“Hãy Mở Ra” (Suy Niệm Chúa Nhật XXIII Thường Niên, Năm B)
Ngày đăng: Tháng chín 7, 2024Sống bình an và mạnh khoẻ về thể xác lẫn tinh thần là ước mơ của con người trong mọi thời đại. Thế nhưng, có những điều chúng ta lại không có quyền để lựa chọn cho mình những điều mình mong muốn, dẫn chứng là người thanh niên vừa điếc, vừa ngọng trong trang Tin Mừng hôm nay. Anh cũng ước mơ như bao người thanh niên khác được lành lặn về mặt thể lý nhưng anh lại bị ngọng nên nói chẳng ai hiểu, và bị điếc nên cũng chẳng hiểu ai. Vì thế, nó khiến cho anh rất cô đơn, buồn khổ. Thấu hiểu được nỗi đau của người câm điếc, Chúa chạm vào anh và được chữa lành anh.
Trang Tin Mừng thuật lại câu chuyện thật đẹp về Chúa Giêsu và anh thanh niên bị điếc và ngọng “Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh” (x. Mc 7,32-33). Hành động “Chúa kéo riêng anh ra” giữa dám đông mang thật nhiều ý nghĩa.
“Kéo riêng ra” diễn tả một sự tế nhị của Chúa Giêsu dành cho anh để anh không phải đối diện với những lời chê bai của dân chúng
“Kéo riêng ra” để anh không cảm thấy tự ti, xấu hổ về căn bệnh của bản thân
“Kéo riêng ra” để anh có cảm nghiệm cá vị với Chúa, chính Chúa đã chạm vào cuộc đời anh: chạm vào tai, vào lưỡi anh để anh nhận ra rằng đối với Chúa không có gì là không thể
Câu chuyện không chỉ dừng lại bởi hành động của Chúa nhưng có sự cộng tác của anh thanh niên và chính niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Giêsu đã chữa lành anh. Nếu anh không cộng tác, chắc chắn phép lạ sẽ không xảy ra.
Sau đó, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. (Mc 7,35). “Hãy mở ra”, chính là mệnh lệnh Đức Giêsu quyền năng nói với kẻ câm điếc hôm xưa, còn hôm nay thì sao? Chúa Giêsu cũng đang mời gọi chúng ta “hãy mở lòng ra”.
“Mở lòng ra” để đón nhận ân sủng của Chúa để Lời Chúa thấm nhuần trong cuộc đời ta.
“Mở lòng ra” để lắng nghe tiếng kêu của bao người nghèo, những người đang sống xung quanh chúng ta.
“Mở lòng ra” để nhận ra rằng Chúa vẫn đang đồng hành với ta trên mọi nẻo đường.
“Mở lòng ra” để Chúa có thể bước vào cuộc đời ta, chữa lành những vết thương sâu mà ta đang đối diện.
Và “mở lòng ra” để nhận ra những giới hạn, yếu đuối của ta và ta biết rằng ta cần Chúa trong đời.
Nếu nhìn về phương diện thể lý, có thể chúng ta không điếc và cũng không ngọng nhưng chúng ta có dám chắc chắn rằng chúng ta không điếc và không ngọng về đời sống thiêng liêng chăng? Chúng ta có giả điếc làm ngơ trước những nhu cầu của người khác. Đã bao lần ta giả điếc trước những bất công, bạo tàn… Chúng ta chưa dám làm chứng cho sự thật? Chúng ta hãy tự hỏi lại chính mình: “Tôi đang mắc căn bệnh thiêng liêng gì?”
Cuối trang Tin Mừng khi dân chúng chứng kiến những phép lạ, những điều tốt mà Chúa Giêsu làm, họ nói với nhau “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả”. Cuộc đời Kitô hữu của chúng ta phải sống làm sao để mọi người nhận biết rằng, chúng ta làm điều gì cũng tốt cho tha nhân, sống là chứng nhân của Chúa, là con cái của Cha trên trời.
Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta, hãy lặng để lắng nghe Chúa cũng đang kéo riêng ta ra một nơi thanh vắng để chữa lành cho ta, để giúp ta được lành mạnh. Chúng ta có sẵn sàng để cho Chúa chạm vào và chữa lành cho chúng ta không? Chúng ta hãy xin Chúa chữa lành những căn bệnh tâm linh mà chúng ta đang đối diện để ta sống bình an, hạnh phúc và mang Tin Mừng của Chúa đến với mọi người.
Maria Thảo An