Tình Yêu Thập Giá
Ngày đăng: Tháng 4 14, 2025Khi màn đêm buông xuống, giờ kinh nguyện đã kết thúc, chỉ còn lại mình con với Chúa trong sự thinh lặng cuối ngày. Con ngước mắt lên nhìn Chúa và Chúa cũng đang nhìn con, một cảm xúc dâng trào trong lòng và con tự hỏi: “Tình yêu là gì?” Có thứ tình yêu “sét đánh” thường xảy ra chớp nhoáng nhưng mau tàn. Có tình yêu của tuổi học trò ngây ngô, nhẹ nhàng, trong sáng. Có tình yêu mong manh sớm tan vỡ trước những trắc trở… Nhưng vẫn còn đó một tình yêu bền bỉ đầy ắp sự hy sinh trao hiến mà chẳng tình yêu nào sánh nổi. Đó chính là tình yêu Thập Giá.
Tại vườn Ghết-si-ma-ni, Chúa Giê-su biết giờ của Ngài đã đến, dù có sợ hãi nhưng Ngài đã đón nhận chén đắng đó trong sự vâng phục và tín thác: “Áp-ba, Cha ơi! Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36).
Thập Giá mà Chúa Giê -su gánh lấy vì nhân loại chính là đỉnh cao của yêu thương. Trên đường vác Thập Giá, Ngài đã phải chịu bao nhiêu sự sỉ nhục, Ngài đã ngã xuống nhưng vẫn cố gắng đứng dậy để tiếp tục tiến lên đỉnh đồi Gôn-gô-tha là nơi Ngài sẽ tỏ hiện tình yêu thương cao vời của Ngài. Trên đồi Gôn-gô-tha ấy, giây phút Chúa căng mình, dang trọn đôi tay để ôm lấy tội lỗi của nhân loại chính là giây phút đẹp nhất. Chúa Giêu-su, Chúa đã yêu con người trọn vẹn, Ngài đã cho đi tất cả, cho đến khi hơi thở dần cạn, tim ngừng đập và cho đi cả giọt máu cuối cùng. Trái tim Người đã phải mang thương tích, chịu tan nát để chúng con được chữa lành. Trái tim Chúa cũng là trái tim Người Mục Tử Nhân Lành, luôn tìm kiếm những con chiên bơ vơ, lạc lối, luôn mời gọi và khao khát chúng con trở về với Chúa trong tin tưởng và mến yêu.
Có lời thánh ca vẫn luôn vang vọng: “Làm sao hiểu thấu Giê-su ơi, Ngài chết vì ai?” Thật vậy, không ai có thể thấu hiểu được cái chết và Mầu nhiệm Cứu độ của Ngài một cách trọn vẹn ngoài Chúa Cha. Chính Chúa Cha đã đồng hành với Chúa Giê-su trong mọi giây phút đau khổ. Để rồi Chúa Giê-su lại tiếp tục đồng hành cùng nhân loại tội lỗi bằng tình yêu của Ngài. Nhờ sự hiến thân trên Thập Giá, Chúa đã mang lại một giá trị tuyệt vời và ý nghĩa cho sự đau khổ; đó là giá trị cứu độ. Từ đây Thập Giá không phải là hình phạt của mọi tội lỗi nhưng là thể hiện cho tình yêu cao vời. Thập Giá là chiếc cầu nối sự sống và cái chết, là ánh sáng chiếu dọi vào những tâm hồn tăm tối để cho chúng con được giao hòa với Thiên Chúa. Thập Giá không còn là chướng ngại vật nhưng mà là con đường dẫn đưa chúng con đến nguồn sống đích thực.
Là thân phận con người, ai cũng sợ đau khổ, sợ hy sinh và sợ chết. Nhưng chỉ những ai vượt qua đau khổ, không ngại hy sinh thì mới cảm nhận được giá trị của chúng trong cuộc sống. Chúa đã vác lấy tội lỗi của con người mà đưa lên cây Thập Giá, đã chết để khép lại màn đêm tăm tối và mở ra một chân trời cứu độ tươi sáng. Con ước mong mình cũng biết chết đi trong những đau khổ của con người cũ để con người mới được lớn lên.
Lạy Chúa Giê-su, qua mầu nhiệm Thập Giá Chúa. Xin cho con biết khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi của mình trước tình yêu vô biên và lòng nhân hậu của Chúa. Xin để con biết đón nhận thập giá với tất cả niềm tin và lòng yêu mến. Xin thắp trong con ngọn lửa tình yêu nồng nàn của Chúa, giúp con sống bài học yêu thương, tha thứ, biết vượt qua những yếu hèn của bản thân để yêu thương hết mọi người như Chúa đã yêu và còn yêu con người mãi mãi. Amen.
Têrêsa Avila Quỳnh Mai