Suy Niệm Lễ Suy Tôn Thánh Giá
Ngày đăng: Tháng chín 13, 2024Thánh Giá Chúa – Cơn Khát Của Tình Yêu
Anna Hoàng Hoài
Tình yêu là điều cơ bản mà ai cũng khao khát có được. Theo lẽ tự nhiên, yêu và được yêu là niềm hạnh phúc nhất của con ngưởi. Không ai lại không mong muốn điều tốt nhất cho riêng mình và cho người mình yêu nhưng tất cả những điều trên không thể so sánh được với Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho con người: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Vì yêu Thiên Chúa đã tự hạ và trao ban chính Con Một của Ngài. Ngài đã chấp nhận chết như một tội nhân trên cây Thánh Giá để cứu độ nhân loại. Ngày hôm nay khi suy tôn Thánh Giá Chúa, ta cùng chiêm ngắm những nỗi khát khao Ngài muốn dành cho nhân loại.
Chiêm ngắm cuộc đời của Đức Giêsu, ta thấy toàn bộ cuộc sống của Đức Giêsu là cuộc sống cho tình yêu và vì tình yêu. Vì yêu thương Chúa đã chạnh lòng thương xót con người, chữa lành bệnh tật, thứ tha tội lỗi… Vì yêu Đức Giêsu đã đón nhận và gánh lấy cả những đau khổ, bị chế giễu, chống đối và bị loại trừ. Như trong thư thánh Phêrô nói về Đức Giêsu như sau: “Bị nguyền rủa Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Đấng xét sử công bằng. Tội lỗi của chúng ta chính Ngài đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội lỗi, chúng ta sống cuộc đời công chính”(Pr 2,23 -24). Cả cuộc đời Đức Giêsu luôn là sự khao khát cho nhân loại hạnh phúc. Ngài đã sống một cuộc đời để yêu và yêu thương đến cùng. Mà tận cùng của tình yêu là thí mạng mình vì bạn hữu; vì “không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu của người đã hiến mạng sống mình cho người mình yêu” (x.Ga 15,3). Cả cuộc đời của Chúa, Chúa luôn dạy con người yêu thương, tha thứ, đón nhận nhau và thực thi ý muốn của Thiên Chúa Cha.
Theo Thần học về Thập Giá: cây thập giá là sự liên kết lồng trong sự liên kết, tha thứ đực ghép trong sự tha thứ. Thanh dọc của Thánh giá là sự liên kết giữa trời với đất; giữa Thiên Chúa với nhân loại. Thanh ngang của Thánh Giá là tượng trưng cho sự liên kết giữa con người với nhau (x. Jonh Toại. Chiếc chiếu sau bụi hoa quỳnh, tập 2 – góp nhặt và suy niệm, tr.132). Đó là nỗi khát khao của Con Thiên Chúa khi Ngài chấp nhận bước lên cây thập giá. Đó là đích điểm tình yêu mà Thiên Chúa Ngài khao khát dành cho con người. Chính vì tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại chính Con Một (x. Ga 3,16), Người Con duy nhất đã hiến mạng sống mình cho nhân loại. Ngài đã chấp nhận chết như một tội nhân trên cây Thánh Giá để cứu độ toàn thể nhân loại.
Thánh Giá Chúa được dựng lên luôn là dấu chứng tình yêu mà Thiên Chúa muốn dành cho nhân loại. Thánh Giá Chúa – cơn khát tình yêu dành cho nhân loại vẫn tồn tại mãi.Điều này được Linh mục Thái Nguyên viết trong ca khúc Khát Khao rất ý nghĩa như sau: Thiên Chúa là tình yêu, mà tình yêu là cơn khát khôn vơi. Vì yêu Chúa đã giáng thế và vì yêu nên hiến tế thân mình. Từ trên thánh giá máu Chúa càng đổ ra tim Chúa càng khao khát, khát khao yêu từng con người, khát khao trong từng con tim. Thiên Chúa là tình yêu, mà tình yêu là khao khát hi sinh. Tình yêu không hề toan tính, Ngài đền thay cho nhân thế tội tình. Từ trên thánh giá cơn đau càng da diết tim Chúa càng tha thiết, cháy lên như ngọn lửa hồng, khát khao thắm nồng nhân gian.
