Chúa Động Lòng Thương, Thấy Dân Như đàn Chiên Bơ Vơ Vất Vưởng (20.07.2024 Chúa Nhật XVI Thường Niên, Năm B)
Ngày đăng: Tháng bảy 20, 2024Chúa Nhật hôm nay cũng có thể được gọi là Chúa Nhật Mục tử Tốt lành, không khác chi Chúa Nhật 4 Phục sinh, vì tất cả các yếu tố Lời Chúa đều nêu bật chủ đề này.
Bản văn trích sách Giêremia (23,1-6) bắt đầu bằng “Khốn cho các mục tử làm tản mát và xâu xé đoàn chiên Ta”, tức là Chúa lên án các mục tử xấu. Rồi Chúa tuyên bố rằng chính Chúa sẽ qui tụ chiên, lùa chiên về đồng cỏ, cùng với lời hứa: “Ta sẽ cho chúng có những chủ chăn để họ chăn dắt chúng!” (pastores dabo vobis!)… Đặc biệt, lời hứa mang tầm lịch sử chính là lời hứa về “mầm giống công chính” từ nhà Đavit, báo trước về vị Mục tử Tốt lành đích thực và duy nhất là Chúa Giêsu Kitô. “Này đây, đã tới những ngày Ta gây cho Ðavít một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ làm vua thống trị, sẽ là người khôn ngoan, thực hiện công lý và đức công bình trên đất nước”. Trước “tấm lòng mục tử” của Thiên Chúa, con cái Chúa tuyên xưng sự tín thác của mình: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi” (x. Đáp ca, Tv 22).
Rõ ràng, trọng tâm của trình thuật Tin Mừng Mác-cô (6,30-34) là tâm cảm của Chúa Giêsu: “Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.” Ta thấy vọng lại mối quan tâm của Thiên Chúa trong trích đoạn Giêremia trên kia: dân chúng như đàn chiên tội nghiệp cần mục tử tốt, Chúa Giêsu chạnh lòng thương và đích thân chăm sóc đàn chiên! Trình thuật cũng cho thấy sự cộng tác của các tông đồ trong vai trò mục tử này, nhất là chi tiết đáng ghi nhận: “dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống”!
Không có thì giờ ăn uống! Điều này mô tả tấm lòng mục tử phản ánh chính Trái Tim của Vị Mục tử Tốt lành. Một khi sẵn sàng hy sinh mạng sống cho chiên, thì đâu ngại gì chuyện chịu khó, chịu nhọc nhằn vất vả vì chiên! Vì thế, mục tử tốt, hiện thân của Đức Kitô là Đầu – in persona Christi capitis – chắn chắn là một mục tử siêng năng, chịu khó. Ngược lại, một mục tử lười biếng, nhàn nhã, hưởng thụ, đùn đẩy công việc cho kẻ khác… thì không thể là mục tử tốt được.
Chúa Giêsu là Mục tử Tốt lành duy nhất. Đàn chiên của Người cũng … duy nhất! Nghĩa là hiệp nhất (trong khi mở ra mời gọi và bao gồm hết mọi người!). Viễn ảnh hiệp nhất này được thực hiện trong bửu huyết của vị Mục tử Tốt lành hy sinh mạng sống vì chiên. Không còn phân biệt giữa dân Do thái và dân ngoại, cũng không còn bất cứ sự phân biệt nào có tính phân hoá, thù nghịch. “Chính Đức Kitô là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người” (x. Ep 2,13-18). Đó là viễn ảnh Triều đại Thiên Chúa!
Có lẽ cần một ghi chú: Hình ảnh ‘mục tử/đàn chiên’ là một hình ảnh Thánh Kinh, một biểu tượng rất hàm súc. Nhưng từ ngữ ‘chăn dắt’, ít là trong tiếng Việt ngày nay, xem ra dễ gây hàm hồ vì hai lý do. Một là, động từ ‘chăn dắt’ có ý nghĩa rất tiêu cực trong một số ngữ cảnh khác. Hai là, động từ này không diễn đạt tốt mối tương quan mục tử-đàn chiên trong phong cách ‘hiệp hành’ (hay đồng hành đồng nghị, nhấn mạnh thái độ tích cực tham gia, cùng lắng nghe, cùng phân định) mà Giáo hội đang đặc biệt cổ võ. Tốt hơn nên thay ‘chăn dắt’ bằng ‘chăm sóc’ hay một từ nào đó tương tự…
Lm. Lê Công Đức