Tiếp Kiến Chung 9/10/2024 – ĐTC Phanxicô: Chúa Thánh Thần Mở Rộng Và Hiệp Nhất Giáo Hội

Ngày đăng: Tháng mười 10, 2024

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 9/10/2024, Đức Thánh Cha nhắc rằng sự hiệp nhất của cuộc sống, của Lễ Hiện Xuống, theo Chúa Thánh Thần, đạt được khi chúng ta cố gắng đặt Thiên Chúa, chứ không phải chính mình, vào trung tâm. Sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu cũng được xây dựng theo cách này: không phải bằng cách chờ đợi người khác đến với chúng ta ở nơi chúng ta đang ở, nhưng bằng cách cùng nhau hướng tới Chúa Kitô.

Trong bài giáo lý, Đức Thánh Cha quay lại với tường thuật về Lễ Hiện Xuống trong Sách Công Vụ Tông đồ, mô tả các Tông Đồ là những người “được đầy tràn Chúa Thánh Thần” và được sai đi để công bố Tin Mừng cho thế giới. Ngài nói rằng trong mọi thời đại, Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội trong sứ mạng ôm trọn mọi dân tộc trong sự hiệp nhất của Thân Thể Chúa Kitô. Do đó, có hai chuyển động: phổ quát và hiệp nhất. Một mặt, Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo hội cởi mở và đi ra để loan báo Tin Mừng cho mọi người, không phân biệt ai. Mặt khác, Người gắn kết cộng đồng lại với nhau một cách mật thiết xung quanh Chúa Kitô, “mối dây hiệp nhất”.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng việc đạt được và duy trì sự hiệp nhất trong Giáo hội, cũng như trong đời sống, không phải là điều dễ dàng, bởi vì dù rất muốn hiệp nhất nhưng chúng ta chỉ muốn bám giữ quan điểm riêng của mình và khiến cho sự hiệp nhất càng xa vời hơn. Ngài nhắc rằng sự hiệp nhất của cuộc sống, của Lễ Hiện Xuống, theo Chúa Thánh Thần, đạt được khi chúng ta cố gắng đặt Thiên Chúa, chứ không phải chính mình, vào trung tâm. 

Mở đầu buổi tiếp kiến, cộng đoàn cùng nghe đoạn sách Công vụ Tông đồ (11,15-17):

[Ông Phêrô nói:] “Tôi vừa mới bắt đầu nói, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên họ, như đã ngự xuống trên chúng ta lúc ban đầu. Tôi sực nhớ lại lời Chúa nói rằng: ‘Ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì sẽ được rửa trong Thánh Thần’. Vậy, nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa?”

Và Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý:

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong hành trình giáo lý về Chúa Thánh Thần và Giáo hội, hôm nay chúng ta đề cập đến Sách Công vụ Tông đồ.

Trình thuật Chúa Thánh Thần hiện xuống vào ngày Lễ Ngũ Tuần bắt đầu bằng việc mô tả một số dấu hiệu chuẩn bị – gió, sấm sét và các lưỡi lửa – nhưng kết thúc với một khẳng định: “Và tất cả đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần” (Cv 2,4). Thánh Luca -người viết sách Công vụ Tông đồ – nhấn mạnh rằng Chúa Thánh Thần là Đấng bảo đảm tính phổ quát  sự hiệp nhất của Giáo hội. Hiệu quả tức thì của việc được “đầy Thánh Thần” là các Tông đồ “bắt đầu nói các thứ tiếng khác” và rời Nhà Tiệc Ly để loan báo Chúa Giêsu Kitô cho đám đông (x. Cv 2,4tt).

