Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Ngày đăng: Tháng Năm 18, 2024

Biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống được ghi lại trong Tân Ước cho chúng ta thấy được sự hoạt động vô cùng sâu rộng của Ngài trên đời sống Giáo Hội và từng người Kitô hữu. Kinh nghiệm cá nhân của mỗi người về tác động của Chúa Thánh Thần vẫn luôn được nhấn mạnh, đặc biệt là trong Phong Trào Ngũ Tuần.

Kitô hữu là con người của Thánh Thần, nhưng đó là một tiến trình rộng mở suốt đời. Trong tiến trình này luôn có những cám dỗ bên trong và lôi kéo bên ngoài khiến ta lạc bước, dễ suy thoái và trở lại với kiểu “sống tự nhiên không có Thần Khí” (Gd 1,19). Cần kiểm tâm và phân định lại từng ngày để xem mình có phải là con người của Thánh Thần hay không? Con người của Thánh Thần có những đặc điểm sau:

1- Là con người tự do (x. 2Cr 3, 17). Nhờ để cho Thánh Thần hướng dẫn (x.Gl 5,18), ta được giải thoát khỏi chính mình, trở thành con cái tự do của Thiên Chúa. Tự do vì không còn bị chế ngự bởi các đam mê của xác thịt (x.Gl 5,16); không còn nô lệ tội lỗi, không còn bị ràng buộc bởi những chuyện phù phiếm và lối sống trần tục, để sống“công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).

2- Là người có não trạng thiêng liêng (x. Rm 8,5; 1Cr 10,15). Người của Thánh Thần thường nghĩ đến những thực tại thần thiêng (x. Cl 3,1-4): thích những điều thuộc về Thiên Chúa, ham mê đọc Thánh Kinh để đào luyện bản thân, biết lắng nghe Lời, đón nhận Lời và thực thi Lời, vì người ấy đã trưởng thành trong Đức Kitô (x. Dt 5,13-14). Nhờ vậy, người của Thánh Thần luôn đặt trọng tâm là tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết (x. Mt 6,33), tìm mọi cách loan báo Đức Kitô (x.1Cr 9,16), nên mọi thứ khác thành phụ thuộc.

3- Là người nhiệt tình dấn thân phục vụ (1Cr 12,4-11). Phục vụ là thái độ nền tảng của con người thuộc về Thánh Thần, Đấng tự hiến cho sự kết hợp yêu thương giữa Chúa Cha và Chúa Con, cũng như kết hợp mọi người trong Thiên Chúa. Phục vụ cũng là một lựa chọn cơ bản để sống cho Thiên Chúa và tha nhân như Đức Kitô, Đấng trao ban Thần Khí của Ngài cho chúng ta (x. Mt 20,28). Sự phục vụ trong Thánh Thần chủ yếu là xây dựng nhiệm thể Đức Kitô (x.Ep 4,12), tất cả đều phải nhằm vào việc xây dựng Hội Thánh (x.1Cr 14,26), không như những hình thức phục vụ khác của thế gian (x.Mt 20,24-28). Sự phục vụ theo Thánh Thần là:

– Phục vụ trong tinh thần hiệp nhất: người của Thánh Thần luôn cảnh giác tối đa trước những hành vi và lời nói của mình cũng như của tha nhân, để tránh sự phân rẽ hay phân hóa trong nội bộ Hội Thánh. Mọi tranh chấp, bất hòa, chia rẽ đều do sự xúi giục của ma quỉ mà ra. Vì thế người của Thánh Thần luôn “theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau.” (Rm 14,19).

– Phục vụ vô vị lợi vì lòng mến: Thánh Thần là ngôi vị biểu lộ sự tự hiến. Ngài luôn thúc giục ta phục vụ vì lòng mến, không đòi hỏi, không chờ đợi đáp trả, không lo sợ thiệt thòi, không khép lại trước một vô ơn, không chán nản trước một lãnh đạm,“vui lòng phục vụ như thể phục vụ Chúa chứ không phải người ta” (Ep 6,7).

  – Phục vụ khiêm tốn và âm thầm: Thánh Thần được ví như chiều sâu của Thiên Chúa, nên không chấp nhận việc phô trương bề mặt, không bày tỏ bản thân qua những việc tốt lành. Ngài luôn ẩn mặt mà vẫn hoạt động nơi mỗi người cách âm thầm, nhẹ nhàng, không áp đặt. Vì thế, chúng ta phải tránh kiểu phục vụ như kẻ cả, mà luôn nhận mình “là đầy tớ vô dụng, chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).

