Suy Niệm Lễ Suy Tôn Thánh Giá

Ngày đăng: Tháng Chín 13, 2022

 THÁNH GIÁ – NGUỒN ƠN CỨU ĐỘ Mary Nguyễn

Chúa nói cùng Nicôđêmô“Cũng như Môsê treo con rắn trong sa mạc thế nào, thì Con Người cùng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người thì không bị tiêu diệt muôn đời.”Đó là lời tiên báo cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh giá và nhờ Ngài ơn cứu độ được ban cho nhân loại.

Để cứu độ con người, Chúa Giêsu đã tự hạ mình mà vâng lời, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, một cái chết đau thương, nhục nhã trên thập giá. Chúa bằng lòng trở thành tội nhân để chúng ta được sống như lời thánh Phaolô: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.”(2Cr 5,21)

Để cứu con người khỏi phải chết do tội lỗi gây nên, Thiên Chúa đã để Con Một của mình trở nên hiện thân của tội lỗi, bị treo cao trên Thập Giá, để mỗi khi con người phạm tội, khi họ ý thức thân phận yếu đuối của mình, họ biết nhìn lên Đấng vì họ mà chịu treo trên đó với lòng tin tưởng, thì họ sẽ được cứu.

Trong muôn vàn cây thập giá, nhưng chỉ có một cây được trở thành Thánh Giá. Có muôn vàn cái chết treo trên khổ hình thập giá, như chỉ có một cái chết của Người “mang hiện thân của tội” là sinh ơn cứu độ. Thập giá đã trở thành Thánh giá khi nó mang trên mình thân xác của Đấng Toàn Năng chịu hủy mình để gánh tội trần gian. Án phạt của Đấng Công Chính lại trở nên niềm hy vọng ơn cứu rỗi cho tội nhân. Sự chết của Đấng Hằng Sống trở thành nguồn sống mới cho những kẻ phải chết. Nhục hình của Đấng Vinh Quang đã trở nên niềm tự hào của những người “điên rồ” vì Thập giá.

Chúa đã không chọn một cách nào khác nhẹ nhàng hơn, dễ thực hiện hơn khổ hình Thập giá để hoàn tất chương trình cứu độ. Chúa cũng không cất tội lỗi khỏi thế gian để con người khỏi phạm tội và khỏi phải chết. Chúa không làm thế, vì tôn trọng sự tự do của chúng con. Chúa chọn phương thế treo“hiện thân của tội” trên thập giá, để nhắc cho chúng con về sự yếu đuối, mỏng dòn của chúng con trước sự dữ. Thánh giá sinh ơn cứu độ bởi lòng tin. Chúa ở trên đó, giữa trời và đất, Chúa ở một tầm nhìn đủ cao để chúng con có thể ngước lên và hy vọng, để khi nhìn lên Thánh Giá với lòng tin tưởng, chúng con được cứu.

Lạy Chúa! Chúa đã chịu treo giữa trời đã bao năm nay rồi, đã có bao ánh mắt nhìn lên Thánh Giá Chúa, nhưng đâu phải ánh mắt nào cũng biểu lộ niềm tin? Đâu phải ánh mắt nào cũng diễn tả niềm hy vọng được cứu? Đâu phải ánh mắt nào cũng mang lại cho con người sự sống vĩnh cửu? Có những ánh mắt hờ hững, dửng dưng, vô cảm, vô hồn. Có những ánh mắt đầy mỉa mai, khinh khi, nhục mạ. Có những ánh mắt hiếu kỳ, dò xét, kiếm tìm một dấu lạ nào đó. Cũng không thiếu những ánh mắt như thách thức, đầy cứng cỏi. Xin cho chúng con biết nhìn lên thánh giá Chúa với hy vọng và tín thác: Qua đau khổ tới vinh quang; qua khó khăn, thử thách sẽ là ánh sáng của niềm vui và bình an. Đặc biệt, chúng con biết đón nhận thánh giá trong cuộc đời như một món quà tình yêu và lòng trung thành chúng con dâng lên cho Chúa.

SUY TÔN TÌNH YÊU – Maria Thanh Hằng

Tình yêu là điều tốt đẹp, vì nó mang lại hạnh phúc cho con người! Như thế thì trong đau khổ có tình yêu chăng? Tình yêu, hạnh phúc tùy thuộc cảm nghiệm riêng của mỗi người. Chúa Giêsu đã đón nhận đau khổ với niềm hạnh phúc vì thi hành thánh ý Chúa Cha và mang ơn cứu độ cho nhân loại.