Qua Thánh Giá, Thiên Chúa luôn khát khao con người sống hạnh phúc và luôn liên kết lại với nhau bằng đời sống yêu thương, bác ái và tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ và đón nhận con người. Ước mong rằng, ta luôn biết đáp lại cơn khát tình yêu của Chúa bằng cách sống kết hợp với Chúa mỗi ngày, biết nhìn lên Thánh Giá để Ngài tiếp thêm nghị lực và nguồn sức mạnh. Khi chiêm ngắm Thánh Gia Chúa chúng ta luôn can đam chống lại mọi sự thù ghét, mọi con cám dỗ của trần thế. Xin cho ta luôn biết chấp nhận và vui lòng đón lấy thập giá đời mình theo Chúa trong niềm tin yêu và phó thác.
TIẾNG THẬP GIÁ
Maria Thảo An
Đối với người đời, thánh giá là biểu tượng của sự thất bại, của đau khổ và của sự chết nhưng đối với người Kitô hữu, Thánh giá là biểu tượng của tình yêu và vinh quang. Lễ Suy Tôn Thánh Giá Giá, Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng nhau chiêm ngắm tình yêu tự hủy của con Thiên Chúa. Nơi chính thập giá ấy, ơn cứu độ được dành cho con người, cánh cửa của tình yêu được rộng mở.
Chiêm ngắm thánh giá, chúng ta thấy gì?
Một Giêsu trần trụi bị treo trên cây thánh giá với những vết thương bị đâm thâu. Trên thánh giá, Chúa Giêsu biểu lộ tình yêu tự hiến để cứu nhân loại khỏi sự chết, mang lại sự sống đời đời cho con người. Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã trao ban tất cả, tha thứ tất cả cho nhân loại. Thánh Giá Chúa Giêsu chính là tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Ngài đội mạo gai để trang điểm cho ta
Ngài cúi xuống để chào ta
Ngài dang tay ra để ôm lấy ta
Ngài chịu đóng đinh ở chân để có thể đứng cùng ta
và Ngài đã chết để chúng ta được sống.
Vì yêu, Đức Giêsu vô tội, đã bị hành hình treo trên thánh giá. Trước khi chết, Ngài đã “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Lòng vị tha ấy vẫn còn tồn tại đến muôn thuở cho những ai biết bám sát chân Đức Giêsu mà chọn đường chân lý làm lẽ sống đời mình.
Ngài vẫn trung tín với lời hứa “Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến ngày tận thế”. Tình yêu của Ngài hôm qua, hôm nay và cho đến mãi muôn đời không thay đổi dù chúng ta là ai, chúng ta có như thế nào.
Chúa Giêsu chấp nhận tất cả khổ đau và tội lỗi của nhân loại với vòng tay rộng mở, mang trên vai Thánh Giá của chúng ta và nói với chúng ta rằng: “Hãy can đảm! Các con không vác Thánh Giá một mình, Ta cùng vác với các con và cùng đi với các con trên mọi nẻo đường. Ta đã vượt qua cái chết và Ta đã đến để ban cho các con hy vọng, để mang đến cho các con sự sống.”
Qua Thánh Giá, Chúa Giêsu nói gì với ta?
Thập giá đối với người Do Thái là nỗi ô nhục không thể chấp nhận và đối với Hy Lạp đó là một sự điên rồ nhưng chính Chúa lại chọn con đường thập giá để minh chứng một tình yêu trọn hảo dành cho con người. Ngài muốn mang lấy nỗi khổ cực nhất, tủi nhục nhất để có thể cảm thông, thấu hiểu những gì mà con người đang phải đối diện.
