Chuyến Tông Du Khó Quên Của Vị Giáo Hoàng Truyền Giáo Đến Tận Cùng Thế Giới
Ngày đăng: Tháng chín 19, 2024Kết thúc cuộc hành trình dài nhất của triều đại giáo hoàng, ở Châu Á và Châu Đại Dương, một số hình ảnh sẽ con đọng lại trong tâm trí và trái tim. Đầu tiên là “đường hầm của tình huynh đệ” mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm phép cùng với Đại giáo sĩ Hồi giáo của Jakarta…
Kết thúc chuyến tông du lần thứ 45 của Đức Phanxicô tới Châu Á và Châu Đại Dương, nhiều hình ảnh sẽ còn đọng lại trong tâm trí và trái tim.
Kết thúc cuộc hành trình dài nhất của triều đại giáo hoàng, ở Châu Á và Châu Đại Dương, một số hình ảnh sẽ con đọng lại trong tâm trí và trái tim. Đầu tiên là “đường hầm của tình huynh đệ” mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm phép cùng với Đại giáo sĩ Hồi giáo của Jakarta: vào thời điểm mà các đường hầm gắn liền với hình ảnh chiến tranh, khủng bố, bạo lực và chết chóc, chiếc tàu điện ngầm cổ xưa này nối liền đại đền thờ Hồi giáo với nhà thờ chính tòa Công giáo là dấu chỉ và hạt giống hy vọng. Những cử chỉ của tình bạn và tình cảm mà vị Giám mục Rôma và vị giáo sĩ Hồi giáo trao đổi đã gây ấn tượng mạnh ở quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới.
Cha Martin Prado, người Argentina, đứng trước biểu ngữ chào đón Đức Phanxicô vào Chúa Nhật ngày 8/9/2024.
Hình ảnh thứ hai cho thấy Đức Phanxicô lên chiếc C130 Hercules của Không quân Úc để đi đến Vanimo, phía tây bắc Papua New Guinea, thăm ba nhà truyền giáo gốc Argentina và người dân của họ, mang theo rất nhiều viện trợ và quà tặng. Đức Giáo hoàng, khi còn trẻ mơ ước trở thành nhà truyền giáo ở Nhật Bản, đã nóng lòng chờ đợi đoạn đường này ở nơi xa xôi nhất trên thế giới, nơi ngài được chào đón bởi những người nam và người nữ trong trang phục sặc sỡ. Trở thành một nhà truyền giáo trước hết là chia sẻ cuộc sống, nhiều vấn đề và niềm hy vọng của những con người đang sống bấp bênh giữa một thiên nhiên sôi động. Đó là làm chứng cho dung nhan của một Thiên Chúa dịu dàng và trắc ẩn.
Đức Phanxicô ở Dili, Đông Timor
Hình ảnh thứ ba là của Tổng thống Cộng hòa José Manuel Ramos-Horta, người khi kết thúc bài phát biểu chính thức tại dinh tổng thống ở Dili, Đông Timor, đã cúi xuống để giúp Đức Giáo hoàng điều chỉnh chân trên chiếc xe lăn của mình. Ở đất nước có nhiều người Công giáo nhất thế giới này, đức tin là yếu tố căn tính mạnh mẽ và vai trò của Giáo hội có tính quyết định trong tiến trình dẫn đến độc lập khỏi Indonesia.
Đức Thánh Cha với trẻ em khuyết tật
Hình ảnh thứ tư là hình ảnh cảm động về cái ôm của Đức Thánh Cha đối với các trẻ em khuyết tật được các nữ tu trường Irmãs Alma chăm sóc: cử chỉ, ánh mắt, một số lời có tính Tin Mừng sâu xa để nhắc nhở chúng ta rằng những trẻ em này thiếu thốn mọi thứ, để bản thân được chăm sóc, đã dạy chúng ta để mình được Thiên Chúa chăm sóc. Câu hỏi tại sao những đứa trẻ lại phải chịu đau khổ là một lưỡi dao gây tổn thương, một vết thương không lành. Câu trả lời của Đức Phanxicô là sự gần gũi và ôm hôn.
Hình ảnh thứ năm là hình ảnh người dân Đông Timor chờ đợi Đức Giáo hoàng hàng giờ đồng hồ, dưới cái nắng như thiêu đốt, trên khu đất Taci Tolu. Hơn 600.000 người đã có mặt, tức là gần như cứ hai người Timor thì có một người có mặt. Đức Phanxicô rất ấn tượng trước sự chào đón và nồng nhiệt này ở một đất nước, sau khi đấu tranh để giành được độc lập từ Indonesia, đang dần dần xây dựng tương lai của mình. 65% dân số dưới 30 tuổi, và những con đường mà xe của Đức Giáo hoàng đi qua đều tràn ngập thanh niên nam nữ cùng với cháu nhỏ của họ. Một niềm hy vọng cho Giáo hội. Một niềm hy vọng cho thế giới.
Đường chân trời Singapore
Hình ảnh thứ sáu là đường chân trời Singapore, quốc đảo với một số tòa nhà chọc trời cao nhất và hiện đại nhất. Một đất nước phát triển và giàu có. Không thể không nghĩ đến sự tương phản với những con phố bụi bặm của Dili mà Đức Giáo hoàng đã rời đi vài giờ trước đó. Ở đây cũng vậy, nơi mà sự thịnh vượng hiện rõ trên từng góc phố, nơi mà cuộc sống được tổ chức và giao thông rất nhanh chóng, Đức Phanxicô đã ôm lấy mọi người trong vòng tay của mình. Ngài chỉ ra con đường tình yêu, hòa hợp và tình huynh đệ.
Sau cùng, hình ảnh cuối cùng là của chính Đức Giáo hoàng. Một số người nghi ngờ liệu ngài có thể chịu đựng được sự mệt mỏi của một hành trình dài như vậy, ở những nước có khí hậu nhiệt đới hay không. Ngược lại, ngài mạnh hơn thì có: thay vì mệt mỏi ngày này qua ngày khác bằng cách ghi lại số km, các lần chuyển tuyến và các chuyến bay, ngài đã tìm lại được năng lượng. Ngài đã gặp những người trẻ từ các quốc gia khác nhau, bỏ các văn bản viết sẵn của mình và đối thoại với họ, tiếp thêm sinh lực cho tâm trí cũng như cơ thể của ngài. Trẻ trung trong giới trẻ, bất chấp đã gần độ tuổi 88, mà ngài sẽ đạt tới vào ngày trước Năm Thánh.
Andrea Tornielli, Giám đốc biên tập truyền thông Vatican
Chuyển ngữ: Tý Linh
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va
Nguồn: xuanbichvietnam.net