Mặt nạ
Ngày đăng: Tháng 3 16, 2022Từ Person (một con người) có gốc từ từ “Persona” trong tiếng la tinh, mà Persona có nghĩa là mặt nạ sân khấu. Hiểu theo cách nào đó, làm người là đeo mặt nạ. Đã là con người thì đều đeo mặt nạ. Nhà tâm lý học nổi tiếng người Thụy Sĩ Carl Jung từng viết “mặt nạ” được thiết kế một mặt để gây ấn tượng nhất định với người khác và mặt khác để che giấu bản chất thực sự của một cá nhân”.
Bản chất thực sự, cái tôi chân chính (True Self) hay “đứa trẻ nội tâm” (Child Within) đều ám chỉ là một phần tâm trí của mỗi người. Đó là phần tâm hồn của chúng ta vô cùng sôi nổi, đầy năng lượng và sáng tạo, thể hiện một cách toàn vẹn những món quà, khả năng và tiềm năng mà Chúa ban. Với thời gian và chịu tác động bởi môi trường gia đình và xã hội, với những “phớt lờ và ruồng rẫy” về mặt cảm xúc và thể chất trong quá trình trưởng thành đã vô tình che lấp bản chất chân thực của mỗi người. Chúng ta tự khoác lên mình những chiếc mặt nạ để bảo vệ “đứa trẻ nội tâm” bị tổn thương của mình.
Cái tôi thật bị đánh mất
Khởi đi từ bản chất thực (cái tôi thật) là cởi mở, yêu thương và thân thiện; chấp nhận bản thân cũng như người khác với những tài năng và gới hạn; yêu thương bản thân đúng cách và cũng biết đón nhận sự chăm sóc giúp đỡ của người khác; bộc lộ cảm xúc một cách lành mạnh; chấp nhận mọi cảm xúc mà không phán xét hay sợ hãi.
Ngược lại, khi bản chất thực ấy bị tổn thương (cái tôi giả) thì một phần con người mình luôn cảm thấy bất mãn, khó chịu, căng thẳng, không sống thật lòng. Lúc ấy con người luôn tính toán, ích kỷ, keo kiệt, hành động thận trọng, đồng thời hay ghen tị, chỉ trích, lý tưởng hóa, đổ lỗi cho hoàn cảnh và tha nhân; luôn cầu toàn, muốn kiểm soát mọi thứ hoặc né tránh. Với cái tôi giả, bản thân luôn hướng về và xoay quanh người khác, tập trung vào việc làm hài lòng người khác, che đậy những khiếm khuyết của mình; không chấp nhận cảm xúc thực của bản thân, hung hăng, bốc đồng, bị động; chối từ việc chăm sóc và được người khác chăm sóc; cố gắng ngăn chặn mọi thông tin đến từ vô thức; cảm thấy không ổn, thiếu vắng, trống rỗng, không hiện hữu, không cân bằng…
Đó là những chiếc mặt nạ mỗi người tự khoác lên cho mình, tự đánh mất bản chất thật, con người thật và nhất là hạnh phúc thật mà Thiên Chúa ban. Vì vậy con người cần nhận diện được những chiếc mặt nạ nào mình đang mang? Những chiếc mặt nạ nào cần lột bỏ? Để không đánh mất chính mình như mình vốn là, bản chất đích thực, cái tôi thật.
Chữa lành “đứa trẻ nội tâm” bị tổn thương
Mỗi người đều có một “đứa trẻ nội tâm” (cái tôi thật) cần được quan tâm chăm sóc đặc biệt. Nhất là “khi đứa trẻ nội tâm” bị tổn thương. Chúng ta có thể chữa lành “đứa trẻ nội tâm” bằng việc:
- Cầu nguyện – hồi tâm với Chúa
- Chia sẻ câu chuyện ký ức với người đáng tin cậy
- Viết thư cho “đứa trẻ” bên trong bạn.
- Viết nhật ký
- Sáng tạo nghệ thuật
- Vẽ chân dung “đứa trẻ bên trong” bạn bằng hình ảnh hoặc thiền.
- Trở thành phụ huynh chăm sóc cho “đứa trẻ” trong mình.
- Nói những lời khẳng định yêu thương.
(Dựa theo bài giảng “chuyên đề: Đứa trẻ nội tâm” của Sr Maria Hòa Hiệp.MI)
Têrêsa Thanh Xuyên