Tiếng Gọi…
Ngày đăng: Tháng tám 27, 2024Vừa kết thúc phổ thông trung học, tôi có nhiều kế hoạch về những cuộc hành trình, tham quan và bao ước mơ hoài bão của tuổi trẻ thật sống động. Nhưng lạ thay, nơi tôi đã đặt chân đến thật khác lạ so với những kế hoạch ban đầu. Bởi đã có một ý tưởng khác lạ xuất hiện, dẫn tôi đến con đường mà tôi chưa từng nghĩ mình sẽ đặt chân đến. Cũng từ nơi ấy, từ sâu trong thâm tâm, tôi nghe có tiếng mời gọi “Hãy đến mà xem” (Ga 1,39). Chính tiếng gọi ấy đã thôi thúc tôi đi khám phá và nhận ra con đường mang tên Ơn Gọi Dâng Hiến đang chào đón tôi và tôi đã bước vào hành trình này.
Nhìn lại chặng đường ơn gọi của bản thân, đôi lúc tôi tự hỏi “Chúa gọi con sao!?”, bởi ngoài kia có biết bao người tài giỏi, am hiểu sâu rộng hơn tôi, thế mà tôi lại là sự lựa chọn của Ngài. Có lẽ câu trả lời chỉ có thể tìm thấy khi tôi xác tin rằng Chúa yêu tôi. Chúa gọi đơn giản là vì Chúa thương, cũng như cách mà xưa kia Chúa đã kêu gọi các tông đồ. Một người ngư phủ bình dị như Phê-rô, Ngài không nhìn vào vẻ ngoài tầm thường của Phê-rô, mà Chúa nhìn tâm hồn của ông. Một tâm hồn sẵn sàng đáp trả lời mời của Chúa. “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19), lời mời gọi về cuộc hành trình phiêu lưu, bất định phía trước. Tuy nhiên, trong cái bất định ấy, Chúa lại thấy được một tình thần nhiệt huyết, dám từ bỏ những thứ đã gắn liền với cuộc sống mưu sinh hàng ngày của ông.
Hay một người bị xem là tội lỗi như Mát-thêu, cái nghề thu thuế đã khiến ông chịu sự khinh bỉ của người đời. Một con người bị xã hội xa lánh như thế, mà Chúa lại tìm đến. Thử hỏi trong đám đông ấy có biết bao người tốt hơn ông, nhưng tại sao Chúa lại chọn một người thu thuế? Vì Chúa dành tình yêu cho tất cả mọi người với một tình yêu cá vị. Chỉ với một câu nói ngắn gọn “Anh hãy theo tôi” (Mc 2, 14), Mát-thêu đã từ bỏ trạm thu thuế, từ bỏ cuộc sống ổn định, đầy đủ vật chất để bước theo chân Chúa. Mát-thêu hẳn khao khát Chúa, bởi chỉ có Người mới có thể lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn ông, cho ông chạm đến cảm giác được yêu là thế nào. Khi đã có trong mình tình yêu, các tông đồ hoàn toàn đặt mọi sự tin tưởng nơi Chúa. Không một lời than vãn, cũng không một lời thắc mắc về quyền lợi của bản thân, bởi giờ đây các ông biết rằng giá trị của đời mình là chính Chúa.
Tình yêu của Chúa còn được ví von, so sánh như tình thương của một người cha nhân từ dành cho đứa con của mình. Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh ấy được nhắc lại trong Tin Mừng của Thánh Lu-ca. Hình ảnh người cha nhân hậu được sử dụng nhằm nhấn mạnh Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Qua câu truyện dụ ngôn, ta bắt gặp hình ảnh người cha luôn tôn trọng sự tự do của người con. Mặc dù đang sống trong một gia đình rất đầy đủ, hạnh phúc, người con thứ lại không cảm thấy mình thuộc về ngôi nhà ấy, những thu hút của thế giới bên ngoài đã kéo anh ta xa khỏi vòng tay yêu thương của cha. Trái lại với hành động thiếu tình thương của người con là thái độ sẵn sàng chờ đợi và tràn ngập hy vọng của vị cha già, vì thế “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy.” (Lc 15, 20). Tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người cũng như vậy. Ngài không bận tâm đến lý do quay trở về của chúng ta là gì, điều Người quan tâm là chúng ta được ở trong tình thương của Ngài
Qua các trang Tin Mừng, tôi nhận ra tình yêu Chúa dành cho tôi thật đặc biệt. Chính tình thương ấy làm cho tôi trở nên có giá trị. Giá trị của tình yêu mang lại cho hành trình ơn gọi của tôi thêm sức sống. Bức tranh về tuổi hai mươi của tôi thật đẹp khi có sự hiện diện của Chúa. Màu hồng của tình yêu Thiên Chúa khiến lòng tôi rạo rực và hạnh phúc.
Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì đã đến và làm cho đời con trở nên ý nghĩa. Được làm người và làm con Chúa là món quà hồng phúc Chúa dành tặng con. Dẫu cho đôi lúc đời sống con chưa thực sự phản chiếu hình ảnh của Chúa, nhưng với tình yêu của Ngài, con vẫn tin và hy vọng vào những cơ hội Chúa luôn mở ra cho con để con được tiến bước đến gần Ngài hơn. Xin cho con thêm lòng yêu mến Chúa, yêu mến tha nhân và biết cảm tạ Chúa qua từng ngày sống như Thánh Vịnh 106:
“Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”
Anna Thúy Hằng