Những Khoảng Lặng….
Ngày đăng: Tháng 4 8, 2023Bầu khí tĩnh lặng của Tam Nhật thánh đưa con vào sự thinh lặng của nội tâm, tạo nên “chất liệu” giúp con xem lại cuộn phim về cuộc đời mình. Khi tua lại thước phim ấy, con bắt gặp những giây phút yếu đuối của bản thân như cách những môn đệ ngày xưa đã “vấp ngã” trên bước đường theo Chúa. Hòn đá mang tên tiền bạc, danh vọng và sự sợ hãi… đã chắn đường các tông đồ trong đêm Ngài bị trao nộp.
Chiêm ngắm lại bức tranh về bữa Tiệc ly, đây không chỉ đơn giản là một tác phẩm nghệ thuật, mà là một kiệt tác của tình yêu – Con Thiên Chúa nay lại rửa chân cho các môn đệ. Chưa dừng lại ở đó, ý nghĩa sâu xa của bức tranh ấy còn là Bí tích huyền nhiệm của chính Mình và Máu Thánh mà Chúa đã để lại để nuôi dưỡng tâm hồn nhân loại. Một khoảng lặng như được tạo ra để không chỉ các môn đệ ngày xưa mà cả nhân loại chúng con hôm nay đều được chiêm ngắm tình thương của Chúa.
Cũng trong đêm ấy, con bắt gặp “một khoảng lặng” trong ánh mắt Chúa dành cho kẻ nộp Ngài. Khoảng lặng thay cho tiếng lòng đau xót của con tim rướm máu Chúa dành cho kẻ phản bội. Trong khoảng lặng ấy, Ngài vẫn thắp lên một tia hy vọng khi “Người chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt” (Ga 13,26), với ước mong kẻ ấy nhận ra tội lỗi của bản thân và “ở lại” trong ánh sáng của nơi có “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Nhưng có lẽ tiền của chiếm hữu tâm hôn Giuđa, 30 đồng bạc đã che mờ lương tri của Giu-đa, để rồi như lời Kinh Thánh: “Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối.” (Ga 13,30). Đáng buồn thay, Giuđa đã dùng tự do của mình để chọn bóng tối và rời bỏ ánh sáng. Con nghĩ về mình, cũng đã bao lần con làm Chúa buồn khi nại đến tự do để chọn lựa những điều không thuộc về Chúa !
Sau khi chứng kiến hành động đáng thất vọng của người môn đệ đã vài năm song hành với mình, Thầy Giêsu đã tìm một khoảng lặng để giãi bày nỗi lòng với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha.” (Mt 26,43). Từ vườn Gethsemani vọng lại, con nghe thấy tiếng Ngài gọi các môn đệ thức tỉnh để cầu nguyện, và con cũng nghe thấy hơi thở mang theo những lo âu muộn phiền của Ngài. Giữa màn sương đêm lạnh giá, con thắc mắc tại sao Chúa lại đổ mồ hôi và máu? Ngài phải đổ Máu mình ra để tẩy rửa chúng con! Ước mong giữa những bộn bề của cuộc sống con biết thưa với Chúa rằng “Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Chúa” (Mc 14,36); ước mong con đủ tỉnh thức để “bóng tối” cuộc đời không có cơ hội đưa con chìm vào giấc ngủ “u mê” như cách mà các môn đệ năm xưa, để rồi chính Thầy Giêsu phải thốt lên: “Lúc này còn ngủ, còn nghỉ sao?” (Mt 26,45). Lạy Chúa, đôi khi con hay than trách: tại sao Chúa lại để chuyện này xảy ra với con, tại sao không ai lắng nghe và thông cảm cho hoàn cảnh của con? Nhưng con cần phải dò xét lại bản thân mình đã bao giờ con hiểu cho nỗi lòng của Chúa? Nỗi lòng chất chứa cái “bạc bẽo” của thế gian và chất chứa cả sự cô độc khi những môn đệ Chúa vẫn tin tưởng nay lại chối từ; dù vài tiếng trước vẫn còn khăng khăng “sẽ không bao giờ bỏ Thầy”! Và rồi tiếng gà gáy vang lên như phá tan tâm trí lu mờ của người môn đệ, tiếng gà ấy đã dẫn ông đến một khoảng lặng khi nhìn vào ánh mắt của Chúa, khoảng lặng của sự thống hối. Ông đã khóc, và cũng nhờ tiếng khóc ấy ông tìm lại được tình yêu và sự an ủi của Chúa. Chúa cũng đang lắng nghe tiếng khóc của con, nhưng hầu như những tiếng khóc ấy là than thân trách phận, khóc vì mình không có được như ý muốn. Chúa ơi, xin giúp con biết khóc cho tội lỗi của mình, cho con nghe thấy Lời Chúa nhắc nhở, để con biết đón nhận “Chúa giữa đời thường”, được Chúa chạm đến và đỡ nâng trên những chặng đường Thánh Giá con đang đi.
Con cũng muốn theo bước Mẹ Maria để sống mầu nhiệm hiệp thông cứu độ; từ khi Mẹ cất tiếng “Xin vâng” đến khi chứng kiến giây phút “Con Thiên Chúa gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19,30). Đứng dưới chân Thập Giá, Mẹ như chìm đắm trong khoảng lặng của sự đau đớn tột cùng mà đã được tiên báo “Một mũi gươm sẽ đâm thâu qua lòng Bà” (Lc 2,35). Tâm hồn Mẹ dường như cùng chết đi với Chúa trong nỗi buồn sâu thẳm. Giờ đây con quỳ dưới chân Thánh Giá để xin Chúa mang đi những ý riêng của bản thân con – những ý riêng con muốn được chết đi cùng với Ngài, để rồi tâm hồn con được tái sinh nhờ “ánh sáng Phục Sinh”, ánh sáng đem đến cho con niềm hy vọng, niềm vui về một cuộc sống mới đã được dành sẵn trong Tình Yêu Vô Tận. Ước chi con cảm nghiệm được lời Chúa nói:
“Ta yêu con bằng tình yêu muôn thuở,
nên ta vẫn dành cho con lòng xót thương”
(Gr 31,3)
Tam Nhật Thánh 2023 – Anna Thúy Hằng