Tiếp xúc với nhân cách của tôi

Ngày đăng: Tháng tư 12, 2022

Một đệ tử hỏi Sư phụ: “Sư phụ, con có thể tìm sự bình an và hạnh phúc đích thực ở đâu?”

Sư phụ trả lời: “Con mong muốn tìm kiếm câu trả lời của mình đến mức độ nào?”

Đệ tử hăng hái đáp: “bằng bất cứ giá nào?”

Sư phụ đưa ra chỉ dẫn, “Hãy lên đường, và vượt qua ba ngọn núi. Đó không phải là một hành trình dễ dàng. Con sẽ phải đối diện với nhiều thử thách và gian khổ. Nhưng nếu con vượt qua được nó, con sẽ tìm được ngọn núi thứ ba. Ở đó có một đền thờ. Trong đền thờ có một cuốn sách Khôn ngoan. Câu trả lời của con nằm trong cuốn sách đó.”

Người đệ tử ngay lập tức lên đường. Anh ta vượt qua tất cả ba ngọn núi như chỉ dẫn. Thật sự, anh đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng trong mỗi thách đố, anh khám phá ra sự dũng cảm, sức mạnh, và sự khôn ngoan của mình.

Cuối cùng anh đã tìm được ngọn núi thứ ba và nhìn thấy đền thờ. Anh hăm hở và vội vã đi đến đền thờ và bắt gặp cuốn sách của sự khôn ngoan. Không do dự, anh mở trang thứ nhất của cuốn sách, anh ngạc nhiên và bất ngờ, đó là một chiếc gương. Nghĩ đó là cái bẫy. Anh tiếp tục trang thứ 2. Lại là chiếc gương khác. Anh tiếp tục trang 3, 4, 5, 6, 7… Nó là một chuỗi những chiếc gương.

Sư phụ xuất hiện và chỉ vào chiếc gương, nơi người môn đệ nhìn thấy hình ảnh của mình, và nói: “Đó, đó là nơi con có thể tìm bình an và hạnh phúc đích thực”.

Tôi là ai?

Đụng chạm tới nhân cách con người của bạn là khi bạn bắt đầu nghiêm túc đối diện với câu hỏi căn bản: Tôi là ai? Câu hỏi thật sự khó trả lời. Có lẽ nó không có câu trả lời thỏa mãn. Và có thể câu trả lời rất khác nhau trong những thời điểm khác nhau. Vì thế, Tôi là ai, luôn phải được đặt ra cho mỗi ngày sống của bạn.

Để nhận diện chính mình “Tôi là ai?” luôn cần sự nỗ lực. Ý nghĩa cuộc sống của bạn chỉ bắt đầu khi bạn xác định được con người thật của mình, đó là bạn đi tìm sự tự do. Chỉ khi bạn nắm bắt được con người thật của mình, bạn mới có thể hướng đến sự trở thành. Họat động khởi đầu cho hành trình biết về bản thân, bắt đầu bằng việc nhận diện về những gì bạn đã được dạy và học về con người bạn. Bạn là ai hôm nay, và chính bạn phải xác định về bạn. Nó là điều quan trọng để nhận ra “nhãn hiệu” về mình mà đôi khi bạn đã thoải mái dán lên cho mình. Nó cũng là điều quan trọng để làm sáng tỏ, liệu những “nhãn hiệu” này có phản ánh chính xác bạn thực sự là ai hay không.

Hoạt động

Trên trang giấy được cung cấp. Hãy nghĩ về những từ hoặc những cụm từ xuất hiện trong tâm trí khi bạn tự hỏi mình: tôi là ai? Hãy để câu trả lời đến một cách tự nhiên. Viết tất cả những gì đến trong tâm trí. Đừng kiểm duyệt bất kỳ câu trả lời nào.

Ví dụ: tôi có thể viết – “tôi là một nhà văn”, “tôi hiền lành”, “tôi là người nghiêm túc”, “tôi là người trách nhiệm”, “tôi là người thích xem phim”…

Đánh dấu khoanh tròn cho 10 câu trả lời mà bạn tin là thực sự phản ánh con người của bạn. Rồi phân loại chúng theo trình tự từ “nhãn hiệu” thích nhất (1) đến “nhãn hiệu” ít yêu thích (10) mà bạn muốn dán cho bản thân bạn.

Suy ngẫm

Dùng thời gian để suy nghĩ về những câu hỏi sau:

  • Tôi nhận thấy điều gì về 10 mô tả mà tôi đã chọn?
  • Chúng là những mô tả mang nhiều tính tích cực hay tiêu cực hơn?
  • Những mô tả của tôi thiên về thể loại “vai trò” (sinh viên, con gái, cha mẹ, giáo sư…), “phẩm chất” (tốt, thích vui chơi, lạc quan, nghiêm túc…), “hoạt động” (thích múa, giỏi vẽ, thích sưu tầm, thích xem phim…).
  • Tôi cảm thấy thế nào về những mô tả này? Tôi vui với những nhãn hiệu gắn liền với tôi?
  • Những mô tả này chỉ ra cho tôi điều gì?
  • Những mô tả của tôi có bao gồm toàn bộ nhân cách con người của tôi không? Còn điều gì khác nữa tôi có thể thêm để có thể phản ánh thực sự con người tôi?