Sứ mạng phổ quát của Giáo hội như dấu chỉ của sự hiệp nhất mới giữa mọi dân tộc

Khi làm như vậy, Thánh Luca muốn nêu bật sứ mạng phổ quát của Giáo hội, như dấu chỉ của sự hiệp nhất mới giữa mọi dân tộc. Chúng ta thấy Chúa Thánh Thần hoạt động cho sự hiệp nhất theo hai cách. Một mặt, Người thúc đẩy Giáo hội đi ra, để có thể chào đón nhiều người và dân tộc hơn; mặt khác, Người quy tụ Giáo hội với nhau để củng cố sự hiệp nhất đã đạt được. Người dạy Giáo hội mở rộng cách phổ quát và quy tụ lại trong sự hiệp nhất. Phổ quát và duy nhất là hai mầu nhiệm của Giáo hội.

Chuyển động đầu tiên trong hai chuyển động – tính phổ quát – diễn ra ở chương 10 sách Công vụ, trong câu chuyện ông Cornelio hoán cải. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông đồ đã công bố Chúa Kitô cho tất cả người Do Thái và những người tuân theo luật Môsê, bất kể họ thuộc dân tộc nào. Cần phải có một “Lễ Ngũ Tuần” khác, rất giống với lễ đầu tiên, lễ tại nhà của viên đại đội trưởng Cornelio, để khuyến khích các Tông đồ mở rộng chân trời và dỡ bỏ rào cản cuối cùng, rào cản giữa người Do Thái và dân ngoại (xem Cv 10-11).

Thêm vào sự mở rộng sắc tộc này là sự mở rộng về mặt địa lý. Thánh Phaolô – cũng trong sách Công Vụ Tông đồ (xem 16,6-10) – muốn loan báo Tin Mừng tại một vùng mới ở Tiểu Á; nhưng, theo sách Công vụ, “Chúa Thánh Thần đã ngăn cản ông”; ông muốn chuyển đến Bitinia “nhưng Thánh Thần của Chúa Giêsu không cho phép ông”. Ngay lập tức chúng ta tìm ra lý do dẫn đến những lệnh cấm đáng kinh ngạc này của Thánh Thần: đêm hôm sau, Tông đồ nhận được lệnh trong giấc mơ phải đi đến Makêđônia. Vì thế Tin Mừng đã rời bỏ quê hương Châu Á và tiến vào Châu Âu.

Chúa Thánh Thần tạo là “mối dây hiệp nhất”

Chuyển động thứ hai của Chúa Thánh Thần – Đấng tạo nên sự hiệp nhất – diễn ra ở chương 15 của Công vụ, trong diễn tiến của sự việc được gọi là Công đồng Giêrusalem. Vấn đề là làm thế nào để đảm bảo rằng tính phổ quát đạt được không làm tổn hại đến sự hiệp nhất của Giáo hội. Chúa Thánh Thần không phải lúc nào cũng mang lại sự hiệp nhất một cách bất ngờ, bằng những can thiệp kỳ diệu và dứt khoát, như vào Lễ Hiện Xuống. Người cũng thực hiện điều đó – và trong phần lớn các trường hợp – bằng công việc kín đáo, tôn trọng thời đại và sự khác biệt của con người, thông qua con người và các tổ chức, cầu nguyện và thảo luận. Theo cách thức mà chúng ta nói ngày nay – hiệp hành. Trên thực tế, điều này đã xảy ra tại Công đồng Giêrusalem về vấn đề các luật buộc của Luật Môsê áp dụng đối với những người ngoại giáo cải đạo. Giải pháp của Công đồng đã được công bố cho toàn thể Giáo hội bằng những lời nổi tiếng: “Chúa Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…” (Cv 15,28).

Thánh Augustinô giải thích sự hiệp nhất do Chúa Thánh Thần mang lại bằng một hình ảnh, đã trở thành kinh điển: “Linh hồn là gì đối với thân xác con người thì Chúa Thánh Thần là thế đối với thân thể Chúa Kitô, Giáo hội”. Hình ảnh giúp chúng ta hiểu được điều gì đó quan trọng. Chúa Thánh Thần không mang lại sự hiệp nhất của Giáo hội từ bên ngoài; Người không chỉ đơn giản ra lệnh cho chúng ta phải hiệp nhất. Chính Người là “mối dây hiệp nhất”. Chính Người tạo nên sự hiệp nhất của Giáo hội.

