Suy Niệm Chúa Nhật VII Thường Niên, Năm C
Ngày đăng: Tháng 2 22, 2025Thương Xót Như Chúa Cha – Yêu Kẻ Thù – Lm. Lê Công Đức
Vua Saolê căm phẫn và hùng hổ săn đuổi để giết Đavit. Nhưng hết lần này đến lần khác, Saolê khinh suất và rơi vào tình huống có thể bị Đavit xuống tay lấy mạng nhà vua cách dễ dàng. Nhưng cũng hết lần này đến lần khác, Đavit đã không xuống tay, mà quyết định tha mạng cho Saolê, vì lòng kính Chúa và do đó tôn trọng người mà Chúa đã chọn: “Hôm nay Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay giết đấng được Chúa xức dầu”.(x.1Sm 26,2.7-9.12-13.22-23).
Câu chuyện cảm động nói trên khắc hoạ nghĩa khí và lòng hào hiệp của Đavit, đồng thời là một dẫn nhập vào giáo huấn triệt để của Chúa Giêsu về tha thứ và yêu kẻ thù. “Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của mình, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong… Hãy thương xót như Cha anh em là Đấng thương xót… Hãy tha thứ, thì anh em sẽ được tha thứ…” (x. Lc 6, 27-38).
Không chỉ là chịu đựng, bỏ qua, tha thứ cho kẻ thù, mà còn là YÊU kẻ thù! Đây mới là đặc trưng KITÔ GIÁO! Và tinh thần này mãi mãi còn gây dị ứng cho người ta, ngay cả đối với nhiều người chúng ta mang danh nghĩa ‘có đạo’ đã lâu đời… Yêu kẻ thù, vì cốt lõi của Kitô giáo là lòng thương xót: Thương xót như Chúa Cha! (Misericordes sicut Pater!)…
Thương xót luôn luôn, mà lại là ‘thương xót như Chúa Cha’, đến mức… yêu kẻ thù! Đạo của chúng ta là loại đạo như thế. Vì vậy, nếu thật sự sống ĐẠO này, chúng ta sẽ bị coi là ‘người cõi trên’, không thực tế, thiếu ‘khôn ngoan’; chúng ta sẽ bị bĩu môi, bị nhún vai, bị coi là điên rồ, ngu ngốc…
Mà cách nào đó, sống đạo ‘thương xót như Chúa Cha’ và ‘yêu kẻ thù’ thì chúng ta cũng là ‘người cõi trên’ thật – theo nghĩa rằng chúng ta không còn thuộc ‘Ađam đầu tiên’, mà đã mang hình ảnh của ‘Ađam cuối cùng’ là Đức Kitô, Đấng từ trời mà đến và trao cho chúng ta ‘Thần khí sự sống’. Như lời thánh Phaolô: “Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến’ (x. 1Cr 15,45-49)…
Sứ điệp Kitô giáo, cách riêng giáo huấn xã hội của Giáo hội, vì thế, dễ bị thấy là lạc lõng, kỳ dị, khó chấp nhận đối với đám đông. Thông điệp Fratelli tutti là một ví dụ thời sự trong thời chúng ta, trong đó Đức thánh cha trình bày về phẩm giá con người, về tình huynh đệ phổ quát, về sự vô nghĩa của án tử hình và của cái gọi là ‘chiến tranh chính đáng’, về bác ái chính trị, về tính phi nhân của nền kinh tế thị trường tự do VÔ giới hạn, về sự thiển cận và lừa lọc của chủ nghĩa dân tộc/dân tuý cực đoan, về quyền tư hữu phải được định hướng phục vụ thiện ích chung, và nhất là về nghĩa vụ tiếp đón di dân… Đành rằng một số vấn đề này rất phức tạp, cần dày công nghiên cứu để có những cách ứng xử thích đáng trong thực tế, nhưng tinh thần cốt lõi của Kitô giáo thì đã quá rõ ràng cho việc xác lập những nền tảng. Thế nhưng, thật đáng buồn khi ta đang chứng kiến những làn sóng dư luận công kích chính những giáo huấn rõ ràng ấy, trong đó bao gồm không ít người là Kitô hữu!
