Chiều Kích Lịch Sử Và Giải Phóng Của Biến Cố Phục Sinh( 03.04.2024 Thứ Ba Tuần Bát Nhật Phục Sinh)
Ngày đăng: Tháng 4 2, 2024Người khách lạ trên đường Emmau đi với hai môn đệ buồn phiền nọ, và đã “bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người”. ‘Người’ là Chúa Giêsu Phục sinh, như lát nữa chính hai môn đệ ấy sẽ nhận ra. Bạn hãy lưu ý tính LỊCH SỬ luôn được nhấn mạnh trong câu chuyện Chúa Giêsu. Biết bao nhân vật và sự kiện từ nhiều thế kỷ trước đã báo trước về Người. Ngay ở đây, nỗi buồn và những bước chân nặng nề có vẻ vô định của hai môn đệ cũng là một xúc tác, được dùng để Chúa Phục sinh dẫn nhập (intro) vào những nhân vật và những sự kiện lịch sử có tính báo trước ấy.
Thế đấy. Câu chuyện Chúa Giêsu là câu chuyện có tuồng có tích, có manh có mối từ quá khứ cho đến hiện tại, rất mạch lạc. Ngay cả chỉ dấu cuối cùng có tính quyết định để hai môn đệ NHẬN RA, đó là hành động “cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao…”, cũng liên quan đến một yếu tố lịch sử (dù rất mới chứ chưa xa) thuộc về KINH NGHIỆM của hai môn đệ. Tất cả đều đổ dồn về soi sáng cho rõ một sự thật này mà thôi: Chúa Giêsu Phục sinh là Đấng Ki tô, mọi người được kêu gọi tin và đón nhận Người, để được ơn cứu độ!
Anh què ở Cửa Đẹp Đền thờ và câu chuyện của anh rõ ràng đóng một dấu ấn trên những trang này của sách Công vụ Tông đồ. Phê rô và Gioan, và các anh em khác nữa, sẽ nếm trải đủ cung bậc cảm xúc trong bước đầu sứ vụ làm chứng, bắt đầu từ cái lần gặp anh què này. Như thể có thể nói Chúa dùng cái ‘què bẩm sinh’ của anh cho kế hoạch cụ thể này của Chúa vậy!
Này nhé. Anh bị què từ lúc mới sinh, nghĩa là lâu rồi, mọi sự an bài rồi… Anh được khiêng đến chỗ đó là để xin bố thí, cái này cũng lâu rồi, thành nề nếp rồi… Vậy mà Phê rô tuyên bố xanh dờn: “ “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng có cái này tôi cho anh, là: nhân danh Ðức Giêsu Kitô Nadarét, anh hãy đứng dậy mà đi !”… Phê rô đang lật đổ một sự ổn định bi thảm, một sự cam chịu nhục nhằn, một bất lực được thấy như là định mệnh, và vị Tông đồ làm thế NHÂN DANH ĐỨC GIÊSU KI TÔ!
Bạn thấy đó, tại vì tật nguyền mới phải ăn xin… Và nay Phê rô không đáp ứng việc ăn xin, mà giải quyết chính cái tật nguyền, tức nguồn cơn khốn khổ, của người ấy! Chúng ta nói về năng lực GIẢI PHÓNG của Chúa Phục sinh, thì đây là một hành động đầy tính biểu tượng của sự giải phóng ấy. Bạn cũng thấy đó, có điều gì đó thật lạ, thật đáng ngạc nhiên nơi hành động của Phê rô. Ông đã từng thấy Chúa Giêsu làm phép lạ bao lần rồi, nhưng chính ông thì đâu đã quen làm phép lạ! Thế mà ở đây, Phê rô đầy quyết đoán và đầy xác tín để làm phép lạ hết sức ngoạn mục. Ta nhận ra, đức tin nơi Phê rô thật lớn – hay có thể nói, chính Chúa Giêsu Phục sinh ở với và hành động qua Phê rô.
Trở lại với anh què được chữa lành. Hẳn là anh rất vui, niềm vui mà anh đang kinh nghiệm hẳn cao như nỗi khốn khổ mà chính anh đã từng kinh nghiệm suốt quãng đời trước đây của mình. Hẳn là cách nào đó anh nhận ra Chúa thương anh nhiều và Chúa rút ra điều tốt lành từ nỗi bất hạnh từng dày vò anh.
Nhưng giới lãnh đạo Đền thờ thì không nghĩ thế. Họ sẽ làm khó Phê rô và các Tông đồ. Họ nghĩ chuyện GIẢI PHÓNG vừa xảy ra ấy thật là phiền phức. Họ muốn rằng mọi sự cứ yên như cũ, anh què ấy cứ què như cũ, và cứ ăn xin vạ vật chỗ đó… thì tốt hơn!
Còn chúng ta, nên yên phận với cái hiện trạng (status quo) của mình, của Giáo hội và thế giới này, hay là nên để cho Chúa Phục sinh can thiệp vào và làm xáo trộn tất cả, theo hướng giải phóng và đem lại TỰ DO hơn?
Lm. Lê Công Đức