Chúa hiểu thế nào là nước mắt
Chúa hiểu thế nào là đau khổ
Chúa hiểu thế nào là mất mát
Chúa hiểu thế nào là nỗi sợ hãi khi đối diện với cái chết.
Vì thế, Chúa mời gọi chúng ta “Đừng sợ”, “Đừng bỏ cuộc” trước những khó khăn, thử thách và thất bại trong cuộc sống bởi có một vị Thiên Chúa thấu hiểu chúng ta. Tình yêu Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy đến và chạm vào từng dấu đinh của Ngài để Giêsu chạm vào từng vết thương sâu trong tâm hồn ta, những khó khăn, đau khổ mà ta đang đối diện. Ngài muốn chúng ta hãy ôm lấy thánh giá Chúa để tìm được nguồn sức mạnh trong những đêm tăm tối đức tin, những khi thất vọng và thất bại trong cuộc đời.
Chúa cũng mời gọi chúng ta đừng sợ thánh giá trong cuộc đời. Nếu hiểu thập giá là nỗi chông chênh, là nước mắt, là bệnh tật, là đớn đau trong đời thì dẫu cho người có đức tin hay không có đức tin, đều phải chấp nhận vác lấy trong từng ngày sống của mình. Nhưng nếu chúng ta tin, chúng ta sẽ yêu mến cây thập giá của đời mình hơn. Nếu ta tin, ta sẽ hiểu rất rõ rằng, cùng với Chúa Kitô, Đấng đã dùng Thánh Giá để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa, sẽ làm cho thập giá đời ta thành Thánh Giá.
Mỗi người chúng ta đón nhận thập giá của bản thân với thái độ khác nhau. Có người đón nhận thập giá để đền tội. Có người đón nhận thập giá vì lòng yêu mến tha nhân. Và cũng có người đang từ chối thập giá trong cuộc đời. Hạnh phúc hay đau khổ tùy thuộc vào việc chọn lựa sống của chúng ta. Nhưng dù con người có muốn hay không? Thập giá vẫn hiện diện. Thập giá của bổn phận. Thập giá của hy sinh từ bỏ tội lỗi, những ích kỷ tầm thường, những đam mê chóng qua và những cái tôi cồng kềnh… Đón nhận thập giá là cơ hội để ta đền bù những thiếu sót trong cuộc sống của mình và của tha nhân. Đón nhận thập giá còn là cơ hội để ta cùng bước vào cuộc khổ nạn của Chúa, được thông chia những đau khổ mà Chúa phải chịu để cũng được hưởng vinh quang Nước Trời.
Lễ Suy tôn Thánh giá mời gọi chúng ta chiêm ngắm một tình yêu vô tận của Thiên Chúa. Một tình yêu tự hạ để đến và sẻ chia với thân phận con người. Một tình yêu tự nguyện để đồng hành và thấu hiểu nỗi thống khổ của phận người. Một tình yêu tự hiến để hàn gắn tình nghĩa phụ tử của Thiên Chúa với con người.
Suy tôn Thánh giá không chỉ dừng lại ở việc nhận ra tình yêu hải hà của Thiên Chúa trên cuộc đời mình, mà còn mời gọi mỗi người chúng ta sống tình yêu đó một cách triệt để và cụ thể nơi cuộc sống hằng ngày. Để ngang qua đời sống của mỗi người chúng ta, hình ảnh một Thiên Chúa đầy tình yêu thương và giàu lòng thương xót đang hiện diện với nhân loại một cách rõ nét hơn.
Giờ đây trong thinh lặng, chúng ta cùng chiêm ngắm thánh giá và lắng nghe “Chúa đang mời gọi tôi điều gì? Tôi đã đón nhận thánh giá trong cuộc đời với thái độ nào? Tôi có dám mở lòng ra để Chúa biến đổi tôi nên như khí cụ của Ngài?