“Nghề giáo” – “Nghiệp tu”

Ngày đăng: Tháng ba 16, 2022

Ca dao tục ngữ Việt Nam có câu “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Nghĩa là làm nghề nào cho “sâu” nghề đó thì bản thân mới có thể thành đạt và thăng tiến. Nhưng với người tu sĩ phải nói rằng: “Một nghề phải chín, giỏi luôn chín nghề”.

Cách riêng người nữ tu Mến Thánh Giá, để sống ơn gọi theo Đặc Sủng của Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, đòi hỏi chị em càng phải chín mùi hơn trên cả chín nghề. Vì thế một trong chín, chín trong một mà chị em đều phải chín là “nghề giáo”. Giáo dục đa dạng trong nhiều lĩnh vực, giáo dục đức tin, nhân bản, nghệ thuật, văn hóa xã hội…

Khi mới bước chân vào nhà dòng, ai cũng thắc mắc sao đi tu học nhiều thế. Ngoài việc học những chuyên ngành đặc thù như sư phạm, công nghệ thông tin, xã hội học, tâm lý, truyền thông, y sĩ, điều dưỡng…chị em còn được đào tạo trở thành một người nữ tu Mến Thánh Giá phục vụ trong âm thầm khiêm hạ. Chị em không ngừng trau dồi đời sống cầu nguyện, học hỏi giáo lý, rèn luyện kỹ năng sống nhân bản và cộng đoàn. Đồng thời “cày” thêm những ngành chuyên biệt khác: nhạc lý, ca trưởng, đàn, cắm hoa…để có “nguồn vốn” cho nghề giáo của mình.

Quả thật, cuộc sống dâng hiến của chị em liên tục xoay vần trong việc giáo dục. Hằng ngày, chăm lo dưỡng dục các bé mầm non. Đây là một công việc giáo dục đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển năng lực và hình thành nhân cách của trẻ. Giai đoạn mầm non được gọi là “giai đoạn vàng” tạo nền móng cho trẻ những kỹ năng cần thiết trong tương lai. Cô giáo – nữ tu ngoài những kiến thức chuyên môn trao cho trẻ, còn có bổn phận huấn luyện và thổi hồn cho chúng tất cả những giá trị đạo đức cần thiết, để nuôi dưỡng cuộc đời chúng lớn lên. Đó là mức chín đòi hỏi chị em phải cố gắng mỗi ngày.

Ban ngày làm cô giáo trẻ con, tối đến chị em nhập vai cô giáo khác dạy giáo lý hôn nhân, giáo lý dự tòng cho người lớn, chia sẻ đồng hành với các hội đoàn của giáo xứ. Bên cạnh đó, kiêm nhiệm thêm dạy hát cho các ca đoàn. Có những giáo xứ, chị em phải phục vụ nhiều ca đoàn. Thế nên lịch dạy của một số chị em kín hết cả tuần.

Không dừng lại ở đó, sau một tuần làm cô giáo cả ngày lẫn tối, thì ngày Chúa Nhật chị em vẫn không được thoát vai nhà giáo. Chị em tiếp tục trong vai trò là những giáo lý viên, chia sẻ công việc giáo dục đời sống đức tin cho các em thiếu nhi, dự trưởng và cả giáo lý viên khác. Đây là một trong những bổn phận ưu tiên của người tu sĩ. Chị em chu toàn bổn phận loan báo sứ điệp của Chúa Kitô, cùng tham gia phát triển cộng đoàn, hướng dẫn học viên biết cách thờ phượng và cầu nguyện với Chúa, và thúc đẩy tinh thần phục vụ nhau trong cuộc sống. Sứ mạng giáo dục này mang nhiều khó khăn và thách thức, nhất là trong xã hội hiện đại hôm nay, đòi hỏi chị em phải vững vàng cả nền tảng tri thức đức tin, lẫn kỹ năng sống và nghệ thuật giáo dục.

