Hành động yêu thương của bà Vêrônica đã đánh động lòng tôi

Ngày đăng: Tháng tư 15, 2022

Khi suy niệm chặng Đàng Thánh Giá nơi thứ sáu: “Bà Vêrônica lau mặt Chúa”, tôi miên man tưởng tượng được trò chuyện với Chị ấy. Một người phụ nữ xứ Kyrênê, đầy lòng can đảm. Chị đã vượt qua nỗi sợ hãi của tiếng la hét trên đường phố, cùng với những khuôn mặt đầy hung dữ của bọn lính. Chị chạy thật nhanh, đến quỳ bên Giêsu để lau đi những vết máu đang thấm đẫm trên khuôn mặt của Ngài. Tôi thật ngưỡng mộ Chị và đã đến bên chị để nói lời cảm ơn Chị vì đã lau mặt cho Thầy Giêsu của tôi. Chị thật là can đảm, Chị không sợ sao? Động lực nào giúp Chị có thể làm được điều đó? Chị nói: “Tôi cũng sợ những người lính sẽ bắt và đánh đập tôi, nhưng lúc ấy nhìn thấy khuôn mặt đầy thương tích máu của Chúa Giêsu, tôi xót xa không nghĩ gì đến những người xung quanh nữa. Vì quá yêu Ngài, tôi đã vượt qua mọi trở ngại để đến được bên Ngài và lau mặt cho Ngài. Lúc đó ánh mắt Ngài đã chạm vào lòng tôi, tôi thấy mình không còn nhút nhát và sợ hãi nữa, tôi cảm nhận được nỗi buồn và những thao thức của Ngài. Khi lau mặt cho Ngài, khuôn mặt đầy máu và nước mắt của Ngài, đã cho tôi rất nhiều niềm hy vọng.”

Những tượng tượng ấy bỗng dưng như đánh thức tôi, tôi giật mình tỉnh lại và nghĩ về mình, nghĩ đến những tâm tư của Vêrônica. Tôi hiện tại có là một “Vêrônica” của Chúa? Mối tương quan của tôi với Giêsu, tình yêu của tôi dành cho Ngài thế nào?

Ánh mắt Chúa đã chạm vào lòng tôi?

Ánh mắt của Chúa đã đánh động trái tim Vêrônica và biến đổi bà. Còn tôi thì sao? Tôi có thấy được ánh mắt của Chúa và để cho ánh mắt Ngài chạm vào lòng mình? Tôi vừa muốn vừa sợ. Tôi sợ ánh mắt của Ngài chạm vào lòng tôi và bắt tôi phải hành động như bà Vêrônica đã làm cho Chúa và dám đối diện với những quân lính với bộ mặt sát khí, gươm giáo bên mình đang nhục hình Chúa. Tôi thật ích kỷ và hèn hạ. Tôi chưa để cho Ngài biến đổi cuộc đời, chưa mở lòng để Giêsu chạm vào trái tim. Vì thế tôi có tham dự thánh lễ thường xuyên, làm tốt công việc mục vụ, nhưng tôi vẫn xa cách Chúa. Thật nguy hiểm biết bao, tôi vẫn thường tự hào về những gì mình làm được. Sự kiêu căng, tự mãn cùng với những lời khen thưởng đã làm cho tôi sống trong ảo tưởng, ngộ nhận về bản thân mình. Tôi cứ tưởng mình đang có Giêsu bên cạnh nhưng sự thật, lòng tôi có quá nhiều ngổn ngang và chẳng còn chỗ cho Ngài.

Ánh mắt Chúa cho tôi cảm nhận được nỗi buồn và những thao thức của Ngài?

Nhìn vào ánh mắt Chúa, Vêrônica nhận thấy được nỗi buồn và thao thức của Ngài chỉ trong những giây phút ngắn ngủi. Còn tôi, có lẽ rất ít khi tôi nghĩ đến sự đau đớn của Ngài, có chăng đôi khi cảm được chút ít qua những trang Kinh Thánh. Chưa lúc nào tôi thật lòng hỏi Chúa: Chúa có đau lắm không? Chúa có buồn không? Chúa có đang băn khoăn, thổn thức gì không? Chúa muốn tôi làm gì?… Đôi khi tôi vô tình coi Chúa như một vị khách. Tôi mời Ngài vào căn nhà nội tâm của mình nhưng lại hời hợt, thiếu tình yêu để giữ Chúa ở lại. Tôi chỉ chăm chăm nghĩ đến nhu cầu cá nhân của mình mà thôi. Có lẽ, Chúa đã rất buồn vì con người thiếu chân thành của tôi. Nếu trái tim tôi đủ nhạy bén, tình yêu tôi đủ lớn, thì tôi đã trở nên khí cụ đắc lực Chúa dùng để thực hiện những thao thức của Ngài.

