Suy Niệm Chúa Nhật II Phục Sinh
Ngày đăng: Tháng 4 26, 2025Khi Chúa Giêsu chết, các môn đệ rơi vào tình trạng mất phương hướng và lo sợ, sống khép kín trong ngôi nhà đóng cửa cài then, không giao du, không tiếp xúc với ai. Tình trạng sống buồn bã ấy không khác gì một cái xác không hồn sau cuộc tử nạn của Thầy. Chúa Phục Sinh biết tâm thế các học trò của mình. Vì thế, ngay chiều ngày thứ nhất, Ngài đã hiện ra, đứng giữa các ông. Sự hiện diện này như sự hiện diện của một người cha trước mặt con cái, sự hiện diện có sức an ủi và gia tăng sự bình an và niềm tin cho các môn đệ.
Chúa Giêsu Phục Sinh hiện diện mang lại sự bình an cho các môn đệ
Cửa phòng đóng kín và cửa lòng của các môn đệ cũng cũng khép kín sau biến cố không còn Thầy. Thế nhưng, sự hiện diện bất ngờ của Chúa Giêsu Phục Sinh đã mang lại cho các ông niềm vui và sự bình an đích thực. Người chủ động đến với các ông và ban bình an cho các ông. Từ đây, bóng đêm của sợ hãi đã bị đẩy xa. Người cho các ông xem tay và cạnh sườn là những dấu chứng của tình yêu đến cùng của Người. “Bình an cho các con!” (Ga 20, 19-21). Ðây không phải là một lời cầu chúc đơn sơ, nhưng là món quà cao quý mà Chúa Kitô Phục Sinh đã ban tặng cho các mộn đệ sau khi đã trải qua cái chết thương đau của Thầy mình.
Chúa Giêsu Phục Sinh hiện diện củng cố niềm tin cho các môn đệ
Lần hiện ra thứ hai của Chúa Giêsu Phục Sinh mang tính cụ thể hơn. Lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ mang tính chung chung, nhưng là một tình thương đụng chạm đến từng cá nhân mỗi người. Cuộc hiện ra tám ngày sau, có thể nói là cuộc hiện ra dành riêng cho Tôma, một người muốn kiểm chứng cho những điều mình không thấy: Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin. Chúa Phục Sinh khiêm nhường đã đến và đáp ứng sự khao khát tìm kiếm dấu chỉ đức tin của Tôma. Vì thế, Chúa Phục Sinh đã gọi đích danh ông, cho ông đụng chạm đến Đấng Phục Sinh. Chạm vào vết thương của Chúa không phải là chạm vào nỗi đau của Chúa mà Tôma được chạm vào tình thương của Chúa Phục Sinh và Tôma đã được biến đổi. Giờ đây, Tôma đã tuyên xưng niềm tin của ông một cách xác tín: Lạy Chúa của con! Lạy Thiên Chúa của con!
Sau khi đến ban bình an và niềm tin cho các môn đệ, Chúa Phục Sinh đã ra lệnh truyền cho các môn đệ: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con…Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại” (Ga 20, 21-23). Các Tông đồ đã can đảm bước ra làm chứng cho Thầy mình, trở nên sứ giả bình an đích thực, trở thành khí cụ tình yêu, tha thứ, và làm máng thông ơn xót thương của Người. Như thế, tất cả những người đã thấy Đức Giêsu Phục Sinh đều trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Nhìn lại hành trình đức tin của chúng ta: Liệu chúng ta đã và đang trở nên chứng nhân của lòng thương xót Chúa, trở thành sứ giả tình yêu và bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh? Chúng ta có đang sống lan toả niềm vui của người môn đệ đến cho mọi
Cuộc sống hôm nay nhiều biến động: những khó khăn, thử thách xảy đến trong cuộc đời. Làm thế nào để chúng ta có thể nhận ra sự hiện diện của Đấng Phục Sinh trong cuộc đời này? Người có đang ban ơn bình an và củng cố đức tin cho chúng ta như xưa Ngài đã làm với các môn đệ? Tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại thật lớn lao. Đó là một tình yêu trọn vẹn, yêu cho đến cùng. Tình yêu của Ngài không chỉ dừng lại ở cái chết trên thập giá. Ngài đã mở ra cho chúng ta cánh cửa của niềm hy vọng tràn trề về sự sống đời sau qua sự Phục sinh của Ngài. Hôm nay Chúa Giêsu Phục Sinh cũng đang hiện diện bên ta. Xin Chúa Phục Sinh cho chúng ta luôn khao khát đón chờ Người. Hãy tỉnh thức lắng nghe tiếng bước chân Người bởi gặp được Người, lòng ta sẽ bình an, cuộc đời ta sẽ sống, sống mãnh liệt, sống phong phú và dồi dào.
Maria Thảo An