Hiệp nhất giữa con người không được thực hiện trên bàn ăn mà trong cuộc sống

Như thường lệ, chúng ta kết thúc bằng một suy nghĩ giúp chúng ta chuyển từ Giáo hội nói chung sang mỗi người chúng ta. Sự hiệp nhất của Giáo hội là sự hiệp nhất giữa con người và chúng ta không thực hiện trên bàn ăn mà trong cuộc sống. Tất cả chúng ta đều mong muốn sự hiệp nhất, tất cả chúng ta đều tha thiết mong muốn điều đó; tuy nhiên thật khó để đạt được điều đó, ngay cả trong hôn nhân và gia đình, sự hiệp nhất và hòa hợp là một trong những điều khó đạt được nhất và thậm chí duy trì nó còn khó hơn đạt được nó.

Đặt Thiên Chúa ở trung tâm

Lý do mà hiệp nhất là điều khó khăn với chúng ta là bởi vì ai cũng muốn tạo sự hiệp nhất nhưng xoay quanh quan điểm của riêng mình mà không nghĩ rằng người đang đối diện cũng nghĩ y như thế về quan điểm của “họ”. Bằng cách này, sự hiệp nhất chỉ đơn giản là ngày càng xa vời hơn. Sự hiệp nhất của cuộc sống, của Lễ Hiện Xuống, theo Chúa Thánh Thần, đạt được khi chúng ta cố gắng đặt Thiên Chúa, chứ không phải chính mình, vào trung tâm. Sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu cũng được xây dựng theo cách này: không phải bằng cách chờ đợi người khác đến với chúng ta ở nơi chúng ta đang ở, nhưng bằng cách cùng nhau hướng tới Chúa Kitô.

Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta trở thành khí cụ của sự hiệp nhất và hòa bình.

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

nguồn. Vatican News 



Bài viết khác

Mẹ Dâng Mình Và Sự Thánh Hiến Của Tất cả Chúng Ta (21.11.2024 Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên)

Sự kiện Đức Maria dâng mình trong Đền thánh từ tuổi rất sớm được đề cập trong một truyền thống bên ngoài Thánh Kinh qui điển, nhưng dựa trên sự thật nền tảng là Mẹ hoàn toàn THUỘC VỀ Thiên Chúa và thuộc về công cuộc của Thiên Chúa. Ngày nay, từ ngữ thường dùng […]


ĐTC Phanxicô Kêu Gọi G20 Hành Động Để Xóa Bỏ Nạn Đói Trên Thế Giới

Trong sứ điệp gửi đến tổng thống của Brazil, nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh G20 về hợp tác kinh tế quốc tế, Đức Thánh Cha kêu gọi những nỗ lực ngay lập tức và thống nhất để xóa bỏ nạn đói nghèo trên thế giới. Sứ điệp của Đức Thánh Cha được Đức […]


Đức Thánh Cha Yêu Cầu Giáo Hội Roma Giúp Giải Quyết Khủng Khoảng Nhà Ở

Đức Thánh Cha gửi thư cho các giáo xứ, tổ chức Công giáo và các dòng tu đang phục vụ tại Giáo phận Roma, mời họ mở các cơ sở hoặc căn hộ trống cho người vô gia cư như một “dấu hiệu hữu hình” của hy vọng cho người nghèo trong Năm Thánh 2025. […]


Đức Thánh Cha Mời Gọi Giới Trẻ Chỉ Ra Cho Thế Giới Niềm Hy Vọng Kitô Giáo Là Chính Chúa Giêsu

Thứ Bảy, ngày 16/11, Đức Thánh Cha tiếp kiến các thành viên Hội đồng Thanh niên Quốc gia Ý, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập. Ngài mời gọi họ loan báo niềm hy vọng Kitô giáo cho mọi người, đặc biệt giới trẻ, chỉ ra khuôn mặt và tên của niềm hy vọng này […]


