Thoáng Nhìn Người Nữ Tu Mến Thánh Giá

Ngày đăng: Tháng Chín 12, 2022

Theo tinh thần của Đấng Sáng Lập là Đức Cha Lambert de la Motte, lối đi của người nữ tu Mến Thánh Giá là đạt tới giá trị thâm sâu với Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh. Họ được mời gọi sống giá trị của Tin Mừng cách triệt để, trong vai trò trung gian chuyển cầu nơi nguyện đường vào trong cuộc sống. Hay nói cách khác, đời sống của người nữ tu Mến Thánh Giá đạt tới sự hiểu biết yêu mến Chúa Giêsu, noi theo cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người, sống tinh thần của khổ chế và tháp nhập đời mình trong tình yêu với Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh.

1. Người nữ tu Mến Thánh Giá đạt tới sự hiểu biết, yêu mến Chúa Giêsu

Người nữ tu Mến Thánh Giá bước theo Đức Kitô trong hành trình huấn luyện theo linh đạo Mến Thánh Giá, giúp họ đạt tới sự hiểu biết, yêu mến và hiến thân trọn vẹn cho Chúa Giêsu Kitô. Người nữ tu Mến Thánh Giá cũng được mời gọi sống tinh thần chuyên chú suy niệm tưởng nhớ và noi theo cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người[1]. Qua đó, người nữ tu Mến Thánh Giá làm sáng lên giá trị ở lại với Chúa Giêsu theo đúng đường lối của Tin Mừng: “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người” (Mc 3,14a). Người nữ tu Mến Thánh Giá bước theo Đức Kitô là “đến và ở” với Người, lắng nghe và sống bằng giáo huấn, gương sáng và sự sống của Chúa Giêsu Kitô.

Đồng thời họ được Người sai đi tiếp nối sứ mạng cứu thế. Chính Chúa Thánh Thần khơi dậy trong nội tâm mỗi người khả năng cảm nhận và đáp lại tiếng gọi huyền nhiệm ấy. Như thế, “việc dấn thân của người nữ tu Mến Thánh Giá là hành vi đáp trả đầy tình cảm mến đối với lòng nhân hậu của Chúa Cha, ơn tuyển chọn của Đức Kitô và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trên con đường trọn lành của đời sống tu trì[2], với mục đích mang lại lợi ích cho tha nhân, Giáo Hội cũng như xã hội.

Người nữ tu Mến Thánh Giá đi vào trong lộ trình huấn luyện làm môn đệ Chúa Giêsu, họ được mời gọi chiêm ngắm Thập Giá Chúa Giêsu cách liên lỷ, để đạt tới sự hiểu biết, yêu mến, và noi theo cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người. Điều này đồng nghĩa với việc người nữ tu Mến Thánh Giá can đảm bước vào lối sống họa lại dung mạo của Đức Kitô trong suốt cuộc đời trần thế. Cuối cùng, người nữ tu Mến Thánh Giá theo Đức Kitô đi vào mầu nhiệm Thập Giá, mầu nhiệm hủy mình ra không.

2. Người nữ tu Mến Thánh Giá noi theo cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người

Người nữ tu Mến Thánh Giá được mời gọi noi theo cuộc đời lữ thứ của Chúa Giêsu, nghĩa là người nữ tu Mến Thánh Giá mang chính sứ điệp của Chúa Giêsu vào trong cuộc sống của họ. Chính điều này mời gọi người nữ tu Mến Thánh Giá: Kết hợp mật thiết với Chúa Kitô, nên một với Người trong cuộc sống, trong suy tư, phán đoán và hành động. Sự nên một trong Đức Kitô đã được Thánh Phaolô Tông Đồ trong thư gửi giáo đoàn Gl 2,20 có viết: “Tôi sống không phải là tôi sống mà chính Đức Kitô sống trong tôi”.

Cuộc sống của người nữ tu Mến Thánh Giá còn cho thấy Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện giữa nhân loại. Hơn nữa, linh đạo Mến Thánh Giá mời gọi người nữ tu Mến Thánh Giá noi theo cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người là trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô đau khổ “Assmilatio Coformativa” nghĩa là trở nên một với Người để cho Người sống trong ta và ta chỉ còn sống bằng giáo huấn gương sáng và sự sống của Người[3].

3. Người nữ tu Mến Thánh Giá sống tinh thần khổ chế

Đức Cha Lambert trong chiệm niệm mầu nhiệm Thập Giá Chúa Giêsu, đã nhận ra đời sống người nữ tu kết hợp với Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh phải mang tinh thần từ bỏ: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34). Hay nói khác, người nữ tu Mến Thánh Giá sống giá trị khổ chế trong cuộc sống thường ngày. Theo Giáo huấn của Đức Cha: “khổ chế biểu hiện tình yêu thực tiễn đối với Thánh Giá Con Thiên Chúa, tình yêu này là hữu hiệu của một tình yêu dành cho Đức Kitô Chịu Đóng Đinh, khổ chế mang tính cách tự nguyện nhằm mục đích thông phần Thập Giá Đức Giêsu, bằng sự vất vả, đau đớn bên ngoài và tâm tình vâng phục bên trong đối với Thánh Ý Chúa Cha”[4].

4. Người nữ tu Mến Thánh Giá yêu mến Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh

Người nữ tu Mến Thánh Giá sống lại kinh nghiệm về Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, can đảm bước vào con đường Thập Giá của Chúa Giêsu, đón nhận Thập Giá đời mình. Người nữ tu Mến Thánh Giá chỉ khi yêu Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh mới cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa dành cho con người qua con đường Thập Giá. Nhờ sức mạnh của Thập Giá, người nữ tu can đảm bước theo sát Chúa Giêsu trên đường Thánh Giá, cùng với Người hiến thân phục vụ Thiên Chúa Cha và anh chị em đồng loại. Vì thế, người nữ tu Mến Thánh Giá phải thấm đẫm mầu nhiệm Thập Giá trong chiêm niệm, họ sẽ can đảm bước theo Đức Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí họ.

