứng trước Chúa Giêsu, những người Do thái đương thời vẫn không nhận ra Người là chiếc ‘Chìa Khoá’ thần kỳ ấy. Họ chỉ nắm bắt tầng nổi của những gì họ thấy và nghe. Chúa Giêsu muốn nói một đàng, họ hiểu một nẻo – vì thế bầu khí xung đột và căng thẳng ngày càng tăng!… Chúa Giêsu nói: “Nếu ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết”… “Các ngươi không biết Chúa Cha, còn Ta, Ta biết Ngài”… “Cha các ngươi là Abraham đã thấy ngày của Ta và đã vui mừng”… “Khi Abraham chưa sinh ra, thì Ta đã có rồi”… Họ không hiểu. Và điều xảy ra là họ bảo Giêsu bị quỉ ám – và họ lượm đá ném Người!
Sắp sửa bước vào cử hành cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, chúng ta tự hỏi mình có hay mau mắn ‘ném đá’ không, ‘ném đá’ anh chị em mình, và ‘ném đá’ cả Chúa? Ta dễ dàng ‘ném đá’ vì ta nghĩ mình sở hữu sự thật, vì ta xa lạ với Sự Thật là Chúa Giêsu. Đồng cảm với Chúa trong cuộc Thương Khó của Người, ta xin Người giúp ta biết buông mọi khí giới của mình xuống, và để cho Sự Thật của Người chiếm hữu lấy mình. Ta sẽ kinh nghiệm thế nào là sự giải phóng đích thực.
Lm. Lê Công Đức