Khuôn mặt đầy máu và nước mắt của Chúa cho tôi niềm hy vọng?

Vêrônica nhìn vào khuôn mặt đầy máu và nước mắt của Chúa, đã nghiệm được rất nhiều niềm hy vọng. Làm sao Vêrônica lại cảm nghiệm được niềm hy vọng qua khuôn mặt đau khổ ấy? Trước những khó khăn, thử thách trên đường đời, những khi bị hiểu lầm, tổn thương, đau khổ, tôi có còn đặt niềm hy vọng vào Chúa? Tôi có thấy được giá trị của sự đau khổ? Chúa muốn tôi hy vọng vì được thông phần vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu! Giống như Veronica năm xưa, xin ánh mắt Chúa dõi theo cuộc đời con để con được biến đổi. Xin giúp con nhận ra khuôn mặt tình yêu Chúa ngang qua mọi biến cố vui buồn của cuộc sống, để con biết cách thánh hóa và thăng hoa chúng. Xin cho con cảm nghiệm được sự đồng hành, nâng đỡ của Chúa luôn, để con biết chọn Chúa là niềm vui và hạnh phúc của đời con.

Thảo An (Học Viện MTG Tân Lập)



Bài viết khác

Suy Niệm Lễ Suy Tôn Thánh Giá

Một Giêsu trần trụi bị treo trên cây thánh giá với những vết thương bị đâm thâu. Trên thánh giá, Chúa Giêsu biểu lộ tình yêu tự hiến để cứu nhân loại khỏi sự chết, mang lại sự sống đời đời cho con người. Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã trao ban tất cả, tha thứ tất cả cho nhân loại. Thánh Giá Chúa Giêsu chính là tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại.


Suy Niệm Lễ Suy Tôn Thánh Giá

Trong muôn vàn cây thập giá, nhưng chỉ có một cây được trở thành Thánh Giá. Có muôn vàn cái chết treo trên khổ hình thập giá, như chỉ có một cái chết của Người “mang hiện thân của tội” là sinh ơn cứu độ.


Thoáng Nhìn Người Nữ Tu Mến Thánh Giá

Theo tinh thần của Đấng Sáng Lập là Đức Cha Lambert de la Motte, lối đi của người nữ tu Mến Thánh Giá là đạt tới giá trị thâm sâu với Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh. Họ được mời gọi sống giá trị của Tin Mừng cách triệt để, trong vai trò trung gian chuyển cầu nơi nguyện đường vào trong cuộc sống.


Biểu tượng Thánh Giá

Nhìn lên Thánh Giá bạn thấy gì? Câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng khi đặt Thánh Giá làm tâm điểm đời mình thì khi nhìn lên Thánh Giá bạn thấy gì?


Những vết đinh

Những vết “sẹo” của những chiếc đinh là những khuyết điểm nhắc nhở tôi về giới hạn trong quá khứ, cũng như tình thương mình được đón nhận từ Thiên Chúa và người khác.


Đóng đinh Chúa vào thập giá

Tôi nghĩ về “cái tôi” của mình, “cái tôi” ấy chính là những lời hô hoán, gào thét đóng đinh Chúa mình vào thập giá.


Ý nghĩa của Thánh Giá

Thánh giá mang ý nghĩa của sự thinh lặng, là sức mạnh trong sự yếu đuối, là tình yêu phi thường, là niềm vinh dự…


Con đường thập giá người môn đệ (Mc 10, 25-45)

Người môn đệ được mời gọi theo sát Chúa Kitô: “Sequela Christi” trong hành trình dâng hiến, họ cảm nhận được hạnh phúc vì đời sống của họ đang trở nên giống Chúa hơn.


Suy niệm Đàng Thánh Giá

Chúng con cùng nhau suy ngắm lại, chặng đường Thánh Gía của Đức Giêsu Kitô con Cha. Xin cho chúng con được đi vào cuộc khổ nạn của Người, được hội nhập vào cuộc khổ nạn của Nhiệm thể Người, đang hiện thực chung quanh chúng con.


Thánh Giá Chúa – Thập Giá đời

Thánh Giá Chúa Giêsu - Một biểu tượng dường như trở nên quá quen thuộc trong thế giới hôm nay: Cây thánh giá xuất hiện trên đỉnh các ngôi thánh đường như dấu hiệu của niềm tin, thánh giá được mang trên cổ để tỏ lòng tôn kính và yêu mến. Thánh giá hiện diện nơi bàn thờ mỗi gia đình Công giáo, và đặc biệt dấu thánh giá được ghi lên thân thể của Kitô hữu như một bảo chứng về sự hiện diện của Chúa ở giữa Dân Ngài.