Nghèo và Giàu – Phúc Và Khốn (16.02.2025 Chúa Nhật VI Thường Niên)
Ngày đăng: Tháng 2 16, 2025Tương phản KHỐN và PHÚC – đó là chủ đề của Lời Chúa hôm nay. Đây là tương phản giữa nghèo và giàu, giữa đói khát và no đầy, giữa khổ và sướng, giữa yếu thế và quyền lực… Sau tất cả, đó là tương phản giữa chết và sống! Tất cả các yếu tố của Phụng vụ Lời Chúa – gồm Bài đọc 1, Thánh vịnh Đáp ca, Bài đọc 2, và Bài Tin Mừng – đều cùng hội tụ khắc hoạ những tương phản này.
Bài đọc 1 (Gr 17,5-8) là hai tuyên bố ‘khốn thay’ và ‘phúc thay’. “Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa”… Và: “Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Thiên Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ”…
Thánh vịnh Đáp ca (Tv1,1-2.3.4 và 6) xác nhận ‘phúc’ của người tin tưởng vào Chúa, chuyên cần sống trong lề luật Chúa, ngược lại với số phận vô phúc của những kẻ đi theo đường lối ác nhân.
Bài Tin Mừng (Lc 6,17.20-26) là bốn mối phúc và bốn mối khốn được tuyên bố. Có thể đúc kết cách cô đọng là ‘phúc cho kẻ nghèo’ và ‘khốn cho người giàu’. Quả thật, đói khát và khóc lóc – dù theo nghĩa hẹp hay nghĩa rộng – cũng là ‘nghèo’. Đặc biệt, mối phúc thứ tư ở đây liên quan đến ‘Con Người’: “Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương”. Đây cũng là một dạng nghèo, đối lập với cái ‘giàu có’ của những ai “được mọi người ca tụng” như trường hợp các ngôn sứ giả!
Chúng ta ghi nhận, ở đây Chúa Giêsu đề cập cách khái quát hai nhóm NGHÈO và GIÀU – theo nghĩa mở rộng nhất – như là một thực tế xã hội. Trước thực tế này, Người tuyên bố Các Mối Phúc (trong cả hai phiên bản Máttheu và Luca) nêu rõ rằng Thiên Chúa đứng về phía người nghèo, bênh vực và nâng đỡ họ. Dĩ nhiên Thiên Chúa không muốn ai nghèo nàn khốn khổ – bằng chứng là Con Thiên Chúa chọn trở nên nghèo khó, để bằng cách đó Người làm cho chúng ta nên giàu có; chính Chúa Giêsu tuyên bố Người đến cho chiên được sống và sống dồi dào (x. 2Cr 8,9 và Ga 10,10)… Ta cũng ghi nhận, Chúa Giêsu cũng tuyên bố “Anh em luôn có người nghèo ở bên anh em”…
Trong Bài đọc 2 (1Cr 15,12.16-20), thánh Phaolô nhấn mạnh Chúa Giêsu đã CHẾT, nhưng đã SỐNG LẠI. Câu chuyện cái chết của Chúa nhắc chúng ta rằng chính Người đã đảm nhận thân phận một người nghèo, theo nghĩa “bị thù ghét, trục xuất, phỉ báng, và loại trừ như kẻ bất lương”. Câu chuyện Người sống lại nhắc ta rằng Thiên Chúa Cha bênh vực, ủng hộ Người – qua đó hùng hồn xác nhận Các Mối Phúc mà Người đã dạy các môn đệ và tất cả mọi người.
Xã hội và thế giới chúng ta càng cho thấy rõ sự phân hoá, phân cực giàu nghèo. Người nghèo vẫn CÓ ĐÓ, rất hữu hình cụ thể, khắp xung quanh chúng ta. Chúng ta có thể cuốn vào những tranh luận, những cuộc hội thảo, những bảng thống kê phân tích, những nghiên cứu phân loại, xác định nguyên nhân, tiên lượng hậu quả, nhận diện và qui gán trách nhiệm, mò mẫm giải pháp, vân vân và vân vân… Ví dụ, về vấn đề chính sách đối với di dân đang thu hút quan tâm với nhiều suy nghĩ trái chiều hiện nay!
Ừ thì ai cũng có (quyền) ý kiến.
NHƯNG đừng quên điều hết sức rõ ràng và chắc chắn này: Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ là vị Thiên Chúa đứng về phía người nghèo và bênh vực họ – vì thế Giáo hội của Chúa Kitô tuyên bố theo đuổi chủ trương ‘một Giáo hội nghèo của người nghèo’!
Lm. lê Công Đức