ĐTC Phanxicô Khuyến Khích Chủng Sinh Tây Ban Nha Mang Hy Vọng Và An Ủi Cho Các Tù Nhân

Gặp gỡ các chủng sinh các giáo phận Pamplona, Tudela, San Sebastian, và Mẹ Đấng Cứu Chuộc của Tây Ban Nha vào sáng thứ Bảy ngày 16/11/2024, Đức Thánh Cha mời gọi họ hãy can đảm, vị tha và không mệt mỏi trong việc mang lại lòng thương xót mà Chúa đã quảng đại tuôn […]


Tiếp kiến chung 13/11 – ĐTC Phanxicô: Đức Mẹ Dẫn Chúng Ta Đến Với Chúa Giêsu

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 13/11/2024, tiếp tục suy tư về cách thế Chúa Thánh Thần hoạt động để thánh hóa Giáo hội, Đức Thánh Cha nhắc rằng ngoài Lời Chúa, các bí tích và lời cầu nguyện, Chúa Thánh Thần còn thánh hóa Giáo hội bằng […]


Các Giám Mục Hoa Kỳ Kêu Gọi “Bác Ái, Tôn Trọng Và Văn Minh” Sau Cuộc Bầu Cử Lịch Sử

Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ kêu gọi các chính trị gia và tất cả mọi người tôn trọng và cử xử văn minh, sau cuộc bầu cử lịch sử kết thúc với việc ông Donald Trump chiến thắng lần thứ hai làm tổng thống. Trong một tuyên bố, Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio, […]


Đức Thánh Cha Kêu Gọi Các Quốc Gia Phát Triển Có Trách Nhiệm “Nợ Sinh Thái”

Tham dự Hội nghị COP 29 của Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, tại ở Baku, Azerbaijan, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, đọc sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi tới sự kiện, trong đó nhắc lại lời kêu gọi […]


ĐTC Phanxicô Ban Hành Thông Điệp Thứ Tư, “Người Đã Yêu Thương Chúng Ta”

Ngày 24/10/2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Thông điệp thứ tư có tên “Dilexit nos” (Người đã yêu thương chúng ta). Thông điệp lược lại suy tư truyền thống và hiện tại “về tình yêu theo chiều kích con người và Thiên Chúa của trái tim Chúa Giêsu Kitô”, mời gọi chúng ta […]


ĐTC Phanxicô: Chúa Thánh Thần Giúp Chúng Ta Cầu Nguyện Bằng Trái Tim

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 6/11 Đức Thánh Cha đã suy tư về vai trò của Chúa Thánh Thần trong cầu nguyện. Ngài nói rằng Chúa Thánh Thần là “Đấng Phù Trợ”, cầu bầu trước Chúa Cha để chúng ta nếm hưởng niềm vui lòng thương xót […]


Thăm Đại Học Gregoriana, ĐTC Phanxicô Cảnh Giác Sự Hời Hợt Trong Đào Tạo Đức Tin

Thăm Đại học Giáo hoàng Gregoriana ở Roma vào sáng ngày 5/11/2024, Đức Thánh Cha cảnh giác các giảng viên và sinh viên tránh trở thành “môn đệ của linh đạo Coca-Cola”, cách nói ẩn dụ ám chỉ sự tiếp cận hời hợt đối với việc đào tạo đức tin. Đức Thánh Cha đặt câu […]


ĐTC Phanxicô: Giáo Hội Là Một Bệnh Viện Dã Chiến

Gặp gỡ các tham dự viên Cuộc Gặp gỡ quốc tế lần thứ ba của sáng kiến “Các Nhà thờ bệnh viện dã chiến” vào sáng ngày 4/11/2024, Đức Thánh Cha cảm ơn họ vì công việc giúp đỡ người nghèo và người bị gạt ra bên lề, đồng thời khuyến khích họ canh tân […]