Mồng Ba Tết: Thánh Hóa Công Việc
Ngày đăng: Tháng 2 1, 2025Ngày Mồng Ba Tết mời gọi các tín hữu thánh hoá công ăn việc làm. Chủ đề về công việc làm ăn thật là thực tiễn, vì thế ngày này có tầm quan trọng cũng như có sức thu hút sự quan tâm rất đặc biệt của nó.
Trước hết, ngoại trừ một ít người bạc nhược biếng nhác, tất cả chúng ta đều cố gắng để có một công việc ổn định cho mình – nhiều người không may rơi vào tình cảnh thất nghiệp, thì đó là vấn đề xã hội ngoài ý muốn của dân chúng. Ai có việc làm tương đối ổn định để chăm sóc bản thân và gia đình, hãy chân thành tạ ơn Chúa, vì đó là một ơn phúc mà nhiều người ước mơ nhưng không dễ có được trong bối cảnh xã hội đầy khó khăn này. Chúng ta cần cầu nguyện cho mọi người lao động có được công việc làm xứng hợp với nhân phẩm.
Nhưng là tín hữu, chúng ta không chỉ làm việc như mọi người mà còn có ơn gọi THÁNH HOÁ công việc của mình. Tại sao thánh hoá? Vì con cái Chúa làm việc không chỉ có ý nghĩa mưu sinh, mà còn là làm việc với Chúa, cho Chúa. Sách Sáng thế nói “Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa và coi sóc vườn”. Thiên Chúa làm việc, và Thiên Chúa kêu gọi con người cộng tác làm công việc chăm sóc công trình của Ngài.
Thánh hoá thế nào? Dĩ nhiên trước hết đó là tránh làm những gì không lương thiện (ngày nay có rất nhiều việc sản xuất hay dịch vụ gian dối, bất lương, gây hại cho người khác mà các tín hữu có thể dễ bị cám dỗ để liên can vào). Thánh hoá là làm việc trong tinh thần phụng sự Thiên Chúa, như Thánh Phaolô trong khi là Tông Đồ rao giảng Tin Mừng, vẫn làm việc để tự cấp dưỡng cho mình và cho các người cộng sự… Ngần nào có thể, ngài không muốn trở thành gánh nặng của người khác: “Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận” (x. Thư Êpheso).
Sâu xa hơn, thánh hoá công việc là tôn trọng phẩm giá con người của mình, của người lao động (nếu mình là chủ việc), và tôn trọng phẩm giá của chính lao động. Điều này có nhiều hàm nghĩa, như:
-không quá tham lam mê mải làm việc (duy hoạt động) mà quên bồi dưỡng tâm linh;
-không bóc lột sức lao động của những người làm việc cho mình;
-không xem thường ai vì công việc khiêm hạ của họ; nhớ lời của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Giá trị lao động của một người được ấn định trước hết không phải bởi loại công việc mà người ấy làm, nhưng là bởi vì công việc ấy được làm bởi một nhân vị” (Laborem exercens, 6).
Sau tất cả, thánh hoá công việc là làm việc với tấm lòng đối với Chúa. Câu chuyện các nén bạc trong Mt 25,14-30 là câu chuyện về thái độ siêng năng và lười biếng; nhưng thâm sâu hơn, đây là câu chuyện về thái độ, về tấm lòng của đầy tớ đối với chủ… Anh chàng ‘một nén giữ nguyên’ ấy có vấn đề không chỉ bởi vì anh lười biếng, mà đáng nói hơn, anh hoàn toàn không có tấm lòng đối với chủ của mình.
Lời kinh nguyện quen thuộc giúp chúng ta thánh hoá công việc của mình: “Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ, cho mỗi kinh mỗi việc chúng con từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.”
Lm. Lê Công Đức