Bởi lối sống của chúng ta, dù mang danh Kitô hữu’ nhưng không đặt nền trên lòng ‘thương xót như Chúa Cha’ và ‘yêu kẻ thù’! Bởi chúng ta chưa thật ý thức rằng chính mình được Cha trên trời thương xót và tha thứ vô điều kiện và vô giới hạn! Lời Thánh vịnh 102 (Đáp ca) nhắc nhở chúng ta sự thật này về Thiên Chúa và về chính mình: “Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo tội lỗi của chúng tôi”!
Hãy Tha Thứ – Anna Trần Hằng
Bài Tin Mừng Chúa Nhật VII Thường niên hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta bài học về sự tha thứ. Ngài mời gọi chúng ta hãy tha thứ cho kẻ thù, yêu thương và cầu nguyện cho họ.
Chúa Giêsu đã nêu gương cho ta về sự tha thứ bằng chính cuộc sống và cái chết của Ngài. Chính trên Thập giá Ngài đã tha thứ và cầu nguyện cho những kẻ đã làm hại Ngài, sỉ nhục và gây đau đớn cho Ngài. “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biệt việc họ làm” (Lc 23,34). Ngài tha thứ cho những người “bạn hữu” đã chối bỏ Ngài. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu đã dùng chính mạng sống mình để xóa bỏ mọi tội lỗi và hòa giải con người với Chúa Cha. Ngài vẫn luôn yêu thương và tha thứ dù cho con người còn bất trung với tình yêu của Ngài.
Trong cuộc sống, chúng ta khó tha thứ cho người có lỗi với ta, làm hại ta, gây cho ta sự đau khổ. Những tổn thương khiến ta dễ khép mình lại và tạo nên những bức tường ngăn cách ta với họ. Thay vì một thái độ khoan dung và tha thứ, ta dễ dàng có thái độ oán trách, giận hờn, thành kiến hay né tránh.
Vậy ta cần phải có thái độ nào đối với những người xúc phạm đến ta? Điều duy nhất ta có thể làm là thay đổi chính mình, đón nhận đau khổ và tha thứ. Chính sự tha thứ là liều thuốc duy nhất để chữa lành mọi tổn thương. Đó cũng chính là chìa khóa giải thoát ta khỏi căn phòng tăm tối của sự thù hận, đem lại cho ta bình an trong tâm hồn và giúp ta mở ra với thế giới xung quanh với những điều mới mẻ tốt đẹp trong cuộc sống. Tuy nhiên, Tha thứ là điều không hề dễ, nhưng ta có thể làm được điều đó khi ta chạm tới được lòng thương xót của Thiên Chúa, khi ta cảm nghiệm được tình yêu của Ngài bao phủ trên cuộc đời ta. Tình yêu của Chúa tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả và hy vọng tất cả. Tình yêu ấy có khả năng tha thứ hoàn toàn và đón nhận cả những kẻ giết mình.
Tất cả chúng ta đều trải qua đau khổ trong cuộc đời, ai cũng từng bị tổn thương và ai cũng từng làm tổn thương người khác. Vì thế, ta cần phải tha thứ và cần được tha thứ. Chúng ta hãy tha thứ vì chính chúng ta đã được Thiên Chúa tha thứ. Đó cũng chính là món quà ý nghĩa và giá trị nhất mà chúng ta cần trao tặng cho nhau trong thế giới ngày hôm nay. Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương tất cả nhân loại đầy tội lỗi bằng tình yêu lớn nhất. Xin cho mỗi người chúng con cảm nhận được tình yêu của Chúa để chúng con cũng biết yêu thương và tha thứ cho tha nhân như chính Chúa yêu con. Nhờ đó, mọi người nhận ra chúng con là môn đệ của Chúa khi chúng con yêu thương nhau. Amen.
Anna Trần Hằng