– Phục vụ trong tinh thần từ bỏ: từ bỏ là điều kiện tiên quyết của người môn đệ Đức Kitô, để thực hiện thánh ý Thiên Chúa (x.Mc 10,45). Không thể phục vụ theo cảm tính hay sở thích cá nhân, vì như vậy là phục vụ cách tùy tiện và ngẫu hứng. Phục vụ trong tinh thần từ bỏ cũng là phục vụ trong sự nghèo khó như Chúa Giêsu (Lc 9, 58): chọn sự thất thế chứ không chọn quyền thế; chọn sự coi thường chứ không chọn sự nổi tiếng… để Thiên Chúa được nhận biết và yêu mến.

  1. Là người mang hoa trái của Thánh Thần (Gl 5, 22-23)

Như nhựa sống trong thân cây mang lại hoa trái đúng mùa, Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn Kitô hữu cũng mang đến những mùa gặt thiêng liêng với nhiều hoa trái thánh thiện là:“bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ”.

Mỗi ngày sống, mỗi biến cố, chúng ta cần đặt mình lại trong Chúa Thánh Thần, là Đấng đang hiện diện trong tâm hồn ta; là Đấng đang điều khiển Giáo Hội và canh tân đời sống nhân loại; là Đấng đang làm nên trời mới đất mới, đang điều hướng con người và vũ trụ qui tụ về nguồn sống vĩnh hằng là chính Đức Kitô, cho Thiên Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Thánh Thần!
Đấng phù trợ cho đời sống chúng con,
Ngài nâng đỡ khi con thấy lo âu,
Ngài ủi an khi con thấy buồn sầu,
Ngài cứu giúp khi gặp cảnh bể dâu.

Chính Ngài là tình yêu hằng tuôn đổ,
cho con người sự sống mới đẹp tươi,
cho thế giới muôn loài được tái tạo,
ban muôn vàn ân phúc của trời cao.

Cho con biết buông mình theo ân sủng,
biết sống và hành động trong tình yêu:
yêu điều tốt đẹp ghét điều xấu xa.
quyết vượt qua những gì còn tăm tối,
khai đường và mở lối để vươn lên,
dám làm nên cuộc cách mạng đời mình.

Cho con đưa tình yêu vào cuộc sống,
và biết đưa cuộc sống vào tình yêu,
để từng giây phút con yêu,
làm nên cuộc đời con sống,
vì con biết rằng, Thiên Chúa Hằng Sống
cũng chính là Thiên Chúa Tình Yêu.

Xin thương đến nhân loại chúng con,
và ban cho một lễ Hiện Xuống mới,
một biến cố ân sủng hóa toàn cầu,
để mọi người được liên kết với nhau,
để thuận hòa an vui tràn khắp chốn,
để yêu thương hợp nhất khắp muôn nơi.

Xin biến đổi chúng con nên tông đồ,
để loan truyền danh thánh Đức Ki-tô,
là tình yêu trong cội nguồn chân thật,
là Mùa Xuân cứu độ cho thế trần. Amen.

Lm. Thái Nguyên



Bài viết khác

Suy Niệm Chúa Nhật XXIV Thường Niên, Năm B

Trong hành trình bước theo Chúa Giêsu, người môn đệ cần có đủ tình yêu để vượt qua mọi thử thách chông gai, có đủ tình mến để dám lội ngược dòng với tính xác thịt, có đủ hy sinh để sẵn sàng từ bỏ những danh vọng trần thế, để chọn một lối sống thanh thoát như Thầy. Và quan trọng nhất là chúng ta có đủ khao khát để đạt được điều kiện của Thầy đã đưa ra cho những ai muốn theo Thầy “Ai muốn Theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác Thập giá mình mà theo Ta”.


“Hãy Mở Ra” (Suy Niệm Chúa Nhật XXIII Thường Niên, Năm B)

“Hãy mở ra”, chính là mệnh lệnh Đức Giêsu quyền năng nói với kẻ câm điếc hôm xưa, còn hôm nay thì sao? Chúa Giêsu cũng đang mời gọi chúng ta “hãy mở lòng ra”.