Ngoài ra, chị em Mến Thánh Giá Tân Lập còn đào tạo và phát triển thêm các môn nghệ thuật thẩm mỹ khác. Trung Tâm Âm Nhạc Tân Lập là nơi hội tụ những ngành năng khiếu như các loại nhạc cụ, Organ, Piano, Violon, xướng âm, thanh nhạc, múa,  hội họa…Một số chị em vừa là nghệ sĩ, vừa là cô giáo không ngừng trau dồi và cập nhật ngôn ngữ văn hóa nghệ thuật, nhiệt tâm truyền tải năng lượng và niềm đam mê cái đẹp qua các môn nghệ thuật, nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho các học viên của mình.

Chị em dạy đàn tại Trung Tâm Âm Nhạc

Song song với việc giáo dục chuyên môn, mầm non, tiểu học, giáo lý, ca hát, âm nhạc nghệ thuật, chị em luôn ý thức mỗi học viên là một cứ điểm truyền giáo về đời sống tinh thần đạo đức. Chị em dùng những cơ hội ấy để gieo hạt giống đức tin, giáo dục nhân bản, luân lý và các kỹ năng cần thiết cho học trò của mình. Giúp họ trở nên những kitô hữu tốt, lương thiện và lành thánh, đó là cốt lõi của việc giáo dục.

Như vậy muốn hay không, “nghề giáo” tự thân gắn liền với ơn gọi thánh hiến. Không có việc phục vụ nào nằm ngoài mục tiêu giáo dục con người. Đôi khi chỉ là sự hiện diện lại lặng thầm của chị em nhưng đã tạo nên những bài “giáo án” có giá trị thiết thực hơn bao giờ hết. Đó chính là sứ mệnh của tất cả những ai được Chúa Giêsu kêu gọi sống đời dâng hiến, nối nghiệp của Ngài. Dâng hiến cho tha nhân cách trọn vẹn và triệt để, là lối sư phạm giúp bản thân chín sâu ơn gọi của mình.

M. Bình Lâm MTG TL



Bài viết khác

Một Người Cha Giống Như Thiên Chúa

“Con không muốn thông minh, không muốn làm người lịch sự. Con muốn giống như bố cơ!”. Một đứa trẻ 5 tuổi kiêu hãnh nói thế với mẹ của nó. Đối với nó, được giống bố là một điều hạnh phúc. Sau một quãng thời gian dài người ta lo định nghĩa về thế giới […]


Thắp sáng ước mơ

“Con ước mơ được đến trường như các bạn khác, con ước mơ ba mẹ con sẽ sống lại để ở với con, con ước mơ con ngoan ngoãn để mọi người được vui, con ước mơ con sẽ yêu Chúa thật nhiều, con ước mơ con sẽ đi tu như Sơ…”.


Các kiểu suy nghĩ vô ích

Nhiều lý do chúng ta trở thành những thập giá của nhau. Một trong những lý do đó là ta luôn mang trong mình những kiểu suy nghĩ vô ích làm ảnh hưởng rất lớn trong đời sống chung.


My unique self – Cái tôi duy nhất của tôi

Để biết về con người bạn thì hãy nghe những câu chuyện riêng tư của bạn - những ký ức trong quá khứ, những hy vọng trong tương lai và những khó khăn thử thách trong hiện tại.


Tiếp xúc với nhân cách của tôi

Đụng chạm tới nhân cách con người của bạn, là khi bạn bắt đầu nghiêm túc đối diện với câu hỏi căn bản: Tôi là ai?


Giáo dục và ươm mầm trẻ thơ

Giáo dục mầm non đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho trẻ em. Trách nhiệm giáo dục của thầy cô giáo là tạo sự khởi đầu cho sự phát triển toàn diện của trẻ.


Mặt nạ

“Mặt nạ được thiết kế một mặt để gây ấn tượng nhất định với người khác và mặt khác để che giấu bản chất thực sự của một cá nhân.”(Carl Jung) Mỗi người tự khoác lên cho mình chiếc mặt nạ, tự đánh mất bản chất thật, con người thật và nhất là hạnh phúc thật mà Thiên Chúa ban.