Tổng hợp

Bạn định nghĩa con người bạn theo “nhãn hiệu” mà bạn đặt trên bản thân mình. Một số “nhãn hiệu” đó được liên hệ tới “vai trò” mà bạn đảm nhận. Một số khác thiên vể “phẩm chất” bạn quy cho bản thân, hoặc “hoạt động” mà bạn tham gia. Có thể rất thú vị để hỏi: nếu bạn lấy đi tất cả những thứ này, bạn là ai, bạn có còn là bạn? Như thế, bạn có phải là vai trò, phẩm chất, và hoạt động của bạn không? Trong khi đó, các “nhãn hiệu” này chỉ phản ánh một số khía cạnh của con người bạn. Bạn không được quên rằng bạn là một con người có phẩm giá cao quý, không có những “nhãn hiệu” kia bạn vẫn là bạn. Như thế, bạn xứng đáng với sự tồn tại của mình. Bạn có tiềm năng, có thể sở hữu hàng triệu khả năng. Bạn có sức mạnh bên trong để trở thành những gì bạn khao khát “là” để “cộng tác” với thế giới này một cách tốt đẹp nhất.

Như thế, khi định nghĩa con người bạn, không nên bị giới hạn bởi “nhãn hiệu” của bạn. Nếu bạn dán nhãn cho bản thân mình như một “chú hề”, khuynh hướng đó phủ nhận khía cạnh quan trọng của bạn. Nếu bạn gắn nhãn cho bạn là một sinh viên, bạn có thể từ bỏ cơ hội để dạy người khác. Con người bạn định hướng tất cả “nhãn mác”. Bên cạnh đó, bạn cũng phải cẩn trọng với những người muốn “dán nhãn” cho bạn, họ thích “đóng hộp” bạn vào những “nhãn hiệu” của riêng họ. Cha mẹ dạy bạn trở nên “tốt” theo ý họ, đôi khi lại tước đi quyền mơ ước và kế hoạch của riêng bạn. Bạn bè nghĩ bạn là “kẻ phá đám”, không mời bạn ra ngoài, thì bạn không mất thời gian tham gia với họ… Đừng để bản thân bị giới hạn trong “một chiếc hộp” hay “nhãn mác” nào. Ví dụ: trong trường hợp của tôi, tôi được biết đến như một người ấm áp và hiền lành, tôi được gắn liền với vai trò là một người cố vấn. Mọi người có xu hướng liên hệ với con người của tôi như một chức năng. Đôi khi, ngay cả ở những nơi mà tôi cho là nghỉ ngơi và giải trí, mọi người cũng hỏi ý kiến tôi về vấn đề của họ. Tôi cũng tư vấn và đáp ứng mọi nhu cầu của họ một cách tự nhiên như tôi đang ở trong chức vị cố vấn của mình. Một cách vô thức, tôi đang định nghĩa bản thân mình trong “nhãn hiệu” với người khác như vậy.

Động não với các biện pháp cần thiết mà bạn có thể áp dụng để bạn có thể trở thành người mà bạn là. Hãy ý thức về cách mà bạn tương quan với chính mình và với người khác. Bạn có tìm thấy bản thân bị hạn chế bởi những “nhãn hiệu” mà bạn gắn lên cho chính mình không? Bạn có liên quan đến mọi người như một vai trò không? Mọi người tương quan với bạn chỉ như là một vai trò không? Bạn có chỉ hành động theo kỳ vọng của ngưởi khác? Bạn có sợ trở thành chính mình không?

           (Trích lược nguồn: “The Journey Inward” của Earnest L. Tan)

Maria Trần



Bài viết khác

Một Người Cha Giống Như Thiên Chúa

“Con không muốn thông minh, không muốn làm người lịch sự. Con muốn giống như bố cơ!”. Một đứa trẻ 5 tuổi kiêu hãnh nói thế với mẹ của nó. Đối với nó, được giống bố là một điều hạnh phúc. Sau một quãng thời gian dài người ta lo định nghĩa về thế giới […]


Thắp sáng ước mơ

“Con ước mơ được đến trường như các bạn khác, con ước mơ ba mẹ con sẽ sống lại để ở với con, con ước mơ con ngoan ngoãn để mọi người được vui, con ước mơ con sẽ yêu Chúa thật nhiều, con ước mơ con sẽ đi tu như Sơ…”.


Các kiểu suy nghĩ vô ích

Nhiều lý do chúng ta trở thành những thập giá của nhau. Một trong những lý do đó là ta luôn mang trong mình những kiểu suy nghĩ vô ích làm ảnh hưởng rất lớn trong đời sống chung.


My unique self – Cái tôi duy nhất của tôi

Để biết về con người bạn thì hãy nghe những câu chuyện riêng tư của bạn - những ký ức trong quá khứ, những hy vọng trong tương lai và những khó khăn thử thách trong hiện tại.


Giáo dục và ươm mầm trẻ thơ

Giáo dục mầm non đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho trẻ em. Trách nhiệm giáo dục của thầy cô giáo là tạo sự khởi đầu cho sự phát triển toàn diện của trẻ.


“Nghề giáo” – “Nghiệp tu”

“Nghề giáo” tự thân gắn liền với ơn gọi thánh hiến. Không có việc phục vụ nào nằm ngoài mục tiêu giáo dục con người. “Một nghề phải chín, giỏi luôn chín nghề”, một trong chín, chín trong một mà chị em đều phải chín là “nghề giáo”.


Mặt nạ

“Mặt nạ được thiết kế một mặt để gây ấn tượng nhất định với người khác và mặt khác để che giấu bản chất thực sự của một cá nhân.”(Carl Jung) Mỗi người tự khoác lên cho mình chiếc mặt nạ, tự đánh mất bản chất thật, con người thật và nhất là hạnh phúc thật mà Thiên Chúa ban.