Như vậy, người nữ tu Mến Thánh Giá sống tình yêu thực tiễn dành cho Đức Kitô Chịu Đóng Đinh. Người nữ tu Mến Thánh được mời gọi ở lại với Chúa Giêsu trong nấc thang chiêm niệm mầu nhiệm Thập Giá. Kinh nghiệm mầu nhiệm Thập Giá sẽ giúp cho người nữ tu Mến Thánh Giá can đảm hăng say rao giảng Tin Mừng bằng tình yêu của Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh trong phó thác và tin yêu. Từ đó, người nữ tu Mến Thánh Giá cảm thấy được thúc đẩy để vui mừng kêu lên như thánh Phaolô: “Ước gì tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).

Maria Phạm Trang

TÀI LIỆU THAM KHẢO

ĐÀO QUANG TOẢN, Đặc Sủng Dòng Mến Thánh Giá.  
NHÓM NGHIÊN CỨU LINH ĐẠO MẾN THÁNH GIÁ, Hiến Chương Bảy Hội Dòng Mến Thánh GTổng Giáo Phận Thành Phố HC Minh, 2000.  
NHÓM NGHIÊN CỨU LINH ĐẠO MẾN THÁNH GIÁ, Tuyển Tập Bút Tích [Di Cảo] Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, 2017.  

[1] Tuyển tập bút tích của Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, 28:  “Mục đích của Tu hội này là đặc biệt chuyên chú tưởng nhớ và noi theo cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô mỗi ngày như phương thế thuận lợi để đạt tới sự hiểu biết và yêu mến Người”.

[2] Hiến Chương Bảy Hội Dòng Mến Thánh Giá, số12

[3] Bức tâm thư của Đức Cha Lambert de la Motte gửi hai nữ tu đầu tiên: “Ơn gọi của các con thật là cao cả và các con đã chết đi đối với thế gian, nghĩa là đối với giác quan, bản tính tự nhiên và lý trí người đời để từ nay chỉ còn sống bằng giáo huấn, gương sáng và sự sống của Chúa Giêsu Kitô”.

[4] Hiến Chương Bảy Hội Dòng Mến Thánh Giá, số 65



Bài viết khác

Suy Niệm Lễ Suy Tôn Thánh Giá

Một Giêsu trần trụi bị treo trên cây thánh giá với những vết thương bị đâm thâu. Trên thánh giá, Chúa Giêsu biểu lộ tình yêu tự hiến để cứu nhân loại khỏi sự chết, mang lại sự sống đời đời cho con người. Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã trao ban tất cả, tha thứ tất cả cho nhân loại. Thánh Giá Chúa Giêsu chính là tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại.


Suy Niệm Lễ Suy Tôn Thánh Giá

Trong muôn vàn cây thập giá, nhưng chỉ có một cây được trở thành Thánh Giá. Có muôn vàn cái chết treo trên khổ hình thập giá, như chỉ có một cái chết của Người “mang hiện thân của tội” là sinh ơn cứu độ.


Hành động yêu thương của bà Vêrônica đã đánh động lòng tôi

Tôi hiện tại có là một “Vêrônica” của Chúa? Mối tương quan của tôi với Giêsu, tình yêu của tôi dành cho Ngài thế nào?


Biểu tượng Thánh Giá

Nhìn lên Thánh Giá bạn thấy gì? Câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng khi đặt Thánh Giá làm tâm điểm đời mình thì khi nhìn lên Thánh Giá bạn thấy gì?


Những vết đinh

Những vết “sẹo” của những chiếc đinh là những khuyết điểm nhắc nhở tôi về giới hạn trong quá khứ, cũng như tình thương mình được đón nhận từ Thiên Chúa và người khác.


Đóng đinh Chúa vào thập giá

Tôi nghĩ về “cái tôi” của mình, “cái tôi” ấy chính là những lời hô hoán, gào thét đóng đinh Chúa mình vào thập giá.


Ý nghĩa của Thánh Giá

Thánh giá mang ý nghĩa của sự thinh lặng, là sức mạnh trong sự yếu đuối, là tình yêu phi thường, là niềm vinh dự…


Con đường thập giá người môn đệ (Mc 10, 25-45)

Người môn đệ được mời gọi theo sát Chúa Kitô: “Sequela Christi” trong hành trình dâng hiến, họ cảm nhận được hạnh phúc vì đời sống của họ đang trở nên giống Chúa hơn.


Suy niệm Đàng Thánh Giá

Chúng con cùng nhau suy ngắm lại, chặng đường Thánh Gía của Đức Giêsu Kitô con Cha. Xin cho chúng con được đi vào cuộc khổ nạn của Người, được hội nhập vào cuộc khổ nạn của Nhiệm thể Người, đang hiện thực chung quanh chúng con.


Thánh Giá Chúa – Thập Giá đời

Thánh Giá Chúa Giêsu - Một biểu tượng dường như trở nên quá quen thuộc trong thế giới hôm nay: Cây thánh giá xuất hiện trên đỉnh các ngôi thánh đường như dấu hiệu của niềm tin, thánh giá được mang trên cổ để tỏ lòng tôn kính và yêu mến. Thánh giá hiện diện nơi bàn thờ mỗi gia đình Công giáo, và đặc biệt dấu thánh giá được ghi lên thân thể của Kitô hữu như một bảo chứng về sự hiện diện của Chúa ở giữa Dân Ngài.