Ai trong chúng ta cũng đã từng nhận “món quà” do ai đó trao tặng. Món quà dù có giá trị lớn hay nhỏ cũng đều mang ý nghĩa. Quan trọng là người nhận cảm nghiệm được giá trị của món quà ấy như thế nào! “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người” (Ga 3,16). Như thế, tình yêu lớn hơn tất cả, phủ lấp mọi lỗi lầm, yếu đuối, giới hạn của phận làm người… Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người là vô tận. Đó cũng là món quà quý giá nhất mà Thiên Chúa đã trao ban cho con người. Thế nhưng, không phải dễ dàng để con người có thể cảm nghiệm món quà tình yêu của Thiên Chúa ngang qua biến cố Thập giá.

Tất cả những gì chúng ta thấy nơi Chúa Giêsu đều không phải là vinh quang trần thế: bị kết án tử, bị khạc nhổ, bị nhạo báng, bị chê cười… Chỉ vì yêu nhân loại mà Chúa Giêsu đã đón nhận Thập giá.

Chính nhờ cái chết trên Thập giá mà Chúa tỏ bày tình yêu vô bờ bến dành cho chúng ta. Còn chúng ta thường sợ và tránh né thập giá trong cuộc đời vì Thập giá mang lại đau khổ, thua thiệt. Chúng ta thường tìm kiếm, mong ước điều tốt đẹp: tri thức, của cải vất chất, danh lợi… Còn Thánh Phaolô đã quả quyết “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hylạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1:22-23).

Thánh Phaolô đã cảm nghiệm tình yêu của Chúa qua Thập giá. Vì thế, hình ảnh Chúa Giêsu trần trụi, đầu đội mão gai, toàn thân là những vết roi đòn, chân tay bị đóng đinh, cạnh sườn bị đâm thâu… lại là niềm hãnh diện của ngài “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài Thập Giá của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Gl 6,14). Nếu không có đôi mắt Đức tin và cảm nghiệm sâu sắc về Chúa thì chúng ta chỉ thấy những điều bên ngoài mà không nhận ra tình yêu và ý nghĩa Thập giá của Đức Giêsu.

Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8). Hành trình lên đồi Canvê của Chúa Giêsu: chỉ toàn là nước mắt, mồ hôi pha lẫn máu… với thân xác rã rời, quỵ ngã nhưng Ngài không buông xuôi, tiếp tục trỗi dậy để đi hết hành trình mà Chúa Cha muốn. Tại sao Ngài không xin Cha ban cho Ngài sức mạnh? Hay điều gì khác giúp Ngài vượt qua đau khổ lúc này? Phải chăng chính tình yêu dành cho Chúa Cha và nhân loại chúng con là sức mạnh của Ngài sao? Ngài cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy cậy dựa vào Ngài làm nguồn sức mạnh để vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc đời.

Trên thập giá, Chúa Giêsu đã xin với Chúa Cha “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm…” (Lc 23, 34). Trong trái tim Chúa Giêsu, tình yêu lớn mạnh đến nỗi không có chỗ cho hận thù hiện diện. Chính vì thế, Thập giá trở thành Thánh giá, mang lại ơn cứu độ cho chúng con. Qua biến cố Thập giá, Chúa Giêsu cũng mong muốn chúng ta biết đối xử với nhau bằng tình yêu, biết đón nhận và quảng đại tha thứ cho nhau.

Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Chúng con tạ ơn Cha, vì yêu thương chúng con nên Cha đã trao ban chính Con Một để cứu nhân loại dù chúng con tội lỗi và không xứng đáng. Lạy Chúa Giêsu, chúng con thờ lạy và chúc tụng Chúa, vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc trần gian. Xin cho chúng con biết hướng trọn lòng trí vào Ngài để chúng con có đủ sức mạnh bước đi cùng Chúa trên con đường Thánh giá. Chúng con xin dâng lên Chúa anh chị em chưa nhận biết Chúa và các tín hữu sống xa lìa Thiên Chúa. Xin cho họ nhận ra sự hiện diện và tình thương của Chúa trong cuộc đời họ.

THƠ: TÌNH YÊU THÁNH GIÁ – Anna Nguyễn Thị Đào

Con nay ngước mắt ngắm nhìn,

Lên cây Thánh giá, thập hình năm xưa.