Chọn Lựa Và Cam Kết (Suy Niệm Chúa Nhật XXI Thường Niên)

Cuộc sống, đặc biệt trong các mối tương quan của nó, bao hàm những sự chọn lựa và cam kết. Hai người nam nữ chọn lựa nhau và cam kết với nhau để đi vào cuộc hôn nhân. Trong cuộc hôn nhân ấy, có thể có những lúc khủng hoảng và họ đặt vấn đề, […]


Tấm Bánh Tình Yêu (Suy Niệm Chúa Nhật XX Thường Niên, Năm B)

Mỗi lần cầu nguyện, ngồi trước Nhà Tạm chiêm ngắm Thánh Thể Chúa chắc hẳn trong mỗi chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước mầu nhiệm cao quý này. Để tin, hiểu, yêu mến và sống mầu nhiệm Mình và Máu Thánh Đức Kitô, điều đó thật không dễ chút nào. Có thể, chúng ta […]


Tấm Bánh Hằng Sống (Suy Niệm Chúa Nhật XIX Thường Niên, Năm B)

Chúa vẫn đang hiện diện rất gần gũi với chúng ta khi chúng ta được rước Chúa hằng ngày. Chúng ta dễ dàng đón rước và mời Chúa ngự vào lòng chúng ta như một vị khách xa lạ khi chúng ta chưa dọn lòng để sẵn sàng chờ đợi Chúa hay có khi lòng chúng ta còn quá nhiều nỗi bận tâm, lo lắng không còn chỗ cho Chúa ngự


Chúa Quan Tâm Chúng Ta và Kêu Gọi Chúng Ta Quan Tâm Nhau (28.07.2024 Chúa Nhật XVII Thường Niên)

Cả Êlise và Chúa Giêsu đều kiên định tiến hành việc lo cái ăn cho mọi người. Điều kỳ diệu đã xảy ra. Quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện. Nhưng đàng sau điều kỳ diệu bởi quyền năng ấy mới là cái đáng nói: tấm lòng QUAN TÂM của Thiên Chúa đối với dân chúng!


Chúa Động Lòng Thương, Thấy Dân Như đàn Chiên Bơ Vơ Vất Vưởng (20.07.2024 Chúa Nhật XVI Thường Niên, Năm B)

Chúa Giêsu là Mục tử Tốt lành duy nhất. Đàn chiên của Người cũng … duy nhất! Nghĩa là hiệp nhất (trong khi mở ra mời gọi và bao gồm hết mọi người!). Viễn ảnh hiệp nhất này được thực hiện trong bửu huyết của vị Mục tử Tốt lành hy sinh mạng sống vì chiên. Không còn phân biệt giữa dân Do thái và dân ngoại, cũng không còn bất cứ sự phân biệt nào có tính phân hoá, thù nghịch.


Bài Suy Niệm Chúa Nhật XII Thường Niên B

Cuộc sống luôn có những khó khăn, gian khổ, khó khăn về vật chất, kinh tế và cả sự thách thức về đức tin. Có lẽ đã nhiều lần, chúng ta bị cuốn theo cơn bão của sự nghi ngờ, căng thẳng và hoang mang khi đối diện với đau khổ và sự dữ. Cuộc […]


Mình Thầy Bị Nộp, Máu Thầy Đổ Ra Cho Giao Ước Mới (02.06.2024 Chúa Nhật Mình Máu Chúa Kitô)

Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu – như tên gọi, liên quan đến hai yếu tố: ‘mình’ và ‘máu’! Đa số chúng ta khi ‘rước lễ’ là ‘rước’ Mình Thánh Chúa. Khi chầu hay viếng Thánh Thể, ta cũng chầu hay viếng Mình Thánh Chúa. Nhưng nếu phân tích, thì chính Máu Thánh Chúa là […]


Suy Niệm Chúa Nhật VI Phục Sinh, Năm B

Để cuộc sống trở nên tươi đẹp, chúng ta không thể thiếu vắng những tình bạn chân thành. Tình bạn giúp cho chúng ta rất nhiều về mọi khía cạnh trong cuộc sống, nhất là khía cạnh tinh thần lẫn hoàn thiện nhân cách. Dù ở bậc sống nào, ta cũng cần có những người […]


Chân Lý Sự Sống (Suy Niệm Chúa Nhật V Phục Sinh, Năm B)

Đời sống của chúng ta được định nghĩa là trao ban và phục vụ, nghĩa là chúng ta phải sinh hoa trái bằng đời sống yêu thương, tha thứ, quảng đại, biết sử dụng nén bạc Chúa trao để sinh lời cho Chúa và phục vụ tha nhân.