Canvê đồi vắng nắng mưa,

Trên cây Thập giá mang Vua đất trời.

Khổ hình ngày ấy trên đồi,

Hôm nay thập tự rạng ngời hiển linh.

Xưa là khổ giá thập hình,

Nay là vinh dự hành trình tình yêu.

Thân mình Đức Chúa cao siêu,

Hy sinh xóa bỏ bao nhiêu tội tình.

Kính chào Thánh giá quang vinh,

Hát mừng mầu nhiệm Thiên linh huy hoàng.

Xưa mang Thánh thể cao sang,

Nay nên cao trọng vững vàng trổ hoa.

Cho toàn nhân thế an hòa,

Hướng lên Thánh giá ngợi ca hát mừng.

Đoàn con nguyện mãi tín trung,

Theo cờ Thập giá: Tin Mừng vang xa.

Đoàn con Mến Thánh Giá hoan ca,

Dâng Thầy Chí Thánh chính là tình yêu.



Bài viết khác

Suy Niệm Lễ Suy Tôn Thánh Giá

Một Giêsu trần trụi bị treo trên cây thánh giá với những vết thương bị đâm thâu. Trên thánh giá, Chúa Giêsu biểu lộ tình yêu tự hiến để cứu nhân loại khỏi sự chết, mang lại sự sống đời đời cho con người. Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã trao ban tất cả, tha thứ tất cả cho nhân loại. Thánh Giá Chúa Giêsu chính là tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại.


Thoáng Nhìn Người Nữ Tu Mến Thánh Giá

Theo tinh thần của Đấng Sáng Lập là Đức Cha Lambert de la Motte, lối đi của người nữ tu Mến Thánh Giá là đạt tới giá trị thâm sâu với Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh. Họ được mời gọi sống giá trị của Tin Mừng cách triệt để, trong vai trò trung gian chuyển cầu nơi nguyện đường vào trong cuộc sống.


Hành động yêu thương của bà Vêrônica đã đánh động lòng tôi

Tôi hiện tại có là một “Vêrônica” của Chúa? Mối tương quan của tôi với Giêsu, tình yêu của tôi dành cho Ngài thế nào?


Biểu tượng Thánh Giá

Nhìn lên Thánh Giá bạn thấy gì? Câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng khi đặt Thánh Giá làm tâm điểm đời mình thì khi nhìn lên Thánh Giá bạn thấy gì?


Những vết đinh

Những vết “sẹo” của những chiếc đinh là những khuyết điểm nhắc nhở tôi về giới hạn trong quá khứ, cũng như tình thương mình được đón nhận từ Thiên Chúa và người khác.


Đóng đinh Chúa vào thập giá

Tôi nghĩ về “cái tôi” của mình, “cái tôi” ấy chính là những lời hô hoán, gào thét đóng đinh Chúa mình vào thập giá.


Ý nghĩa của Thánh Giá

Thánh giá mang ý nghĩa của sự thinh lặng, là sức mạnh trong sự yếu đuối, là tình yêu phi thường, là niềm vinh dự…


Con đường thập giá người môn đệ (Mc 10, 25-45)

Người môn đệ được mời gọi theo sát Chúa Kitô: “Sequela Christi” trong hành trình dâng hiến, họ cảm nhận được hạnh phúc vì đời sống của họ đang trở nên giống Chúa hơn.


Suy niệm Đàng Thánh Giá

Chúng con cùng nhau suy ngắm lại, chặng đường Thánh Gía của Đức Giêsu Kitô con Cha. Xin cho chúng con được đi vào cuộc khổ nạn của Người, được hội nhập vào cuộc khổ nạn của Nhiệm thể Người, đang hiện thực chung quanh chúng con.


Thánh Giá Chúa – Thập Giá đời

Thánh Giá Chúa Giêsu - Một biểu tượng dường như trở nên quá quen thuộc trong thế giới hôm nay: Cây thánh giá xuất hiện trên đỉnh các ngôi thánh đường như dấu hiệu của niềm tin, thánh giá được mang trên cổ để tỏ lòng tôn kính và yêu mến. Thánh giá hiện diện nơi bàn thờ mỗi gia đình Công giáo, và đặc biệt dấu thánh giá được ghi lên thân thể của Kitô hữu như một bảo chứng về sự hiện diện của Chúa ở giữa Dân Ngài.